Barclays Capital:
KT châu Á sẽ phục hồi nhanh hơn so với các khu vực khác
Peter Redward, Trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng Barclays Capital về các nước đang nổi lên ở châu Á, nhận xét kinh tế châu Á có thể sẽ phục hồi nhanh và mạnh hơn so với các khu vực khác, nhờ có hệ thống tài chính lành mạnh trợ giúp cho quá trình phục hồi.
Theo ông Redward, hiện có các dấu hiệu cho thấy thị trường khu vực đang trong quá trình hồi phục và sự phục hồi này sẽ tương đối ổn định trong 12-18 tháng tới. Lượng hàng lâu bền tồn kho cũng đang giảm dần với việc xuất khẩu của các công ty trong khu vực tăng lên từng bước, sẽ kích thích hoạt động sản xuất và nâng công suất hoạt động của các doanh nghiệp, cho dù nguy cơ rủi ro vẫn còn.
Xu hướng trên sẽ dẫn đến khả năng làm tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế đang nổi ở châu Á, vốn đã nhích lên trong vài tháng gần đây. FDI tăng, cộng với "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng tiếp tục được duy trì và quỹ dự trữ ngoại tệ của nhiều nước ở mức cao, chắc sẽ giúp đồng nội tệ ở trong khu vực tăng lên. Ông Redward cho rằng, các đồng tiền của châu Á sẽ mạnh lên trong 12 tháng tới vì hầu hết những yếu tố tiêu cực (như tài khoản vãng lai gia tăng khi giá hàng hóa nhích lên cao) từng ảnh hưởng đến chúng trong năm 2007 và 2008, giờ không còn là vấn đề cấp bách nữa.
Dự đoán, ngân hàng trung ương của các nước châu Á sẽ nằm trong số những đơn vị đầu tiên nâng lãi suất, khác hẳn với việc trước đây họ vẫn thường chờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trước. Tuy nhiên, vấn đề "hấp thu" nguồn thanh khoản dư thừa sẽ là một thách thức, do nó được cho là yếu tố có thể dẫn đến tình trạng phát triển bong bóng tài sản. Việc chính phủ một số nước thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế là rất tốt trong bối cảnh đó, song điều ông Redward quan ngại nhất là một khi kinh tế bắt đầu phục hồi, chính phủ các nước sẽ ngừng triển khai những biện pháp kích thích kinh tế vì cho rằng chúng không còn cần thiết nữa. Động thái này có thể tác động bất lợi đến thị trường và tiến trình phục hồi, khi triển vọng kinh tế toàn cầu dường như đang tươi sáng hơn, cơ hội tăng ngân sách và mở rộng thương mại cũng thuận lợi hơn.
Trần Ngọc Tiến
TTXVN
|