Thứ Hai, 06/07/2009 06:17

Giá đầu vào tăng nhưng hàng hoá khó tăng giá theo

Giá cả hàng thực phẩm, gia dụng tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội vẫn bình ổn, bất chấp nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất đội thêm từ vài tháng nay. Nỗ lực giảm giá, kích cầu sẽ góp phần duy trì mặt bằng giá cả tốt trong thời gian tới.

Giá cả ổn định

So với cùng kỳ năm 2008, giá cả 6 tháng đầu năm nay ổn định, ít xuất hiện những đợt tăng giá ồ ạt - là nhận xét chung của đại diện các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Fivimart, Intimex tại Hà Nội.

“Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy có biểu hiện gì về chỉnh sửa, tăng giá từ các nhà cung cấp”, bà Vũ Thị Hậu - lãnh đạo hệ thống Fivimart khẳng định.

Tương tự, đại diện hệ thống Intimex cũng cho biết chưa nhận được yêu cầu điều chỉnh giá nào, đặc biệt là sau 2 đợt tăng giá xăng dầu lên khoảng 15% gần đây.

Báo cáo tình hình thị trường hàng hóa 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, đa số các nhóm hàng đều tăng giá thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008, đặc biệt là các nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá (CPI).

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng cả nước chỉ tăng 2,12% (cùng kỳ năm 2008 tăng 15,96%).

Trong đó lương thực 5 tháng đầu năm 2009 tăng 1,71% (cùng kỳ năm 2008 tăng 52,88%); phương tiện đi lại và bưu điện 5 tháng đầu năm 2009 tăng 1,55% (cùng kỳ năm 2008 tăng 10,2%)...

Không chỉ bình ổn, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, một số loại củ quả, hàng phi thực phẩm như quần áo, giầy dép, đồ điện tử… từ đầu năm đến nay tại BigC Thăng Long còn có hiện tượng tăng trưởng âm về giá.

Do có sự theo dõi chặt chẽ và ghi nhận từng biến động giá đầu vào, bà Quỳnh Trang – đại diện BigC cho biết, biểu đồ giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống do trung tâm thu mua của siêu thị cung cấp cho thấy, không ít loại có chiều hướng giá đi xuống trong giai đoạn từ cuối năm 2008 đến nay.

“Đương nhiên một số mặt hàng như rau quả ở một thời điểm nào đó thường có sự biến động tăng, giảm giá theo mùa vụ, nhưng nhìn chung, trong một giai đoạn thì giá có xu hướng bình ổn hoặc giảm” – bà Quỳnh Trang dẫn giải.

Nhà sản xuất cam kết giữ giá

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, do gói hỗ trợ về thuế, lãi suất của Chính phủ vừa qua có hiệu quả, đồng thời bản thân mỗi đơn vị đều xác định kích thích tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu hiện nay. Do vậy, việc giữ, thậm chí giảm giá là cách làm phổ biến.

Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Giấy Anh Phú, nhà sản xuất đồng thời phân phối các mặt hàng giấy vệ sinh An An, Puppy tại miền Bắc, anh Lê Thành Sơn cho biết, giá các sản phẩm giấy cuộn, giấy vở học sinh của đơn vị đã được điều chỉnh giảm từ 7-8% trong tháng trước. Dự kiến từ nay đến cuối năm, mức giá này sẽ vẫn được giữ ổn định.

Cụ thể giấy vở học sinh trước đây doanh nghiệp bán ra là 14-15 triệu đồng/tấn nguyên liệu thì nay chỉ còn 13 triệu đồng; một số loại giấy cuộn, giấy ăn thành phẩm trước bán ra là 18.000 đồng/gam, hiện giảm xuống còn 16.500 đồng.

“So với những lợi thế mà doanh nghiệp đang được hưởng như giá bột giấy nguyên liệu thế giới giảm khá, thuế giá trị gia tăng giảm 5%, chương trình hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp của Chính phủ… thì chi phí từ việc tăng giá điện, xăng dầu, lương nhân công cũng không đáng kể” – anh Sơn nói.

Chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ biến động tăng của giá dầu thô thế giới gần đây khiến giá hạt nhựa nhập khẩu cũng tăng lên, nhưng Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Nhật Việt, ông Nguyễn Xuân Bằng khẳng định, doanh nghiệp muốn tăng giá lúc này cũng không được.

Minh họa cho việc sức mua quá chậm, ông Bằng dẫn chứng, giá nguyên liệu hạt nhựa để sản xuất 1kg túi nilon đang ở mức 26.000 đồng. Trong khi loại túi cao cấp 100% hạt nhựa của doanh nghiệp bán ra ở mức 24.000 đồng - tức chịu lỗ so với hiện tại 2.000 đồng/kg mà vẫn không bán được.

Để duy trì sức mua, doanh nghiệp phải pha thêm một số phụ gia nhằm giảm giá thành xuống còn 21.000 đồng/kg túi nilon.

Tương tự, sức mua chậm cũng là nguyên nhân cơ bản khiến các nhà sản xuất, chăn nuôi, chế biến các loại thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm trong nước giữ nguyên giá bán thời điểm hiện tại.

Dồn dập khuyến mại lớn

Không chỉ mặt bằng giá cả bình ổn, đại diện siêu thị BigC cũng cho biết, từ tháng 6 - 8/2009 còn là giai đoạn giảm giá mạnh các mặt hàng tại siêu thị này.

Theo đó, BigC chạy liên tục 4 chương trình khuyến mại lớn, mỗi đợt có trên 200 mặt hàng được giảm giá đến 50% cùng chương trình bốc thăm trúng thưởng với tổng trị giá từ 2 tỷ đồng trở lên nhân kỷ niệm 11 năm sinh nhật.

Siêu thị Fivimart Trung Yên trong tháng 7 cũng thu hút sự chú ý của khách hàng bằng 200 mặt hàng giảm giá đến 20%.

Hệ thống Intimex cũng đang lên kế hoạch khuyến mại gồm các hình thức giảm giá, tặng kèm hàng… để hưởng ứng Tháng Khuyến mại của thành phố Hà Nội diễn ra từ ngày 1-30/11 tới đây.

Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, Tháng Khuyến mại dự kiến có sự tham gia của khoảng 350 – 500 doanh nghiệp, trong đó có gần 100 doanh nghiệp lớn thuộc các ngành hàng tiêu dùng trên địa bàn.

Chương trình sẽ được chia thành 6 hệ thống điểm vàng (là các điểm có mức độ khuyến mại, giảm giá nhiều nhất), 700 điểm khuyến mại (mức giảm giá phổ biến từ 10-15%) và các ngày vàng (vào giữa tháng 11, giảm giá đến 30%).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội), dự báo với tốc độ lạm phát 6 tháng đầu năm và sự gia tăng ổn định vào 6 tháng cuối năm, mức độ lạm phát năm 2009 của cả nước ở quãng trên dưới 10%.

Mặc dù mức độ lạm phát như vậy là cao, nhưng nó sẽ không căng thẳng, nặng nề với người tiêu dùng như năm 2008, vì năm nay nhu cầu tiêu thụ nói chung không lớn, giá một số hàng hóa thiết yếu không quá cao.

Lạm phát 2009 là lạm phát tiền tệ, trên cơ sở gia tăng lượng cung tín dụng. Đây là đặc điểm khác với lạm phát năm 2008, chủ yếu do thiếu cân đối hàng-tiền hoặc do tăng chi phí.

Báo cáo tình hình thị trường hàng hóa 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, đa số các nhóm hàng đều tăng giá thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008, đặc biệt là các nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá (CPI).

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng cả nước chỉ tăng 2,12% (cùng kỳ năm 2008 tăng 15,96%).

Trong đó lương thực 5 tháng đầu năm 2009 tăng 1,71% (cùng kỳ năm 2008 tăng 52,88%); phương tiện đi lại và bưu điện 5 tháng đầu năm 2009 tăng 1,55% (cùng kỳ năm 2008 tăng 10,2%)...

Nguyễn Nga

Các tin tức khác

>   Phát triển dịch vụ năng lượng, còn nhiều việc phải làm! (05/07/2009)

>   Những khuất tất trong đấu giá tài sản của Tcty đường sắt VN (05/07/2009)

>   Các doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng cước (05/07/2009)

>   Hà Nội đề xuất tái triển khai 240 dự án (05/07/2009)

>   Áp dụng giá điện giờ cao điểm để khuyến khích việc tiết kiệm điện (05/07/2009)

>   VN có thể phá kỷ lục xuất khẩu gạo trong năm 2009 (05/07/2009)

>   Cá tra sang Mỹ: Tra hay trơn, không nên cãi lý (05/07/2009)

>   Lo ngại phát triển ồ ạt cây sắn (05/07/2009)

>   Luận về chiến lược trong thời khủng hoảng (05/07/2009)

>   Tư duy khoa học về phát triển không gian (05/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật