Chủ Nhật, 12/07/2009 09:18

Lợi nhuận ngân hàng: Có thực sự cao?

Trong khoảng 50 ngân hàng Việt Nam hiện tại, số ngân hàng duy trì tăng trưởng cao cả về quy mô và hiệu suất kinh doanh trong thời gian dài còn rất ít.

Trước kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2009 vừa được các ngân hàng (NH) công bố, nhiều người cho rằng, mức tăng trưởng về lợi nhuận của nhà băng đã có sự đột phá mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường còn không ít khó khăn. Song, chính lãnh đạo các ngân hàng lại đang thừa nhận, chưa nhiều ngân hàng có sự đột phá về lợi nhuận thu về. 

Sacombank có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm là 905 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng. Con số này đạt hơn 50% kế hoạch cả năm là 1.600 tỷ lợi nhuận. Một kết quả khá khả quan, nhưng khả quan trên một kế hoạch đầy thận trọng.

Nếu nhìn lại năm ngoái, ngân hàng này đã từng đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên tới 2.000 tỷ đồng cho năm 2008, song do những khó khăn của cuộc khủng hoảng, Sacombank đã phải xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận xuống còn 1.500 tỷ đồng và thực tế năm 2008 cũng chỉ đạt con số lợi nhuận 1.100 tỷ đồng.

Chính vì vậy, kế hoạch lợi nhuận 1.600 tỷ đồng năm 2009 là một kế hoạch có sự tính toán thận trọng và không có gì là đột phá. Vốn chủ sở hữu của Sacombank hiện đạt trên 7.400 tỷ đồng, nếu đạt mức lợi nhuận kế hoạch thì cũng chỉ đạt tỷ lệ lợi nhuận nhỉnh hơn 20%, một hiệu suất tốt so với mức trung bình các doanh nghiệp trong nền kinh tế, nhưng không phải quá cao.

Vấn đề hiệu quả cũng được cổ đông Eximbank đưa ra mổ xẻ trong kỳ đại hội cổ đông vừa qua. Sau 6 tháng đầu năm 2009, Eximbank thu về 813 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch đề ra cho cả năm nay là đạt 1.500 tỷ đồng. Nhưng nếu nhìn vào vốn chủ sở hữu thuộc loại cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay (13.500 tỷ đồng) của ngân hàng này, thì hiệu quả thu về được cổ đông nhận định “chưa tương xứng với quy mô” là điều có thể dễ hiểu.

Tính đến hết tháng 6/2009, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 1.031 tỷ đồng (sau khi đã trích đủ dự phòng rủi ro tín dụng và giảm giá chứng khoán). Vẫn xét về hiệu quả thì năm nay Techcombank có sự tăng trưởng cao, bởi với vốn chủ sở hữu hơn 5.000 tỷ đồng thì chỉ mới 6 tháng đầu năm, Techcombank đã đạt hiệu suất khoảng 20%.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank tỏ ra khá thận trọng. Theo ông Vinh, hiệu quả cao là một điều tốt cho cổ đông và cho bất kỳ doanh nghiệp nào, tuy nhiên đặc thù hoạt động của một định chế tài chính có nhiều rủi ro thì duy trì sự tăng trưởng ổn định mới là điều quan trọng, chứ không phải là sự đột biến trong vòng một hai năm.

Để đạt được điều đó, theo ông Vinh, phải xây dựng được hệ thống kinh doanh cốt lõi tốt. Trong tổng nguồn thu 6 tháng đầu năm của Techcombank, gần 70% nguồn thu đến từ các nghiệp vụ ngân hàng cốt lõi như: quản lý và kinh doanh tiền tệ, tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế, tài trợ thương mại, tín dụng; khoảng 30% còn lại là từ các hoạt động kinh doanh khác, như trái phiếu, kinh doanh vàng.... Trong đó, nguồn thu từ tín dụng chỉ chiếm hơn 50% trong cơ cấu doanh thu của Techcombank. Lợi nhuận liên quan đến cổ phiếu chỉ bắt đầu đóng góp vào tổng lợi nhuận tháng 6 của Techcombank, với việc Ngân hàng bán ra lượng cổ phiếu đã được đầu tư từ trước, thu về 39,9 tỷ đồng.

Năm 2008 đã cho thấy một bài học về sự cần thiết duy trì một mức tăng trưởng ổn định. Sau một năm 2007 đầy thuận lợi, nhiều ngân hàng vừa mới hình thành, nhờ hoạt động đầu tư đã thu được hiệu quả kinh doanh rất tốt trên mức 20%, thì đến năm 2008 thậm chí đã phải áp dụng biện pháp “hạn chế đề cập đến kết quả kinh doanh” bởi thực tế đơn giản là nó không còn tốt nữa. Trong những thông cáo phát ra chỉ thấy các chỉ tiêu như tổng tài sản, số lượng chi nhánh mới… còn thông số cần thiết cho nhà đầu tư để tính toán những hệ số như ROA, ROE… thì không thấy hiện diện.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng, trong khoảng 50 ngân hàng Việt Nam hiện tại, số ngân hàng duy trì mức tăng trưởng cao cả về quy mô và hiệu suất kinh doanh trong thời gian dài còn rất ít. Vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, hiện chỉ có ACB là thực sự vượt trội khi duy trì được mức tăng trưởng khoảng 30%/năm, còn lại trong top dẫn đầu như Techcombank, Sacombank… cũng mới duy trì được mức tăng trưởng và hiệu suất trong khoảng 20%/năm.

Vân Linh  

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Người mua trái phiếu ở thế thượng phong (11/07/2009)

>   Thận trọng với các khoản chào cho vay vốn của các đối tác NN (11/07/2009)

>   Các NH ở Hà Nội thực hiện nghiêm quy định về hỗ trợ LS (11/07/2009)

>   Cần đơn giản hóa thủ tục và giảm lãi suất cho vay (11/07/2009)

>   Tuần thất bát của giá vàng (11/07/2009)

>   Nghị định phòng chống rửa tiền vẫn gây tranh cãi (11/07/2009)

>   Cuộc đua tăng lãi suất đã giảm nhiệt (10/07/2009)

>   Kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn 20.000 tỉ đồng (10/07/2009)

>   Ngân hàng sợ bán đôla cho doanh nghiệp (10/07/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt gần 376 nghìn tỷ đồng (10/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật