EUCC: Các vụ kiện Trung Quốc bán phá giá sẽ gia tăng
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (EUCC) cho rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện và cáo cuộc chống bán phá giá hơn tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu buộc các công ty Mỹ và châu Âu lên tiếng về hình vi cạnh tranh thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Công suất công nghiệp quá mức, chi phí nhân công thấp và sản xuất đạt năng suất cao của Trung Quốc đang ủng hộ hàng hoá xuất khẩu giá rẻ của nước này trên các thị trường thế giới, đe doạ lợi nhuận, việc làm và sự tồn tại của một số ngành ở Mỹ và châu Âu.
Phát biểu trước báo giới, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch EUCC cho biết ông bi quan hơn vì ngày có nhiều xích mích thương mại xảy ra giữa Trung Quốc và EU. Theo ông Wuttke, do tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn thấp ở Mỹ và châu Âu, ngày có nhiều công ty nước ngoài, nhất là ở châu Âu và Mỹ, lên tiếng cáo buộc hình xử không công bằng của Trung Quốc trong buốn bán quốc tế.
Các thành viên của một ủy ban thương mại Mỹ đầu tuần này đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama áp dụng mức thuế nhập khẩu lên tới 55% đối với các sản phẩm lốp xe giá rẻ của Trung Quốc bởi chúng đang tàn phá thị trường Mỹ. Đề nghị này được đưa ra sau khi Mỹ tiến hành cuộc điều tra chống phá giá thứ ba kéo dài 10 ngày đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái mà Bắc Kinh cho là dấu hiệu của bảo hộ thương mại khắt khe.
Căn nguyên dẫn đến những căng thẳng gia tăng là hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đã tăng bùng nổ trong một thập kỷ qua, đạt 1.430 tỷ USD năm 2008, so với 195 tỷ USD năm 1999. Ông Wuttke nhận định Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá hơn tại WTO do cạnh tranh không công bằng.
Theo kết quả khảo sát vừa công bố của EUCC, hơn 54% số thành viên EUCC được hỏi nói Bắc Kinh đã thi hành các quy định môi trường một cách "mạnh tay" đối với các công ty nước ngoài, song chỉ có 7% nói các công ty trong nước của Trung Quốc cũng vấp phải sự kiểm soát tương tự.
Cuộc khảo sát trên, được tiến hành với 313 công ty châu Âu làm ăn tại Trung Quốc, cho thấy 43% số người tham gia điều tra ý kiến cho rằng các chính quyền địa phương ở nước này thiên vị các doanh nghiệp nội địa với hy vọng thúc đẩy kinh tế của họ. EUCC cho hay nhiều công ty nước ngoài bị đặt vào thế bất lợi khi tham gia đấu thầu các dự án ở Trung Quốc, cho dù họ đã đặt cơ sở sản xuất và đầu tư nhiều tiền vào đây.
Khảo sát của EUCC cũng cho thấy 34% số doanh nghiệp được hỏi cảm thấy không có lợi thế trước sự cạnh tranh của các công ty Trung Quốc, liên quan đến gói kích thích kinh tế trị giá 585 tỷ USD mà Bắc Kinh công bố cuối năm ngoái. Trong khi đó, 56% nói Trung Quốc không hành động theo tinh thần WTO.
Đầu tháng 6/09, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã lệnh cho các chính quyền địa phương ủng hộ và hỗ trợ các công ty trong nước trong quá trình triển khai những dự án nằm trong khuôn khổ gói kích thích kinh tế nói trên. Trung Quốc đã trở thành mục tiêu lớn nhất của các cuộc điều tra chống bán phá giá trong 14 năm qua. Năm 2008, Bắc Kinh là đối tượng của hơn 1/3 trong tổng số 208 vụ điều tra chống bán phá giá trên toàn cầu.
Nguyễn Trường (Theo AFP, Reuters)
TTXVN
|