Dầu mỏ và sự lo ngại đột biến giá kỷ lục
Có thể, hiện nay một số tín hiệu tích cực cho hồi phục kinh tế khiến giá dầu thô thế giới đã lấy lại đà kể từ khi chạm mức thấp nhất trong nhiều năm qua khoảng 30 USD/thùng vào đầu năm nay và hiện đang chinh phục ngưỡng 70 USD/thùng.
Giá dầu thô chuẩn trên thị trường New York hiện tăng khoảng 30%, mức tăng hàng tháng lớn nhất trong một thập kỷ qua, và tăng hơn gấp hai lần trong vài tháng qua. Tuy nhiên, khi người ta chưa ngừng tranh cãi về việc liệu đà tăng giá này sẽ kéo dài bao lâu, thì đã xuất hiện những lo ngại về khả năng lặp lại mức giá kỷ lục trên 147 USD/thùng như giữa năm 2008.
Sự hồi phục mới nhất của thị trường dầu mỏ nhắc nhở người tiêu dùng về điều mà họ đã chịu đựng trong năm 2008: chi phí năng lượng gia tăng mạnh do giá dầu thô ngày một leo thang. Giá dầu chuẩn giao dịch trên thị trường New York đã vượt mức lịch sử 100USSD/thùng vào đầu năm 2008 và sau đó liên tiếp phá các mức kỷ lục mới cho tới khi nó đạt mức đỉnh điểm trên 147 USD/thùng vào tháng 7 cùng năm.
Tuy nhiên, nhà phân tích kinh tế chủ chốt Conley Turner thuộc Wall Street Strategies cho rằng, đà leo thang giá dầu mỏ gần đây có liên quan nhiều tới sự lạc quan tăng cao trên các thị trường giao dịch, rằng giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất tại Mỹ đã trôi qua. Quan điểm của ông Turner càng được củng cố nhờ hàng loạt thông tin kinh tế của Chính phủ Mỹ. Ngành dịch vụ và các đơn đặt hàng công nghiệp đã có sự tăng nhẹ, chi tiêu xây dựng, ngành chế tạo và doanh số bán nhà đạt đỉnh như thị trường dự đoán, đồng thời sức ép đối với thị trường lao động Mỹ đã dịu đi nhiều so với dự báo ban đầu. Ông Turner nói: “Đã xuất hiện những dấu hiệu kinh tế tích cực, điển hình là triển vọng thị trường lao động đã khả quan hơn. Điều này cho thấy, nền kinh tế rõ ràng đang tiến những bước đầu tiên tới giai đoạn hồi phục. Hoạt động sản xuất trong những tháng tới có thể tăng mạnh và thúc đẩy giá dầu leo thang”.
Theo đó, các nhà đầu tư trong thời gian gần đây đã chớp lấy bất kỳ cơ hội nào để mua dầu thô bằng những hợp đồng giao sau để vừa khắc phục tình trạng thiếu cơ sở tồn trữ vừa chủ động nguồn cung khi nền kinh tế thực sự bắt đầu hồi phục. Bởi vậy, giá dầu thô tiếp tục tăng lên một cách vô lối, một số nhà phân tích cũng chỉ ra một vài “thủ phạm” đã gây nên sự bất ổn thị trường trong mấy năm qua: đồng USD ngày càng mất giá dẫn đến tình trạng đầu cơ thị trường lộn xộn. Các hợp đồng giao sau hiện được ấn định giá bằng đồng USD trên các thị trường quốc tế. Khi tiền xanh mất giá so với các đồng tiền mạnh khác như euro hay bảng Anh, các nhà đầu tư nắm giữ tài sản bằng các đồng tiền mạnh này đã chuyển hướng sang những hợp đồng đầu giao sau vì chúng rẻ hơn. Đương nhiên, khi dầu mỏ và các loại hàng hóa khác có mối quan hệ nghịch đảo với USD, thì việc sụt giảm giá đồng tiền xanh là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy dầu tăng giá .
Cũng có những quan điểm khác nhau trong các nhà phân tích về việc liệu thế giới sẽ chứng kiến những đợt tăng giá khác của dầu mỏ hay không? Ngân hàng Goldman Sachs tin rằng giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng, vì cho rằng kinh tế thế giới hồi phục và việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ từ năm ngoái. Goldman Sachs dự đoán, giá dầu sẽ chạm ngưỡng 85 USD/thùng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Harry Tchilinguirian, nhà phân tích dầu mỏ chủ chốt tại BNP Paribas, lại nghi ngờ khả năng dầu mỏ tăng giá ổn định: “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm 2% hoặc hơn nữa trong năm 2009, ít có khả năng thế giới có thể chạy theo mức giá 70 USD/thùng trong một thời gian dài. Năm 2007, khi giá dầu duy trì ở mức trên 60 USD/thùng thì kinh tế toàn cầu luôn đạt mức tăng trưởng khoảng 5%”. Trong báo cáo mới công bố, BNP Paribas đã tăng dự báo giá dầu trong quý III/2009 từ mức ước đoán 45 USD/thùng hồi tháng 3/2009 lên 53 USD/thùng.
Khi giá dầu tiếp tục tăng, nhiều người lo ngại thế giới có thể sẽ chứng kiến sự lặp lại đà tăng giá “kinh hoàng” như hồi giữa năm 2008. Giá dầu thô lúc đó vươn lên 125 USD/thùng trong tháng 6/08 và đạt đỉnh 147,27 USD/thùng tháng 7/2008. Tuy nhiên, khi cơn bão khủng hoảng tài chính gây ra cuộc suy thoái đầy bất ngờ và khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh, giá dầu đã rơi tự do xuống 30 USD/thùng hồi cuối năm 2008. Do đó, khả năng lặp lại kịch bản tương tự là khá rõ ràng, khi nó hội tụ cả hai yếu tố: Sự thiếu hỗ trợ từ nền tảng cung - cầu và đồng USD sụt giá so với các đơn vị tiền tệ chủ chốt khác.
Tuy nhiên, có một sự thật là tâm lý thị trường cũng là nhân tố đẩy giá dầu leo thang trong năm nay và năm ngoái, thay vì các nền tảng cơ bản. Năm 2008, các nhà đầu tư cho rằng nguồn cung dầu mỏ thế giới không thể đảm bảo duy trì cho nhu cầu đang ngày một “nảy nở” tại các nền kinh tế đang nổi, và nay kịch bản của mùa Hè này là triển vọng tươi sáng hơn khi kinh tế toàn cầu có những bước ngoặt mang tính đột phá.
Nền kinh tế thế giới, từng được Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán sẽ trải qua một cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, có thể bị ảnh hưởng nữa nếu giá dầu tiếp tục tăng ở mức độ đầu cơ cao.
Các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng vẫn đang bị ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, có thể phải quay trở lại các cuộc bàn luận trước đây của họ về việc xây dựng các thị trường dầu thô minh bạch nhằm làm giảm tính biến động và tăng cường an ninh năng lượng thế giới.
Mặc dù vậy, bất kỳ đà tăng giá nào vượt quá xa mối quan hệ cung - cầu đều không thể duy trì được lâu. Và khi kinh tế thế giới vẫn đang phải vật lộn với giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930 của thế kỷ trước, sự biến động khó lường về giá năng lượng chỉ khiến những nỗ lực và hy vọng phục hồi sớm của kinh tế toàn cầu càng thêm khó khăn.
Hải Đăng
Công Thương
|