Giám đốc Vinafood: Lô nào “có vấn đề” sẽ làm thức ăn gia súc
Liên quan đến hàng chục tấn thực phẩm tồn kho được Công ty cổ phần Thực phẩm VN (Vinafood) dán chồng hạn sử dụng mới đưa ra thị trường tiêu thụ, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Cáp Văn Thái - giám đốc công ty.
Ông Thái thừa nhận hiện Vinafood có khoảng 1.000 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu đang tồn kho ở năm cảng Bình Dương, TP.HCM (trong số này có cả những lô hàng mà lực lượng thú y nghi ngờ về tính hợp pháp và yêu cầu Vinafood cung cấp hồ sơ gốc để chứng minh nguồn gốc). Ông Thái cũng thừa nhận công ty có sai phạm khi điều chỉnh hạn sử dụng và bán một lượng lớn sản phẩm này ra thị trường.
* Nhập các sản phẩm động vật đông lạnh (đầu heo, móng heo, xúc xích...) vào VN, Vinafood có tuân thủ đúng các quy trình kiểm dịch nhập khẩu?
- Hàng nhập khẩu về Vinafood đều phải thông báo cho Cơ quan Thú y vùng 6, sau đó họ xuống cảng hoặc xuống kho mở container để lấy mẫu xét nghiệm và cấp chứng thư. Hàng để trong kho muốn xuất bán đi đâu Vinafood phải báo cho thú y đến làm giấy kiểm dịch lần nữa mới cho xuất đi. Các lô hàng mà báo chí nói “có vấn đề” ở các kho thực chất chỉ có 946 thùng xúc xích (10 tấn) ở cảng Rau Quả (Q.7). Sắp tới, khi cơ quan chức năng xác định lô hàng nào “có vấn đề” thì chúng tôi xin chuyển qua làm thức ăn cho gia súc hoặc xin tái xuất.
* Thế còn việc Vinafood tẩu tán gần 14 tấn thịt heo đông lạnh bị niêm phong, thưa ông?
- Chúng tôi không dám làm chuyện như thế. Lô hàng đó đang bị giải trình về hạn sử dụng. Chúng tôi đã nộp biên bản đến Trạm thú y Q.Bình Tân yêu cầu được trình bày về việc này.
* Trong các cuộc làm việc với thú y, phía Vinafood cho rằng sản phẩm cấp đông nhập từ Mỹ không cần hạn sử dụng. Cơ sở nào để ông nói như vậy?
- Theo tài liệu của Cơ quan an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, tiêu chuẩn đối với những sản phẩm cấp đông nằm ở âm 18OC có thể thay đổi một chút về mùi, mất độ tươi nhưng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là không có vấn đề gì. Sản phẩm đông lạnh thời hạn sử dụng là không quan trọng, vì vậy bảo quản ở nhiệt độ này thì 3-5 năm chất lượng sản phẩm cấp đông cũng không sao cả (!?).
* Nhưng sản phẩm nhập vào VN phải tuân thủ pháp luật VN, phải có hạn sử dụng. Ông giải thích ra sao khi nhiều lô hàng bị phát hiện đã dán nhãn mới chồng lên nhãn cũ?
- Không ai muốn để hàng trong kho đến một năm vì chi phí kho bãi chiếm đến 90% giá thành. Nhưng thời điểm đó khó khăn chung, sức mua chậm, hàng bị kẹt ở cảng, khi về kho thì hạn sử dụng không còn nhiều (thời gian) nên Vinafood có ý kiến với nhà cung cấp. Sau đó, họ cho rằng hàng đã xuất đi không làm nhãn mới được nên cung cấp cho Vinafood nhãn để dán lên những lô hàng cũ đã nhập về. Tôi nghĩ ở VN chưa có quy định nào rõ ràng về việc này. Nhà sản xuất có quyền dán hạn sử dụng lên sản phẩm của mình.
* Khi dán nhãn chồng lên các lô hàng đã được cấp giấy kiểm dịch trước đó, Vinafood có mời đại diện cơ quan thú y đến chứng kiến?
- Thật sự cái này thì tôi không báo cho cán bộ thú y mà tự làm. Việc dán nhãn được thực hiện từ năm 2008. Đây là cái dở của Vinafood nhưng tôi nghĩ không ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm (!).
* Lượng hàng tồn kho của Vinafood hiện hay là bao nhiêu, thưa ông?
- Tính cả ba kho tại TP.HCM và hai kho tại Bình Dương, về mặt hàng thịt heo, lượng hàng tồn hiện nay khoảng 1.000 tấn, trong số khoảng 7.000-8.000 tấn tồn kho từ năm ngoái.
* Trong hơn 6.000 tấn bán ra thị trường, có cả hàng đã được sửa nhãn mác?
- Đúng vậy. Số lượng hàng đó tiêu thụ cả nước thông qua đại lý. Nhưng tôi khẳng định đó vẫn là những mặt hàng đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Vinafood giải trình chưa thuyết phục
Ngày 25-7, ông Cáp Văn Thái đã có giải trình với đoàn thanh tra liên ngành Q.Thủ Đức (TP.HCM) về 200 tấn giò heo và 75,5 tấn đùi gà đã bị phát hiện tại kho Hoàng Phi Quân không có đầy đủ hồ sơ gốc và hạn sử dụng các lô hàng. Theo đó, Vinafood không khiếu nại về việc các lô hàng bị tạm giữ. Tuy nhiên, Vinafood giải thích rằng theo tiêu chuẩn đóng gói hàng thịt đông lạnh từ Canada và Mỹ thì “trên thùng cactông chỉ thể hiện ngày sản xuất, không thể hiện hạn sử dụng”. Cũng trong giải trình này, Vinafood luôn nhắc đi nhắc lại rằng các đối tác nước ngoài đã bán hàng cho đơn vị này có xác nhận thực phẩm đông lạnh sẽ tuyệt đối an toàn khi được bảo quản ở nhiệt độ âm 18OC.
Hiện một trong những đối tác của Vinafood tại Mỹ là Công ty Intervision Food đã có văn bản phúc đáp rằng Bộ Nông nghiệp và an toàn thực phẩm Mỹ (USDA) cũng như Cơ quan Kiểm dịch (FSIS) không có hướng dẫn cụ thể nào liên quan đến thời hạn sử dụng bắt buộc đối với hàng thịt heo và gia cầm đông lạnh. USDA và FSIS chỉ khẳng định sản phẩm thịt heo và gia cầm đông lạnh vẫn duy trì chất lượng trong thời gian tối đa hai năm nếu hệ thống làm lạnh hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Tuy nhiên, Intervision Food khẳng định “việc quy định thời hạn sử dụng cho loại hàng này được thực hiện trên cơ sở yêu cầu riêng của khách hàng ở mỗi quốc gia”.
Theo một cán bộ có trách nhiệm trong ngành thú y, Vinafood là một nhà kinh doanh chuyên nghiệp nhưng cách giải trình như trên là không thuyết phục. Những lô hàng “có vấn đề” phải được xem xét theo pháp luật VN, đặc biệt là quy trình kiểm dịch thú y. Bởi liên quan đến số giò heo ở kho hàng Hoàng Phi Quân, có những lô hàng được hải quan xác nhận “móng giò heo cắt khúc đông đóng trong thùng cactông, không thể hiện xuất xứ”. Sau đó Trung tâm Thú y vùng 6 cấp giấy chứng nhận kiểm dịch chỉ có giá trị đến ngày 7-11-2008, nhưng Vinafood không trình báo với thú y địa phương cho đến khi bị phát hiện và buộc giải trình.
Trong một diễn biến khác liên quan đến Vinafood, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay khi kiểm tra hồ sơ của Vinafood, ngoài giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu của ngành thú y, các cơ quan chức năng còn phát hiện cả giấy phép của ngành y tế cấp cho các lô hàng nhập khẩu của Vinafood. - M.Luận - Hà Mi
Sơn Định - Như Bình
tuổi trẻ
|