M&A doanh nghiệp: Luật cần mở hơn!
Với những diễn biến trên thị trường tài chính hiện nay, các chuyên gia dự báo trong vòng 6 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 35 - 50% số DN VN có thể sáp nhập hoặc bị sáp nhập. Đặc biệt là cuối năm 2009 đầu năm 2010, hoạt động M&A tại VN sẽ rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh M&A sôi động, luật cần “ mở” hơn cho cả bên mua và bên bán.
Ông Trần Anh Đức – Tổng Giám đốc Văn phòng Luật Hồng Đức - Vilaf Hồng Đức (Sài Gòn) nhận định: "Dù làn sóng mua bán DN ngày cành mạnh mẽ nhưng có tới 50 – 70% thương vụ M&A thất bại vì không gia tăng giá trị cho cổ đông. Một trong những nguyên nhân thất bại chính là do lợi ích chiến lược không được làm rõ, nhất là thế mạnh dịch vụ, sản phẩm của bên bán không được coi trọng... Trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, thời gian qua có khá nhiều Cty muốn mua bán cổ phần, sáp nhập nhưng bất thành, nguyên nhân phần lớn là do bị trả giá chưa tương xứng".
Tuy nhiên, bên mua thường nhân cơ hội tình hình kinh tế, thị trường tài chính gặp khó khăn để “ ép” giá. Trong lĩnh vực bất động sản, điều này khá phổ biến. “Các quỹ đầu tư thường trả giá rất thấp. Trong khi lại đòi hỏi DN phải có dự án tại những vị trí đẹp, như quận 2, quận 7, quận 9 - TP HCM... Vì thế, khó để mà bên bán và bên mua gặp nhau” – Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhận định.
Hiện nay khung pháp lý cho M&A ở VN vẫn còn rời rạc, chưa có luật cụ thể tạo thuận lợi cho mua bán DN. Ông lanLydall - Tổng Giám đốc Pricewaterhouse Coopers chia sẻ: Từ năm 2008 đến nay, xuất hiện xu hướng nước ngoài tìm cách mua lại một phần hoặc toàn bộ một số dự án bất động sản ở VN. Đây là xu hướng tất yếu. Bất động sản luôn là lĩnh vực phát triển nóng ở những thị trường mới nổi và khi khủng hoảng qua đi thì đây là một trong những lĩnh vực hồi phục sớm nhất. Tại VN, hiện nhà đầu tư có thể tiếp cận được một số dự án với mức giá hợp lý hơn và nguồn cung cũng dồi dào hơn. Ngoài ra người nước ngoài khó tham gia vào các dự án bất động sản ngay từ đầu theo cách các DN VN đang thực hiện, vì thủ tục quá lâu, phức tạp. Cụ thể, luật tại VN mới chỉ cho chủ đầu tư nước ngoài thuê đất, trong khi chủ đầu tư trong nước là quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, các chủ đầu tư thường chọn cách mua lại dự án là cách rút ngắn thời gian đầu tư.
Còn ông Trương Tiến Thành – Giám đốc nghiệp vụ đầu tư ACB cho biết, lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang là “miếng bánh ngon” của các thương vụ M&A. Hiện nay không dưới 10 DN trong lĩnh vực này đã hoàn tất hoặc đang trong quá trình bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, những quy định quyền sở hữu phần vốn nước ngoài ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn còn bị hạn chế.
Thêm vào đó vấn đề giá bán cũng nên linh động. Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển DN vốn nhà nước thành Cty cổ phần, trong đó có điều khoản áp dụng giá bán cho cổ đông chiến lược bằng với giá đấu bình quân. Nếu so sánh tại thị trường hiện tại thì đó chính là rào cản đối với các cổ đông chiến lược. Ví dụ như: VietcomBank đấu giá bình quân với mức 107.000 đ/cổ phần, trong khi đó khi niêm yết lên sàn giá chỉ còn 50.000 đ/ cổ phần. Nhưng theo nghị định này thì cổ đông chiến lược sẽ phải mua với giá 107.000 đ/ cổ phần.
Có thể nói những khó khăn của nền kinh tế trong trong thời gian qua cộng với lộ trình thực hiện cam kết WTO là những yếu tố thúc đẩy hoạt động M&A sẽ nhộn nhịp trong thời gian tới. Vì vậy thị trường này đang rất cần một khung pháp lý phù hợp với thực tiễn để tạo sức hấp dẫn cho các DN tham gia thị trường.
Hải Ngọc
Diễn đàn Doanh nghiệp
|