Môi giới bảo hiểm ở Việt Nam bao giờ… gặp thời?
Khi kinh tế phát triển, nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức và cá nhân phát sinh hết sức đa dạng, đồng thời cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm bảo hiểm.
Người có nhu cầu bảo hiểm, đặc biệt là các tổ chức kinh tế lớn, mặc dù luôn nhận được thông tin về các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng họ ít có điều kiện so sánh, đánh giá khả năng của nhiều doanh nghiệp có sản phẩm cùng loại để lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm tốt hơn.
Bên cạnh đó, cùng một sản phẩm bảo hiểm của những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường nhưng cũng cần phải biết sản phẩm nào có điều kiện bảo hiểm rộng hơn và mức phí rẻ hơn, phù hợp hơn? Chính vì vậy đã xuất hiện các nhà môi giới bảo hiểm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phần nhiều chưa có thói quen sử dụng môi giới bảo hiểm; cho dù những tiện ích là điều dễ nhận ra. Nghề môi giới bảo hiểm, do đó, hiện có ít cơ hội để phát triển.
Chân dung môi giới bảo hiểm
Tổ chức môi giới bảo hiểm ra đời đại diện cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, nhằm lựa chọn, thu xếp và ký kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm. Do trách nhiệm của môi giới rất lớn và đòi hỏi quy mô hoạt động rộng lớn, ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, pháp luật không cho phép cá nhân hoạt động môi giới bảo hiểm, chỉ có các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới được phép hoạt động môi giới.
Để tiến hành hoạt động môi giới bảo hiểm, đòi hỏi phải có kiến thức và quy mô hoạt động nhất định và phải có trách nhiệm nghề nghiệp; người môi giới bảo hiểm phải phân tích để cung cấp cho người tham gia bảo hiểm những phương án bảo hiểm hiệu quả nhất.
Sau khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết, người được bảo hiểm còn có thể ủy thác cho môi giới theo dõi việc thực hiện hợp đồng và đòi người bảo hiểm bồi thường trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm gây thiệt hại cho đối tượng được bảo hiểm.
Mặc dù làm tư vấn cho người tham gia bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi cho người này, nhưng môi giới bảo hiểm lại nhận hoa hồng bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm. Tập quán bảo hiểm và luật bảo hiểm của các nước trên thế giới khi đề cập đến hoạt động môi giới đều quy định vấn đề này. Khoản 1, điều 91 Luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam quy định: “Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được hưởng hoa hồng môi giới bảo hiểm. Hoa hồng môi giới bảo hiểm được tính trong phí bảo hiểm”.
Sở dĩ quy định hoa hồng tính trong phí bảo hiểm là nhằm tạo cho người tham gia bảo hiểm cảm giác được tư vấn miễn phí, được phục vụ miễn phí. Người môi giới không thể đòi hỏi ở người được mình phục vụ vì đã nhận hoa hồng từ phía doanh nghiệp bảo hiểm. Dù phải trả hoa hồng môi giới nhưng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải giữ mức phí bảo hiểm hợp lý để thu hút dịch vụ.
Để tránh việc môi giới sử dụng sức ép buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải chấp nhận dịch vụ xấu, phạm vi bảo hiểm rộng và phí bảo hiểm thấp, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm chỉ được tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm các quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính ban hành, phê chuẩn hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính”.
Vẫn chỉ là tiềm năng
Trách nhiệm của doanh nghiệp môi giới đối với khách hàng rất lớn. Nếu doanh nghiệp môi giới tư vấn sai, lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm không có khả năng tài chính sẽ làm thiệt hại cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Chính vì vậy pháp luật của các nước trên thế giới đều buộc người môi giới phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ. Ở Việt Nam, điều 92 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động môi giới bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam”.
Kể từ khi Nhà nước Việt Nam ban hành Nghị định 100/CP về kinh doanh bảo hiểm - ngày 18/12/1993, tới nay tại Việt Nam đã có 10 công ty môi giới bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động, trong đó có các công ty môi giới nổi tiếng nước ngoài như ION (Mỹ) và Gras Savoi (Pháp), góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Sử dụng dịch vụ môi giới là thói quen của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài khi phát sinh nhu cầu bảo hiểm. Sản xuất kinh doanh trong một môi trường mới lạ, chưa thông hiểu về pháp luật bảo hiểm Việt Nam nên các doanh nghiệp có vốn nước ngoài coi môi giới như bạn đồng hành.
Nhưng ngược lại, các đơn vị sản xuất kinh doanh Việt Nam còn ít sử dụng môi giới, chủ yếu vẫn trực tiếp mua bảo hiểm hoặc thông qua đại lý; hoặc đơn giản là dựa vào thói quen… Những nguyên nhân trên khiến cho hệ thống môi giới bảo hiểm ở Việt Nam chậm phát triển.
Tuy vậy, theo lãnh đạo một số đơn vị, các doanh nghiệp môi giới Việt nam đang hoạt động trong một môi trường hết sức khó khăn do các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh không lành mạnh, trả hoa hồng không chỉ cho đại lý mà cho chính cả người mua bảo hiểm.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang áp dụng các biện pháp hết sức kiên quyết trong đó có việc xử phạt các doanh nghiệp bảo hiểm trả hoa hồng không đúng quy định để thị trường bảo hiểm phát triển ngày càng lành mạnh, hoạt động môi giới bảo hiểm có cơ hội sử dụng chuyên môn của mình phục vụ các nhu cầu về bảo hiểm./.
Doanh Nhân, Vietnam +
|