Chủ Nhật, 26/07/2009 16:57

Người nước ngoài mua cổ phần: Vẫn rối!

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, văn bản này vẫn chứa đựng nhiều vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn.

Thủ tục: chưa rõ

Quyết định 88/2009 ngày 18-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhằm thay thế Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg, một văn bản ra đời cách nay sáu năm vốn đã lạc hậu và đang gây không ít cản ngại cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh, cố vấn hãng luật Mayer Brown JSM, cho rằng quy định mới “đưa ra nhiều hình thức mới, ví dụ như quy định về mua, góp vốn đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh... nhưng điều các nhà đầu tư mong chờ nhất là vấn đề mức góp vốn, mua cổ phần và thủ tục thực hiện như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng, cụ thể”.

Quyết định 88 có vẻ thoáng hơn với việc bãi bỏ tỷ lệ 30% mà nhà đầu tư nước ngoài bị khống chế theo Quyết định 36 khi góp vốn, mua cổ phần. Cụ thể là cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế, trừ một số trường hợp ngoại lệ (công ty đại chúng; doanh nghiệp đặc thù theo luật chuyên ngành; doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ theo các điều ước quốc tế, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi...).

Việc cho phép như trên về cơ bản đã được khẳng định tại một điều khoản của Nghị định 139/2007 (về việc hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp) do Chính phủ ban hành cách đây hai năm. Tuy nhiên, bản thân nội dung và cách thức để thực thi điều khoản này của Nghị định 139 lại đang rối mù.

Ông Vinh dẫn chứng: theo Luật Kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế về tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần trong các công ty kinh doanh bất động sản, nghĩa là họ được quyền góp vốn, mua cổ phần với mức không hạn chế. Thế nhưng, trên thực tế thủ tục tiến hành tại các sở kế hoạch và đầu tư không đơn giản chút nào và thường được trả lời với bốn “kịch bản” như sau: a. Chờ hướng dẫn thực thi cam kết với WTO; b. Chỉ cho tới mức 30% (sở căn cứ theo Quyết định 36 mặc dù Nghị định 139 đã được ban hành cho phép không hạn chế); c. Cho phép đến 49% mà không lý giải vì sao chỉ đến 49% (trường hợp này chiếm đa số); d. Đồng ý trên 49% nhưng phải chờ xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các trường hợp ngoại lệ xem ra còn tù mù gấp bội. Chẳng hạn, liên quan đến vấn đề này, Biểu cam kết thương mại dịch vụ với WTO chỉ quy định gọn lỏn trong một điều khoản: một năm sau khi gia nhập, hạn chế 30% cổ phần nước ngoài trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được bãi bỏ (trừ ngân hàng thương mại cổ phần và các ngành không cam kết). Vậy, nhà đầu tư nước ngoài được mua 100% hay chỉ với một tỷ lệ nào đó từ 100% trở xuống? Chính với lý do chưa rõ ràng như vậy, nhiều hồ sơ mua cổ phần đã bị từ chối hoặc phải chịu số phận nằm chờ, thậm chí có thể kéo dài cả năm trời mà vẫn không có kết quả.

Mâu thuẫn

Ở một khía cạnh khác, theo Luật sư Trần Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật Vilaf - Hồng Đức, Quyết định 88 còn có khá nhiều điểm bất tương đồng với các văn bản pháp luật khác. Ngay trong quy định về mức góp vốn, mua cổ phần đã có sự mâu thuẫn. Chẳng hạn, văn bản mới của Thủ tướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế, trừ trường hợp mua cổ phần của các công ty đại chúng thì phải theo tỷ lệ quy định của pháp luật về chứng khoán.

Trong khi đó, Nghị định 139 lại trừ trường hợp mua cổ phần của công ty cổ phần niêm yết. Công ty đại chúng dĩ nhiên không đồng nhất với công ty cổ phần niêm yết vì theo Luật Chứng khoán ngoài công ty cổ phần niêm yết còn có thêm hai loại hình khác là công ty có cổ phần bán ra công chúng (công ty cổ phần chưa niêm yết) và công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, có vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên. Như vậy, khi làm thủ tục sẽ gặp ngay rắc rối là thực hiện theo Quyết định 88 của Thủ tướng hay Nghị định 139 của Chính phủ?

Một vấn đề không kém phần phiền phức nữa là khái niệm về nhà đầu tư nước ngoài. Theo Quyết định 88, hai trong số bốn đối tượng nhà đầu tư nước ngoài được quy định bao gồm: tổ chức thành lập tại Việt Nam (chính xác phải là doanh nghiệp Việt Nam) có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49% và “cá nhân nước ngoài là người không mang quốc tịch Việt Nam, cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam”. Quy định này gần như “chỏi” với Quyết định số 121/2008/QĐ-BTC ngày 24-12-2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy chế hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể là doanh nghiệp Việt Nam có 100% vốn góp nước ngoài hoặc “cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài, cư trú tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam, bao gồm cả người gốc Việt Nam có quốc tịch nước ngoài”...

Cả hai quy định nói trên lại càng khác xa so với quan điểm của Bộ Công Thương khi hướng dẫn trong một công văn rằng doanh nghiệp chỉ cần có 1% vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng được xem là nhà đầu tư nước ngoài và phải bị ràng buộc về hạn chế tiếp cận thị trường thông qua biểu cam kết dịch vụ thương mại với WTO. Trong khi đó, theo Luật Đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Hơn nữa, việc quy định như vậy còn có thể dẫn đến khả năng những Việt kiều vừa mang quốc tịch nước ngoài vừa còn quốc tịch Việt Nam sẽ không được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam vì theo Quyết định 88, họ không được xem là nhà đầu tư nước ngoài? Xin lưu ý thêm, kể từ khi Luật Khuyến khích đầu tư trong nước hết hiệu lực từ 1-7-2006, cũng chưa có bất kỳ một văn bản mới nào xác định nhà đầu tư Việt kiều được đối xử như nhà đầu tư trong nước, hay nói cách khác họ không được xếp vào loại đối tượng nào cả trong khi nguồn vốn từ kiều bào gửi về không phải nhỏ.

Vẫn băn khoăn về vấn đề thủ tục, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh phân tích thêm rằng theo Quyết định 88 nhà đầu tư nước ngoài bao gồm tổ chức thành lập tại Việt Nam với phần vốn góp của bên nước ngoài trên 49%. Như vậy, có thể hiểu rằng đối với các tổ chức loại này, thủ tục góp vốn, mua cổ phần sẽ thực hiện theo Quyết định 88. Vậy thì doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài dưới 49% thì sẽ theo quy trình nào? Có cần phải lập dự án và xin cấp giấy chứng nhận đầu tư hay không như quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP: “Đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam: Trường hợp có dự án đầu tư mới mà không thành lập tổ chức kinh tế mới thì thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này”. Việc góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp này có phải là dự án đầu tư mới hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Luật sư Trần Anh Đức thì lo ngại với sự mơ hồ trong cách hiểu về nhà đầu tư nước ngoài như trên đã kéo theo không biết bao nhiêu phiền toái khi thực thi Quyết định 88. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư mua - bán doanh nghiệp (M&A) nói riêng, nhất là trong bối cảnh suy giảm kinh tế Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư như hiện nay.

Nguyên Tấn

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp ngại cổ phần hóa vì... "lợi thế đất" (26/07/2009)

>   1.546 doanh nghiệp Nhà nước chờ cổ phần hóa (25/07/2009)

>   M&A doanh nghiệp: Luật cần mở hơn! (25/07/2009)

>   SCIC hoàn thành 1/3 kế hoạch thoái vốn năm nay (25/07/2009)

>   UPCoM khởi sắc, giao dịch tăng mạnh (25/07/2009)

>   60 triệu USD cho nhà máy linh kiện ôtô Hải Dương (24/07/2009)

>   Xi măng mang tên Bỉm Sơn không đạt chất lượng cam kết (24/07/2009)

>   Thất thoát tiền tỉ, người lao động thiệt thòi (24/07/2009)

>   Sao Bac Dau: Kết quả phát hành cổ phiếu (24/07/2009)

>   Khai trương nhà máy xỉ titan lớn nhất Việt Nam (24/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật