Thứ Ba, 14/07/2009 06:42

Nhà bán lẻ đổ bộ về tỉnh lẻ

Thời gian gần đây, các nhà bán lẻ lớn đã liên tục mở các điểm bán lẻ tại các tỉnh lẻ và nông thôn. Điều này cho thấy xu hướng bán lẻ không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn mà đã về ngay cả nông thôn.

Sức mua hấp dẫn

Đầu tháng 7, hai đại gia lớn trong ngành bán lẻ là Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam (Tập đoàn Casino của Pháp) đã thành lập các đại siêu thị ở một số tỉnh, thành.

Cụ thể ngày 9-7 vừa qua, Metro Cash & Carry Việt Nam đã khai trương trung tâm bán sỉ thứ chín tại TP Biên Hòa. Đây là công trình có mức đầu tư lên đến trên 500 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 13-7, hệ thống Siêu thị Big C Việt Nam cùng Tổng Công ty Dệt Phong Phú đã chính thức khai trương đại siêu thị Big C và Trung tâm thương mại Phong Phú tại Huế. Đây được đánh giá là siêu thị lớn nhất tại bắc miền Trung với tổng vốn lên tới 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, với đại siêu thị tự chọn, Big C sẽ kinh doanh 40.000 mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm. 95% các mặt hàng kinh doanh là hàng của các doanh nghiệp nội địa sản xuất, trong đó 25% là hàng của địa phương.

Ông Pascal Billaud, Tổng Giám đốc Big C Việt Nam, khẳng định: “Thừa Thiên-Huế là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và là một trong những tỉnh đông dân của đất nước. Đây sẽ là một tỉnh hứa hẹn đối với ngành dịch vụ phân phối. Chúng tôi lạc quan về sự đầu tư này và tin rằng Big C Huế sẽ tiếp tục tạo dấu ấn trong ngành phân phối tại đây”.

Ngoài ra, dự kiến trong năm 2009, nhà bán lẻ Saigon Co.op cũng sẽ tập trung triển khai thêm khoảng 10-12 siêu thị ở các tỉnh, thành trong cả nước. Cụ thể, thời gian tới sẽ mở thêm ở Phan Thiết, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Long An, Bạc Liêu.

Thời cơ mở rộng mạng lưới

Việc các nhà bán lẻ hướng đến các tỉnh, thành cũng là cách giải quyết đầu ra sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp tại địa phương trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay.

Chẳng hạn về lĩnh vực cung ứng hàng hóa, Big C Huế sẽ hợp tác với trên 20 nhà sản xuất thực phẩm, rau quả tươi sống tại địa phương. Với hệ thống siêu thị của Metro, 95% hàng hóa đều là của doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và thực phẩm chế biến Phú An Sinh, việc có thêm các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành sẽ giúp các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng hệ thống phân phối.

“Phú An Sinh chưa có cửa hàng tại các tỉnh miền Trung. Vì vậy, đây là điều kiện để doanh nghiệp mở rộng phân phối. Một điều đặc biệt là sức mua của các tỉnh, thành hiện nay không thua gì so với những thành phố lớn. Thậm chí một số cửa hàng mới mở có sức tiêu thụ ngang bằng hoặc hơn ở TP.HCM” - ông Minh nói.

Hiện nay, điều khó khăn của các doanh nghiệp là khi đưa sản phẩm về các tỉnh, thành sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển và tác động trực tiếp vào giá. Từ đây, nhiều nhà bán lẻ đã hướng đến việc tập trung một lượng hàng lớn và cùng vận chuyển ra các tỉnh.

Ví như giá vận chuyển sẽ tác động đến giá gia cầm 1.000-2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo giải thích của doanh nghiệp, do giá gà ta, gà thả vườn ở miền Trung cao hơn TP.HCM đến 10.000 đồng/kg, do vậy dù có cộng chi phí thì giá thành tại siêu thị đưa ra vẫn rẻ hơn giá thị trường 5.000-7.000 đồng/kg.

Thêm kênh cho hàng về nông thôn

Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, các hình thức bán hàng chỉ dừng lại ở động thái thăm dò thị trường. Còn thực tế, để có được một hệ thống phân phối chuyên nghiệp và bài bản ở các tỉnh, thành và nông thôn thì chưa.

Bàn về vấn đề này, giáo sư-tiến sĩ Hồ Đức Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết thị trường bán lẻ của chúng ta đầy tiềm năng. Phải nói rằng thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã ít quan tâm đến mạng lưới bán lẻ ở vùng nông thôn và thành thị. Họ chủ yếu mới chỉ đưa hàng đơn thuần về các điểm bán lẻ truyền thống như chợ.

“Tôi cho rằng việc các nhà bán lẻ hướng đến những thành thị và nông thôn trong tương lai sẽ rất thuận lợi. Nếu thay thế được những hệ thống bán lẻ chưa bài bản chuyên nghiệp hiện nay thì hệ thống bán lẻ của họ sẽ có khả năng thâm nhập và xâm chiếm khá cao. Vì họ có những chiêu thức bán hàng văn minh, bảo đảm sản phẩm có chất lượng, uy tín và thương hiệu...

Cũng theo giáo sư Hồ Đức Hùng, sức mua nội địa vẫn chưa có dấu hiệu đáng lo. Có thể nói suy thoái kinh tế chỉ ảnh hưởng đến một số bộ phận lao động nghèo. Vì vậy, khi kinh tế hồi phục thì sức mua của những bộ phận này cũng sẽ có hướng tăng lên lại. Hơn nữa, gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu có phát huy tác dụng tuy chưa đáng kể nhưng cũng góp phần trong việc thúc đẩy tiêu dùng. Như vậy, trong tương lai thị trường bán lẻ trong nước cũng như các vùng nông thôn, thành thị sẽ rất có tiềm năng.

Quá tải ngày khai trương

Ngày đầu tiên khai trương, Siêu thị Big C Huế đã quá tải khi hàng ngàn người dân ở trong tỉnh đổ xô về đây mua hàng. Tất cả bãi giữ xe của siêu thị đến 16 giờ không còn nhận giữ xe cho khách hàng. Các mặt hàng thu hút nhiều khách nhất là áo quần, mỹ phẩm và các mặt hàng thực phẩm, rau quả. Đặc biệt, khách hàng đổ xô vào mua các mặt hàng giảm giá 30%-50% khiến các gian hàng này trở nên hỗn loạn vì chen lấn.

MAI PHƯƠNG - NGUYÊN LINH

Pháp luật

Các tin tức khác

>   lúa hè thu tiêu thụ mạnh (14/07/2009)

>   Chưa có doanh nghiệp nào đề xuất giảm giá xăng (14/07/2009)

>   DN Việt Nam tại Ukraine tìm hiểu thị trường Nga (14/07/2009)

>   Lập liên doanh dự án nhà máy lọc dầu số 3 (14/07/2009)

>   Ôtô nhỏ “cháy” hàng (14/07/2009)

>   TP Hồ Chí Minh: Tăng tốc về đích, cách nào? (14/07/2009)

>   Những dự án đóng tàu đang… “chìm dần” (13/07/2009)

>   Hơn 100.000 lao động tại doanh nghiệp mất việc làm (13/07/2009)

>   Saigontourist tuyên bố đạt doanh thu gần 3.800 tỉ đồng (13/07/2009)

>   Robert Bosch Việt Nam sẽ bảo trì xe Mai Linh (13/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật