Thứ Ba, 14/07/2009 07:56

Khủng hoảng tài chính, kinh tế – bao giờ chạm đáy?

 Đó là câu hỏi được rất nhiều doanh nghiệp đặt ra cho Chuyên gia Tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành trong buổi hội thảo “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong thời kỳ hậu suy thoái kinh tế” mới được Công ty cổ phần Đào tạo & Phát triển Nhân lực PTI tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

Thật bất ngờ, theo những diễn giải và minh chứng của chuyên gia tài chính danh tiếng này thì nền tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung của thế giới và Việt Nam chưa biết khi nào sẽ chạm đáy! Đồng thời, chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng đã có những kiến giải sâu sắc về các giải pháp cấp bách cần thực hiện trong lĩnh vực tài chính, phát triển thị trường nội địa, nhân sự để phục hồi nền kinh tế khi cơn suy thoái đi qua...

Những con số trái chiều...

Theo các con số vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 1/7/2009 về tổng quan tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2009, có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Tăng trưởng kinh tế quý I được mô tả là mức đáy và quý 2 có dấu hiệu “thoát đáy vượt dốc đi lên”. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 đã tăng 8,2%, 6 tháng đầu năm tăng 4,8%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng tăng 2,6%. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2008 thì lại giảm mạnh (cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 16,5%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,5%). Riêng về xuất khẩu giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Thương mại trong nước tăng liên tục suốt 6 tháng đầu năm từ 4% tháng 1, lên 5% tháng 2, 6% tháng 3, 7,4% tháng 5, và 8,8% tháng 6, và là động lực chính của việc “thoát đáy”, vượt dốc đi lên.

Những con số trên cho thấy, tuy tình hình chung có phần nào được cải thiện nhưng vẫn chưa có cơ sở vững chắc để xác định rằng, 6 tháng cuối năm chiều hướng phát triển và tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tiếp tục đi lên. Những biện pháp kích cầu chỉ là những giải pháp tình thế, nhất thời để hạn chế phần nào tác động của cuộc khủng hoảng. Xét về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng một chính sách toàn diện và đồng bộ, đề ra những định hướng chiến lược không những để đối phó mà còn để phát huy lợi thế của mình, phát triển ổn định, bền vững, lâu dài.

Về gói kích cầu để hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn lưu động, kết quả sau 5 tháng triển khai, hơn 370.000 tỷ đã được giải ngân. Tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2008 vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu số tiền cho vay theo gói kích cầu là được chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải làm tăng dư nợ tín dụng lên khoảng 30%. Tuy nhiên, báo cáo dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 17%, chứng tỏ phần lớn tiền đã quay ngược lại ngân hàng, dưới hình thức phổ biến là đảo nợ.

Phần còn lại, một lượng lớn đã và đang được đầu tư vào thị trường chứng khoán để lướt sóng kiếm lời trong ngắn hạn. Do đó, đã tạo nên tác động trên thị trường chứng khoán trong những tháng vừa qua. Bong bóng chứng khoán sẽ tiếp diễn trong một thời gian rồi sẽ “xì” hay “nổ” vì thực chất tình hình kinh tế vĩ mô không phát triển đến mức tạo nên nền tảng hỗ trợ cho giá cổ phiếu đồng loạt tăng đột biến 60% đến 100% trong 3 tháng vừa qua.

Nếu không được giám sát chặt chẽ, hệ quả của việc đảo nợ và đầu tư tài chính lướt sóng sẽ rất nguy hiểm cho doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Thực trạng khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn nguyên và gánh nặng rủi ro của hệ thống ngân hàng chỉ được đẩy lùi lại trong một thời gian ngắn rồi sẽ bùng nổ trong tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn hiện nay. Rồi đây những số nợ vay được hỗ trợ lãi suất, sẽ phải hoàn trả cho ngân hàng bằng những nợ vay mới với lãi suất không được hỗ trợ. Với cuộc chiến tăng lãi suất huy động đang diễn ra giữa các ngân hàng thì chưa thể biết mặt bằng lãi suất mới sẽ là bao nhiêu.

Về gói kích cầu thứ hai với 20.000 ngàn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 443/QĐ-TT, rồi đây cũng sẽ diễn biến theo gói thứ nhất. Một trong những lý do chính là doanh nghiệp không thể triển khai các dự án phát triển kinh doanh với thời hạn vay 24 tháng. Do vậy, các số tiền vay sẽ được dùng vào mục đích ngắn hạn, chủ yếu là dể đảo nợ ngân hàng, đầu tư vào thị trường chứng khoán để lướt sóng. Một số không nhỏ sẽ lách vào các hoạt động kinh doanh bất động sản, để “giải cứu” những dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản, biến thành nợ xấu đối với ngân hàng.

Tóm lại, hai gói kích cầu đã và đang được triển khai không phát huy được nhiều mục đích như mong muốn cho nền kinh tế.

Theo Chuyên gia Tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành, giải pháp tối ưu là Chính phủ nên điều chỉnh và thay thế ngay chính sách “bù lãi suất” bằng một chính sách tín dụng với lãi suất thấp cho mọi đối tượng, mà không tạo ra thâm hụt ngân sách. Đây là hướng mà hầu hết các nền kinh tế thị trường trên toàn thế giới đang triển khai. Tức là Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại đến mức thấp nhất có thể (đề nghị là từ 1% đến 2%), tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất từ 4% đến 5% mà không làm mất cân bằng tài chính vĩ mô.

Các ngân hàng thương mại sẽ được giám sát thực hiện đúng quy định của “Luật các tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay”. Khách hàng phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật. Tất cả mọi đối tượng doanh nghiệp sẽ được đối xử bình đẳng. Việc cho vay vốn dựa trên các tiêu chí khách quan của từng dự án. Ngắn hạn hay dài hạn tùy theo lịch trình phát triển kinh doanh. Xóa bỏ cơ chế “xin cho” và những tiêu chí phức tạp làm nảy sinh tiêu cực.

Cần “chăm chút” thị trường nội địa

Khác với các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác với một thị trường nội địa “bội thực” quá dư thừa, và một hệ thống sản xuất quá thặng dư công suất, đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là chúng ta còn có một thị trường nội địa tương đối lớn đang cần được cung ứng sản phẩm tiêu dùng, và một hệ thống sản xuất còn cần được phát triển, hiện đại hoá. Với những chính sách phù hợp và đội ngũ quản lý tốt, kinh tế Việt Nam có khả năng phát triển với tốc độ cao, mục tiêu tăng trưởng 5%GDP vẫn có khả năng thực hiện được.

Các giải pháp cần thiết để hỗ trợ các hoạt động phát triển thị trường nội địa sẽ bao gồm: Nghiên cứu các mặt hàng thay thế các hàng nhập khẩu. Nghiên cứu các chủng loại hàng có khả năng phát triển mạnh trên thị trường nội địa. Khuyến khích xí nghiệp chuyển đổi công suất và chủng loại hàng xuất khẩu để thích ứng với nhu cầu thị trường nội địa. Áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư thích hợp.

Hiện nay, chúng ta đưa hàng hóa thâm nhập thị trường nước ngoài nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ “sân nhà”. Thị trường nội địa là không gian sinh tồn của đất nước, là chiến trường chính mà các thế lực tài chính kinh tế thế giới tập trung để tấn công chúng ta. Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại Song phương (Bilateral Trade Agreement) với Hoa Kỳ từ năm 2001, và bắt đầu thương thảo với WTO từ năm 1995, trong suốt thời gian đó, chúng ta đã chưa chuẩn bị tốt cho kinh tế nội địa phát triển, xây dựng lực lượng hùng mạnh để có thể làm đối trọng với các tập đoàn nước ngoài đang vào nước ta ngày càng nhiều. Nay là lúc ta phải thay đổi tư duy, khơi dậy sức mạnh sáng tạo trong mọi thành phần, mọi lĩnh vực để bảo vệ và phát triển thị trường nội địa.

Chúng ta nhất thiết phải tạo điều kiện để 70% dân số (là nông dân) của chúng ta ăn nên làm ra. Tạo cho nông thôn có được lợi thế phát triển bằng những chính sách tín dụng, tài chính, hỗ trợ giống tốt, thủy lợi tốt, hạ tầng cơ sở tốt. Tất cả những gì nông nghiệp cần, nông thôn cần, phải làm cho tới nơi tới chốn. Hiệu suất lao động ở nông thôn hiện nay rất thấp, phải làm tất cả để tăng hiệu quả lao động, nâng công suất lên. Nếu nông thôn phát triển tốt sẽ kích cầu tốt, cả nền kinh tế cùng phát triển theo. Rồi sau đó sẽ dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Đây là hậu phương lớn, mà cũng là chiến trường lớn. Một đất nước với hơn 80 triệu dân, đây là lợi thế đồng thời cũng là trách nhiệm lớn. Nếu ta không có chính sách và quyết tâm xây dựng nông thôn để làm hậu thuẫn và nền móng cho phát triển, chúng ta hoặc sẽ bị tụt hậu, hoặc sẽ bị thôn tính.

Trước những nguy cơ mới và cũng là vận hội mới, Việt Nam cần có quyết tâm cải cách quản lý Nhà nước, bố trí nhân sự đúng người đúng việc, xây dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, triệt để giải quyết tệ nạn tham nhũng, quan liêu, tiêu cực. Trên thế giới cũng như trong khu vực, những quốc gia có nền quản lý nhà nước thông thoáng với nạn tham nhũng, quan liêu, tiêu cực được đẩy lùi là những nền kinh tế phát triển mạnh, những quốc gia chìm đắm trong tiêu cực sẽ suy tàn và đi đến diệt vong. Đó là quy luật tự nhiên.

Thành Tâm

CÔNG THƯƠNG

Các tin tức khác

>   500 DN lớn nhất Việt Nam: Sóng cả không ngã tay chèo (14/07/2009)

>   Giá cá tra, cá ba sa tăng trở lại (14/07/2009)

>   Nhà bán lẻ đổ bộ về tỉnh lẻ (14/07/2009)

>   lúa hè thu tiêu thụ mạnh (14/07/2009)

>   Chưa có doanh nghiệp nào đề xuất giảm giá xăng (14/07/2009)

>   DN Việt Nam tại Ukraine tìm hiểu thị trường Nga (14/07/2009)

>   Lập liên doanh dự án nhà máy lọc dầu số 3 (14/07/2009)

>   Ôtô nhỏ “cháy” hàng (14/07/2009)

>   TP Hồ Chí Minh: Tăng tốc về đích, cách nào? (14/07/2009)

>   Những dự án đóng tàu đang… “chìm dần” (13/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật