Mỹ: Tăng lương, chưa chắc giảm thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng hơn 10% vào cuối năm nay, theo thông báo của Bộ Lao động Mỹ, từ ngày 24-7, lương tối thiểu của liên bang sẽ tăng lên 7,25 USD/giờ.
Lương thấp được trợ cấp
Hiện nay, lương giờ tối thiểu của lao động được chủ lao động trả là 6,55 USD. Mức lương này đa số dành cho lao động làm trong các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng hoặc một số hãng xưởng nhỏ.
Trên thực tế, hầu hết nhà hàng ăn uống chỉ trả mức lương cực thấp, từ 2,75 đến 6,25 USD/giờ. Nhân viên phục vụ kiếm thêm thu nhập từ tiền boa của khách. Chủ nhà hàng áng chừng số tiền boa để đưa vào thu nhập, cuối cùng tính ra nhân viên vẫn được hưởng ở mức lương tối thiểu hoặc hơn theo quy định của Bộ Lao động.
Đến thời điểm tháng 6, cuộc khủng hoảng kinh tế tại Mỹ đã đẩy số lao động thất nghiệp lên đến 9,5%. Theo dự báo của Bộ Lao động, tỷ lệ này có thể tăng lên hơn 10% vào cuối năm nay trên tổng số 155 triệu lao động toàn thời gian và bán thời gian.
Nhiều lao động muốn có thu nhập đành chấp nhận công việc với mức lương tối thiểu. Thế nhưng thời gian làm việc của người lao động ăn lương giờ lại bị cắt giảm. Nhiều hãng xưởng, cơ sở dịch vụ làm việc cầm chừng. Với hơn 30 tiếng làm việc mỗi tuần, thu nhập giảm sút đã đẩy người lao động vào thành phần nghèo.
Theo quy định an sinh xã hội, đối tượng nghèo hoàn toàn đủ điều kiện để xin chính phủ trợ giúp thực phẩm hoặc thức ăn, sữa dành cho trẻ dưới năm tuổi. Tiền trợ giúp cho mỗi gia đình trung bình 250 USD/tháng. Cá biệt bang California có mức trợ cấp thực phẩm cho một gia đình lên đến 560 USD/tháng.
Ngoài tiền trợ cấp thực phẩm, người nghèo còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo luật định. Bởi thế ngân sách an sinh xã hội bấy lâu nay vẫn là gánh nặng ở nhiều bang trên nước Mỹ.
Tăng lương, chính phủ khỏe
Khi mức lương tối thiểu mới bắt đầu áp dụng vào ngày 24-7, lương tăng thêm 0,70 cent/giờ, nghĩa là mỗi năm người lao động được hưởng thêm hơn 1.500 USD. Số tiền này giúp người lao động toàn thời gian có thêm thu nhập.
Ngược lại, người làm việc bán thời gian sẽ thoát được định mức nghèo và như thế không còn đủ tiêu chuẩn xin trợ cấp an sinh xã hội nữa.
Trong khi đó, nhiều chủ hãng lại không mặn mòi với việc tăng lương tối thiểu. Kinh doanh giảm, họ chỉ muốn giữ mức lương tối thiểu cũ. Nếu bị buộc phải tăng lương, tình hình tuyển lao động mới sẽ phải giảm, có nghĩa là nạn thất nghiệp vẫn chưa thể giải quyết.
Theo Cơ quan dịch vụ đầu tư Moody, chính sách tăng lương tối thiểu đi ngược lại tình hình kinh tế xuống dốc hiện nay. Thị trường lao động có thể không kham nổi với việc trả cho người lao động mức lương mới.
Suy cho cùng, tăng lương có lợi cho nhà nước, có thể làm giảm ngân sách an sinh xã hội, làm guồng máy kinh tế nhà nước khỏe ra. Ngược lại, giới chủ phải móc thêm hầu bao để trả cho người lao động. Vấn đề rồi sẽ đâu vào đó bởi hiện nay, đã có nhiều bang bắt đầu áp dụng mức lương tối thiểu mới.
Tại Mỹ, định mức phân loại người nghèo hiện nay dành cho người lao động có thu nhập thấp là hơn 10.830 USD/năm đối với người độc thân hoặc 22.050 USD/năm đối với gia đình có bốn người. Luật sư Matt Goldberg thuộc Tổ chức Bảo vệ công nhân thu nhập thấp, nhận xét: “Tăng lương tối thiểu cao hơn cũng có nghĩa là tăng năng suất lao động, thêm thu nhập, giảm lệ thuộc vào trợ cấp của chính phủ”.
Ngọc Linh
Pháp luật
|