“Hậu khủng hoảng” – Doanh nghiệp làm gì?
Kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn suy thoái sâu rộng nhất trong suốt 50 năm qua và đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù năm 2009 bắt đầu có những tín hiệu vui với mức tăng trưởng GDP 3,9% trong quý I, nhưng vẫn còn rất nhiều trở ngại.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và các DN, hội thảo về “Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” do Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Quốc hội đồng tổ chức, với nhiều tham luận có giá trị của các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đã diễn ra hôm 9/7 tại Hà Nội.
Thách thức còn nhiều
Theo tiến sĩ Đinh Văn Ân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế nước ta có độ mở tương đối cao, lại coi xuất khẩu là một trong những đầu tàu tăng trưởng chính, nên gặp khá nhiều ảnh hưởng từ sự sụt giảm nhu cầu nhập khẩu ở các nước bạn hàng truyền thống. Chỉ tính riêng trong quý I/2009, xuất khẩu nước ta chỉ tăng khoảng hơn 2,4% so với cùng kỳ năm 2008. Hơn nữa, ngay cả khi nhiều nước phát triển thực hiện các chương trình kích cầu có giá trị lớn, các khoản này phần lớn chỉ được chi cho mua hàng hóa trong nước, trong khi tác động lan tỏa đến tăng nhu cầu nhập khẩu, nếu có, chỉ thể hiện sau một thời gian nhất định. Cuối cùng, việc các nước đối tác thương mại quan trọng của nước ta có xu hướng quay lại chủ nghĩa bảo hộ cũng là một thách thức không nhỏ đối với nước ta trong việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu.
Cuộc khủng hoảng tài chính cũng khiến nước ta rơi vào tình trạng thiếu vốn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do có chênh lệch tiết kiệm trong nước – đầu tư tương đối lớn (khoảng 10% GDP), nước ta thường phải dựa vào các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu vốn cho quá trình tăng trưởng. Trong những năm trước đây, môi trường kinh tế thế giới không quá khó khăn, nguồn vốn đầu tư tương đối dư dả trong khi tỷ suất lợi nhuận ở các thị trường phát triển gần như bão hòa, nên các nguồn vốn FDI đã đổ bộ vào nước ta khá nhiều, nhằm tìm kiếm cơ hội sinh lời. Hơn nữa, trong điều kiện khủng hoảng, bản thân các nhà đầu tư quốc tế cũng có xu hướng rút vốn về các nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhằm bảo toàn vốn. Điều này đã hạn chế rất nhiều khả năng thu hút FDI của nước ta trong năm 2009. Trên thực tế, mặc dù đã thực thi nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư, nước ta cũng chỉ thu hút được khoảng 6,68 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm, giảm khoảng 76,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Đồng tình với những nhận định của tiến sĩ Đinh Văn Ân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã nêu ra nhiều con số báo động: kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 27,57 tỷ USD (giảm 10% so với cùng kỳ), kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giảm 7%, EU giảm 10%, ASEAN giảm 6%. 6 tháng, kim ngạch nhập khẩu giảm 31,6% so với cùng kỳ. Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu đều giảm cả về lượng và kim ngạch, trong đó các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu giảm từ 10-20%. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 3 tỷ USD, chiếm 11% kim ngạch nhập khẩu - gây ảnh hưởng không tốt tới cán cân thanh toán tổng thế, gây áp lực lên tỷ giá VND/USD, nhất là trong bối cảnh các nguồn vốn từ nước ngoài vào bị thu hẹp do ảnh hưởng của khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng xảy ra trong bối cảnh nước ta vừa gia nhập WTO, chủ yếu được nhìn nhận mang tính bất lợi. Tuy nhiên, xét về khía cạnh nào đó, nó cũng tạo ra “khoảng lặng” cần thiết để nước ta xem xét, đánh giá lại mô hình phát triển, cho thấy một bài học về vai trò của ổn định và lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô. Đạt và duy trì tăng trưởng kinh tế là một điều kiện cần thiết, đặc biệt là với một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp như nước ta. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện đủ và quá tập trung nỗ lực chính sách và nguồn lực, nhằm đạt tăng trưởng bằng mọi giá có thể để lại những nguy cơ đối với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế-xã hội trong dài hạn. Thêm nữa, giai đoạn này cũng là cơ hội thử thách tính hiệu quả và khả năng thích nghi của các DN nước ra. Trước đây, xuất khẩu của nước ta chủ yếu do đi theo trào lưu mở rộng chung của thương mại thế giới, chứ chưa phải do cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh. Cũng do trào lưu ấy, các DN chủ yếu tận dụng khả năng cạnh tranh hiện có, chứ chưa thực sự nhìn nhận các vấn đề quản trị DN, tái cấu trúc hoạt động sản xuất – kinh doanh, cũng như đầu tư vào công nghệ và đào tạo kỹ năng cho lao động.
Phát triển thị trường sau khủng hoảng - Cách nào?
Gói kích cầu 17.000 tỷ đồng của Chính phủ được coi là phương pháp hữu hiệu, cứu cánh, nhằm chống suy giảm tăng trưởng và tạo việc làm. Thực tế cho thấy, việc bù lãi suất cho vay thương mại và bảo lãnh nhập khẩu thiết bị máy móc đầu tư để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ là việc tạo điều kiện phát triển thương mại và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam về lâu dài. Mặt khác, với doanh số xuất khẩu hàng hóa bằng khoảng 70% GDP của Việt Nam năm 2008, việc Chính phủ thực hiện khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu là tạo điều kiện để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, duy trì việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động Việt Nam và là nguồn ngoại tệ quan trọng nhất trang trải cho các hoạt động nhập khẩu của đất nước. Bên cạnh đó, cũng cần nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu bằng các giải pháp xúc tiến xuất khẩu quốc gia, nhằm mở rộng và chuyển hướng thị trường, thực hiện chính sách thuế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ xuất khẩu, áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoat theo tín hiệu thị trường.
Nhận định thêm về giải pháp đối với DN sau khủng hoảng, ông Phạm Gia Túc – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng TM & CN Việt Nam – cho biết, cần tận dụng cơ hội khủng hoảng để đổi mới công nghệ. Trong giai đoạn khủng hoảng, giá máy móc, thiết bị, công nghệ rẻ hơn rất nhiều; ngay cả ở khu vực thì nhiều công nghệ trước đây, DN Việt Nam khó có điều kiện để đầu tư, chuyển giao thì đến thời điểm hiện tại đã rẻ hơn 1/3 hoặc 1/2. DN cũng cần tận dụng cơ hội của khủng hoảng để thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao từ nước ngoài, nhất là Việt kiều để phục vụ cho quá trình tái cấu trúc. Một vấn đề không mới nhưng cần được các DN quan tâm là chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giữ và thu hút lao động chất xám, đặc biệt là lao động quản lý, lao động kỹ thuật.
Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: nhựa, may mặc, giày dép… còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (60-70%) đòi hỏi các DN cần quan tâm phát triển các vùng nguyên liệu trong nước. Để có thể tranh thủ được những cơ hội mới mở ra trong thời “hậu khủng hoảng”, DN cần theo dõi sát sao và cố gắng dự báo xem nước nào, lĩnh vực nào hồi phục trước để chủ động tiếp cận chiếm lĩnh thị trường. Khủng hoảng ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, tuy nhiên, do thu nhập của dân cư các nước nhập khẩu giảm sút nên việc xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, hàng nông, thủy sản, thực phẩm… có cơ hội tăng trưởng. Đây là thế mạnh của các DN Việt Nam. DN xuất khẩu cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng có lợi thế so với các nước khác để bảo đảm được thị phần vững chắc cho nhóm hàng đó tại các thị trường.
Một giải pháp không kém phần quan trọng được các chuyên gia kinh tế, các nhà lãnh đạo DN đưa ra tại cuộc hội thảo, đó là DN cần tăng cường liên kết để chiếm lĩnh thị trường nội địa, chú trọng cả thị trường tiêu thụ và khuyến khích việc sản xuất cũng như sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào sản xuất trong nước với giá thành hạ hơn so với hàng hóa nhập khẩu. Việc liên kết các DN để mở chiến dịch tiếp thị hàng hóa về nông thôn, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thời gian qua là cách làm đúng hướng, đáng khuyến khích. Khi Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ WTO thì việc liên kết các DN trong chiếm lĩnh thị trường nội địa còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam với các DN và nhà đầu tư nước ngoài.
Phương Tư Oanh
CÔNG THƯƠNG
|