Cổ phần hóa: Ôm đất xài ngông!
Thất thoát tiền tỉ, người lao động thiệt thòi
Nguồn lợi vô giá từ nhà đất “công” thông qua việc kiểm soát hậu cổ phần hóa lỏng lẻo đã trở thành món lợi cho một nhóm người thay vì của tất cả người lao động trong doanh nghiệp.
Cổ phần hóa (CPH) là cơ hội để doanh nghiệp (DN) giải quyết vấn đề lao động dôi dư, thanh lý những tài sản không cần dùng... và để làm lành mạnh DN. Thế nhưng, CPH cũng đang xuất hiện những lỗ hổng. Vụ tranh chấp tại Công ty CP Đay Sài Gòn là một ví dụ.
“Chảy máu” đất công
Năm 2000, khi Công ty CP Đay Sài Gòn CPH, tài sản gồm trụ sở chính (tại số 11 Công trường Mê Linh, Q.1-TPHCM) rộng khoảng 2.200 m2và khu nhà máy sản xuất (tại Q.4) diện tích khoảng 24.000 m2; toàn bộ tài sản được định giá chỉ 16 tỉ đồng. Sau CPH, hầu như sản xuất của DN này bị đình đốn bởi xảy ra việc tranh giành quyền kiểm soát DN, nhưng nhiều nguồn thông tin cho thấy thực chất đấy là nhằm kiểm soát những mảnh đất trị giá hàng trăm tỉ đồng mà Nhà nước giao làm tài sản để CPH mới là chính.
Ông Lâm Xuân Trường, Chánh Thanh tra TPHCM, cho biết qua thanh tra hàng chục DN CPH đều thấy có vấn đề, cụ thể “trước khi CPH thì các DN này định giá tài sản Nhà nước thấp, gây thất thoát nhiều. Đã vậy, sau khi CPH rồi thì vốn bỗng sụt giảm bất thường từ trên 50% dần dần tụt xuống còn 20%-30%. Có gì đó chưa ổn nhưng chúng tôi còn đang xem xét, chưa thể có kết luận ngay”.
Ai hưởng lợi?
Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ năm 1992 cho đến tháng 8-2008, TP đã CPH được 263 DN Nhà nước. Cùng với việc CPH là việc 51.187 m2 quỹ nhà đất đã được giao không thu tiền sử dụng đất và 3,6 triệu m2 đất giao dưới hình thức cho thuê. Đại đa số diện tích đất này đã không được tính vào giá trị DN Nhà nước khi CPH.
Sau khi chuyển đổi, một số đơn vị xem mặt bằng, nhà xưởng như là “nguồn sữa” nuôi DN. Giá cho thuê thấp đến mức mà ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên -Môi trường TP, phải dùng cụm từ “rẻ như bèo” để mô tả.
Một lãnh đạo ngành nhà đất TPHCM cho rằng, mục đích chính của việc CPH là đem lại quyền lợi cho người lao động, trong đó giá trị vô hình chính là món lợi từ nhà, đất đem lại.
Cụ thể là chủ trương bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động vừa để họ gắn bó lâu dài với DN, có thu nhập cao hơn vừa để thực hiện quyền làm chủ, thế nhưng phần lớn lại bán “lúa non” dẫn đến thiệt thòi trước mắt và cả về lâu dài.
Theo số liệu báo cáo về tình hình vốn Nhà nước và vốn CB-CNV trong các công ty cổ phần của 171 DN tại thời điểm 31-12-2007 thì từ cơ cấu vốn lần đầu của người lao động tại DN trung bình là 30,48% nay đã giảm xuống còn 22,16%. Tại một số DN, tỉ lệ này giảm rất mạnh.
Chẳng hạn lúc ban đầu khi CPH, CB-CNV Công ty CP Bông Bạch Tuyết chiếm tỉ lệ 57% vốn thì nay còn 1,4%, Công ty CP Điện Lữ Gia từ 23,39% nay còn 0,03%, Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế từ 45,6% nay còn 6,41%... Thực tế cho thấy, tuy tỉ lệ người lao động chiếm giữ đạt 11% số vốn điều lệ nhưng đó là thống kê tại thời điểm mua - bán. Ngay sau đó, không có DN nào nắm được chính xác tỉ lệ cổ phần của người lao động trong DN.
Có thể nói nguồn lợi vô giá từ nhà đất “công” thông qua việc kiểm soát hậu CPH lỏng lẻo đã trở thành món lợi cho một nhóm người thay vì của tất cả người lao động trong DN.
Đất “vàng” bỏ hoang
Chiều 23-7, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, đã dẫn đầu đoàn kiểm tra hiện trạng 9 khu đất công trên địa bàn quận 8 và Bình Tân do các DN Nhà nước, công ty CP quản lý, sử dụng. Qua khảo sát cho thấy đa phần đều có dấu hiệu sử dụng lãng phí. Cụ thể như kho bãi của Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư trên đường Hồ Học Lãm, quận 8 hiện 18.000 m để ngập gần như hoàn toàn trong nước. Mặt bằng 574 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân do Công ty CP Chế tạo máy Sinco đã bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm. Ông Hùng cho rằng UBND TP cần đẩy mạnh kiểm tra việc sử dụng đất của các DN đã CPH, bởi thực tế sai phạm và lãng phí rất rõ.
Để xử lý những tồn tại sau CPH, ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã kiến nghị Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý đối với các đơn vị đã CPH nhưng sử dụng đất không đúng mục đích được giao, không phục vụ nhiệm vụ chính của đơn vị gây thất thoát, lãng phí.
Nguyễn Trần
Người Lao động
|