Dân tài chính ngoại quốc ở châu Á hết thời sống xa hoa
Đối với hầu hết các nhà tài chính người nước ngoài đang làm việc tại Hồng Kông và các trung tâm tài chính khác của châu Á, thời kỳ sống “vương giả” đã kết thúc, ít nhất là vào lúc này.
Mức phụ cấp nhà ở tiêu chuẩn 200.000 Đô la Hồng Kông (tương đương 25.641 USD) hàng tháng dành cho những quan chức nhà băng hàng đầu đã không còn ở hầu hết các ngân hàng. Nhiều lãnh đạo ngân hàng người nước ngoài và gia đình qua thời được hưởng chế độ được tài xế riêng đưa đón.
Thẻ thành viên tham gia vào các câu lạc bộ chơi giải trí, chơi golf… trước đây vẫn là miễn phí với các sếp ngân hàng người nước ngoài, này họ phải chi tới 2,1 triệu Đô la Hồng Kông để sở hữu. Con cái các nhà tài chính này trước đây được học trường tư thục quốc tế miễn phí (vào khoảng 10.000 USD mỗi tháng cho mỗi trẻ), nay cha mẹ phải đóng thêm tiền.
Xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của các ngân hàng còn thể hiện ở việc, những chiếc du thuyền của họ trước đây dành cho lãnh đạo, nhân viên và khách hàng ngao du ngắm cảnh ngoài bờ biển Hồng Kông nay bị đem đi đấu giá.
Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ là một trong số những định chế tài chính gần đây lên kế hoạch từ giã chiếc du thuyền của mình. HSBC thì đã bán tàu từ vài năm trước, nhưng vẫn sở hữu một số căn nhà nghỉ ven biển. Tuy nhiên, để được đi nghỉ trong những căn nhà nghỉ này vào dịp cuối tuần, nhân viên của HSBC phải đợi đến lượt trong một danh sách dài.
Đúng là nhiều quan chức ngành ngân hàng đến từ Mỹ và châu Âu vẫn đang hưởng thụ cuộc sống đáng mơ ước ở châu Á, nhưng đối với nhiều nhà tài chính khác, những khoản bổng lộc hấp dẫn của họ trước đây tại nơi này đang ngày càng đi xuống. Theo ông Lee Quane, Giám đốc thị trường châu Á của công tư tư vấn tiền lương ECA International, tiền phụ cấp của người nước ngoài làm việc tại Hồng Kông đôi khi còn cao gấp đôi lương cứng.
Theo nguồn tin nội bộ, từ tháng 12 năm ngoái, giống như nhiều ngân hàng Phố Wall khác, Morgan Stanley bắt đầu chuyển phụ cấp nhà ở vào lương cứng. Từ đó, phần lớn những người được thuê mới vào làm việc cho Morgan sẽ không được hưởng phụ cấp nhà ở.
Trên thực tế, tại nhiều ngân hàng của Mỹ và châu Âu, mức phụ cấp nhà ở tối đa cho các giám đốc điều hành làm việc ở nước ngoài thường vào khoảng 200.000 Đô la Hồng Kông mỗi tháng. Cấp quản lý thấp hơn có thể được hưởng mức phụ cấp nhà ở 90.000 Đô la Hồng Kông (khoảng 11.500 USD) mỗi tháng.
Theo một nguồn tin thân cận, người đứng đầu tại thị trường châu Á thuộc một ngân hàng đầu tư phương Tây đã được hưởng mức phụ cấp nhà ở “đỉnh” là 375.000 Đô la Hồng Kông (tương đương 48.000 USD) mỗi tháng.
Mức phụ cấp này khiến không ít người choáng váng, vì ở New York, chỉ cần 5.000-10.000 USD là đã thuê được một căn hộ khá đẹp, với diện tích rộng rãi.
Anh Lai, một tay chuyên môi giới nhà cho người nước ngoài làm việc ở Hồng Kông, cho biết: “Kỷ lục của tôi là kiếm được khách thuê cho một căn hộ có giá 320.000 Đô la Hồng Kông (tương đương 41.290 USD)/tháng”.
Tuy nhiên, do mức phụ cấp bị cắt giảm mạnh, trong vòng 6 tháng trở lại đây, ngày càng có nhiều nhà tài chính di chuyển từ những căn hộ sang trọng và rộng rãi sang những căn hộ khiêm tốn hơn, hoặc chuyển nơi ở sang những khu vực có giá cả rẻ hơn. Vì lý do này, những nhà môi giới thị trường nhà ở cao cấp cho thuê ở Hồng Kông đang làm ăn kém hẳn đi, giá nhà cho thuê cũng lao dốc theo.
Ước tính, giá nhà cho thuê ở Hồng Kông đầu năm nay đã giảm khoảng 30% trước khi bình ổn trở lại ở thời điểm hiện nay. Nhiều người dự báo, giá thuê nhà tại đây có thể sẽ sớm tăng lên, nhưng khó có chuyện đạt tới những mức giá như ở thời điểm đầu năm 2008. “Gần đây, chúng tôi có ít hợp đồng, mà cũng chỉ là những hợp đồng có giá thuê trên dưới 100.000 Đô la Hồng Kông mỗi tháng”, anh Lai môi giới nhà cho biết thêm.
Không chỉ ở Hồng Kông, tại Singapore, nơi vẫn được xem là một “thiên đường” nhiệt đới cho lao động cao cấp người nước ngoài, dân tài chính ngoại cũng đang chịu cảnh bổng lộc suy giảm.
“Trừ những người làm việc ở cấp độ giám đốc điều hành, rất hiếm người được hưởng chế độ phụ cấp hấp dẫn cho người làm việc ở nước ngoài”, ông Craig Brewer, một nhà quản lý thuộc lĩnh vực dịch vụ ngân hàng và tài chính tại công ty nhân lục Hudson Global Resources ở Singapore, cho hay.
Tất nhiên, việc cắt giảm trợ cấp mạnh tay như vậy đã vấp phải ít nhiều sự phản đối. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu căng thẳng như thế này, những người hứng chịu sự cắt giảm bổng lộc cũng đành ngậm ngùi chấp nhận, vì bản thân các nhà tài chính vẫn bị xem là một trong những đối tượng góp tay tạo ra khủng hoảng khi dám chấp nhận mức rủi ro cao.
“Họ đã rơi vào thế chân tường. Họ không muốn thế nhưng cũng chẳng biết đi đâu. Chẳng có lựa chọn nào khác cho họ”, một nhà quản lý quỹ người Mỹ đề nghị giấu tên nói.
Kiều Oanh (Theo Reuters)
TBKTVN
|