Thứ Bảy, 11/07/2009 14:49

Người mua trái phiếu ở thế thượng phong

Sáu tháng qua chỉ khoảng 7.500 tỉ đồng trái phiếu chính phủ tìm được người mua, trong khi lượng đưa ra phát hành lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhiều phiên có một, hai tổ chức đăng ký mua, có phiên chẳng có ai.

Bộ Tài chính nâng lên 9,3-9,4%/năm tùy kỳ hạn, nhưng vẫn thấp hơn lãi suất bỏ thầu 0,5-1%/năm. Bộ Tài chính nâng lên bao nhiêu, người mua lại nâng lên bấy nhiêu. Cứ thế cuộc rượt đuổi lãi suất trái phiếu chưa có điểm dừng.

Trục trặc lãi suất

Một công ty bảo hiểm nói: “Trần lãi suất trái phiếu luôn thấp hơn lãi suất thị trường thì làm sao chúng tôi mua? Gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn hơn chúng tôi cũng đã được hưởng lãi suất cao hơn trái phiếu”. Còn ngân hàng cho biết: “Trái phiếu là câu chuyện của năm ngoái. Năm nay tổ chức tín dụng nào cũng cần vốn tiền đồng để cho vay, đâu còn tiền thừa mà mua trái phiếu”. Xem ra, phát hành trái phiếu chưa thể có biến chuyển tích cực trong quí 3-2009.

Ngoài trục trặc về lãi suất, một điểm nổi bật của trái phiếu năm nay là sự thay đổi hình thức phát hành. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm 2008 cả nước huy động được 40.327 tỉ đồng qua kênh trái phiếu chính phủ, trong đó đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chiếm tỷ lệ lớn nhất, đạt 18.465 tỉ đồng. Đấu thầu qua sàn chứng khoán chỉ có 4.292 tỉ đồng, phần còn lại do Bảo hiểm Xã hội mua và bảo lãnh phát hành.

Nếu nhìn xuyên suốt chín năm 2000-2008, lượng trái phiếu bán được từ đấu thầu qua NHNN cũng chiếm áp đảo: 119.949 tỉ đồng trên tổng số phát hành 272.015 tỉ đồng. Đặc biệt trong các năm 2005-2006 đấu thầu trái phiếu qua NHNN đều vượt hơn 20.000 tỉ đồng/năm.

Một sự quan sát kỹ lưỡng minh chứng rằng trần lãi suất trong các đợt đấu thầu của NHNN sát với thị trường hơn và được các ngân hàng thương mại tham gia đông đảo hơn.

NHNN là nơi nắm rõ hơn ai hết lượng vốn huy động, cho vay, khả năng nguồn vốn có thể dư thừa từng tuần (thậm chí từng ngày vào những thời điểm nhạy cảm) của cả hệ thống tổ chức tín dụng. Có thể vì thế mà việc chọn thời điểm cũng như lãi suất đấu thầu trái phiếu của NHNN sát thực tế, sát nhu cầu của người mua.

Thu hẹp đầu mối phát hành

Từ năm nay, phát hành trái phiếu chính phủ được thu về cho đầu mối cơ bản là đấu thầu qua sàn Hà Nội. Việc bán lẻ trái phiếu qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đã bị ngưng hoàn toàn từ năm 2007. Bảo hiểm Xã hội cũng chưa trúng thầu đợt phát hành nào. Kênh đấu thầu qua NHNN bị “khóa”.

Thay bằng chọn thời điểm và lượng chào bán thích hợp với sự biến động của thị trường tiền tệ, trái phiếu chính phủ được đưa ra phát hành đều đặn hàng tuần, sau đó dời sang hai tuần/lần theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Dần dần, người ta quen với thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc trái phiếu không bán được. Việc phát hành được, đôi khi, tạo ngạc nhiên: “Ồ hôm nay trái phiếu bán được à?”.

Ở các nước, lãi suất trái phiếu là chuẩn mực của thị trường. Giới tài chính nhìn vào lãi suất trái phiếu chính phủ để đong đo nguồn tiền chảy về đâu. Lợi tức trái phiếu chính phủ mà tăng, giảm đột ngột là y như rằng thị trường chứng khoán biến động theo, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng sẽ dịch chuyển.

Ở Việt Nam không thế. Trần lãi suất trái phiếu chính phủ mang ra đấu thầu cứ tăng, lãi suất cơ bản vẫn đứng yên. Giới tài chính nội địa dự báo cứ đà này, chưa biết chừng chênh lệch trần lãi suất trái phiếu và lãi suất cơ bản có khi lên tới 3%/năm.

Việc gom các kênh phát hành trái phiếu về một đầu mối duy nhất là sàn Hà Nội được hiểu là quá trình xây dựng một thị trường trái phiếu chuẩn hóa và tập trung. Trước đây không ít người phàn nàn trái phiếu chính phủ phát hành quá nhiều đợt, nhiều mức lãi suất với ngày đáo hạn khác nhau, gây khó khăn cho việc giao dịch trên một thị trường trái phiếu chuẩn.

Thế nhưng cùng với việc gom các kênh phát hành về một mối, trái phiếu đang được phát hành một cách máy móc, thiếu sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý nhà nước chính yếu là Bộ Tài chính và NHNN. Như thể trái phiếu cứ đem ra phát hành, còn bán được hay không lại không ai chịu trách nhiệm. Lần này không bán được vì người mua chê lãi suất thấp, thì nâng lãi suất lên, vậy thôi.

Không ai quan tâm tiến hành những cuộc khảo sát để xem liệu trái phiếu nên phát hành vào lúc nào, khối lượng bao nhiêu, bán cho ai, đối tượng nước ngoài hay trong nước (các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chẳng hạn).

Thành ra, thay vì lấy lãi suất trái phiếu làm mức chuẩn của thị trường tiền tệ, doanh nghiệp bây giờ đành phải căn cứ vào mặt bằng lãi suất tiết kiệm và cho vay của ngân hàng để dự báo, lên kế hoạch làm ăn.

Những năm gần đây ghi nhận mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam ngày càng lớn và do đó lượng trái phiếu chính phủ phát hành hàng năm như một khoản bù đắp ngân sách cũng ngày càng tăng (xem bảng) .

Năm nay lượng trái phiếu dự kiến phát hành không dưới 40.000 tỉ đồng và đang đổ dồn vào những tháng cuối năm. Chưa thể biết Bộ Tài chính sẽ làm thế nào để phát hành cho đủ dù cuộc rượt đuổi lãi suất trái phiếu giữa kẻ mua - người bán vẫn đang tiếp tục và người mua đang ở thế thượng phong.

Hải Lý

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Thận trọng với các khoản chào cho vay vốn của các đối tác NN (11/07/2009)

>   Các NH ở Hà Nội thực hiện nghiêm quy định về hỗ trợ LS (11/07/2009)

>   Cần đơn giản hóa thủ tục và giảm lãi suất cho vay (11/07/2009)

>   Tuần thất bát của giá vàng (11/07/2009)

>   Nghị định phòng chống rửa tiền vẫn gây tranh cãi (11/07/2009)

>   Cuộc đua tăng lãi suất đã giảm nhiệt (10/07/2009)

>   Kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn 20.000 tỉ đồng (10/07/2009)

>   Ngân hàng sợ bán đôla cho doanh nghiệp (10/07/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt gần 376 nghìn tỷ đồng (10/07/2009)

>   Hoàn thuế thu nhập cá nhân thông qua cơ quan chi trả (10/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật