Đà gia tăng thất nghiệp ở Nga bắt đầu "giảm tốc"
Gói biện pháp chống thất nghiệp của Chính phủ Nga đã bước đầu đem lại hiệu quả khi tỉ lệ thất nghiệp ở nước này từ đầu mùa hè có chiều hướng giảm dần.
Vài tháng gần đây, đội ngũ người thất nghiệp ở Nga bắt đầu giảm tại nhiều khu vực trong nước. Kể từ tháng 5, số người mất việc làm đã giảm xuống còn 55.000 người. Hiện nay, trên toàn Nga có hơn 2 triệu người đăng ký thất nghiệp.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp là một trong những vấn đề gay go nhất ở tất cả các nước, gồm cả Nga.
Theo chương trình chống thất nghiệp được đề ra từ tháng 3, Chính phủ Nga đã trích ngân sách liên bang bổ sung 43,7 tỉ rúp để ổn định tình hình thị trường lao động, trong đó phần lớn hỗ trợ các chủ thể liên bang Nga thực hiện 82 chương trình cấp khu vực nhằm đào tạo nghề cho người lao động phòng trường hợp sa thải hàng loạt, tạo chỗ làm tạm thời, tổ chức di chuyển người lao động bị sa thải tới nơi làm việc mới.
Khoản kinh phí này cũng được dùng cho những biện pháp đặc biệt nhằm phát triển doanh nghiệp nhỏ và giúp người thất nghiệp tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ bất ổn định xã hội và giảm lượng người không có việc làm, Nhà nước Nga đang thực thi những biện pháp theo nhiều hướng khác nhau.
Ông Ildar Gabdrahmanov, Phó Chủ tịch Ủy ban Lao động và Chính sách xã hội thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, cho biết gói biện pháp chống thất nghiệp của Nga tập trung vào 4 chương trình, gồm đào tạo miễn phí; tổ chức việc làm tạm thời: tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ người dân chuyển tới các khu vực có nhu cầu về sức lao động.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định còn quá sớm để đưa ra những dự đoán cho mùa thu tới. Vào mùa thu, theo truyền thống, số người đăng ký thất nghiệp sẽ có xu hướng tăng vì sau khi nghỉ hè, phần lớn người dân trở về thành phố sẽ tới đăng ký với cơ quan bố trí việc làm.
Cũng theo xu thế chung của thế giới, số người thất nghiệp ở Nga chủ yếu tăng tại các khu vực phát triển sản xuất công nghiệp và bộ phận tài chính, nhất là các xí nghiệp khai thác và chế biến./.
Vietnam+
|