Mỹ: Ngân hàng khoe lãi, nhưng... chưa ổn
Các ngân hàng lớn ở Mỹ tranh nhau công bố lợi nhuận vượt mọi mong đợi trong quý 2 vừa qua, làm không ít người quên rằng lĩnh vực này đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử, chưa kể khó khăn tài chính đang lan rộng sang nhiều bang nước Mỹ.
Theo các báo cáo của quý 2 vừa công bố, Goldman Sachs đạt mức lợi nhuận tăng gần 90% so với quý trước, JPMorgan Chase cũng có kết quả tương tự với lợi nhuận tăng 36%. Thậm chí cả Bank of America èo uột như thế cũng làm các nhà phân tích ngạc nhiên khi đạt mức lợi nhuận đã trừ thuế là 3,2 tỉ USD, vượt xa mọi dự đoán.
Tác động chính từ hoạt động môi giới
Thị trường chứng khoán hồi phục đã mang đến cơ hội cho các ngân hàng, chủ yếu từ hoạt động môi giới. Chẳng hạn nhờ lấy về Meryll Lynch mà hoạt động môi giới mang về cho Bank of America 6,7 tỉ USD. Vấn đề còn lại là liệu làn gió mát này kéo dài bao lâu, bởi dù kết quả trên có điều chỉnh sự bi quan quá mức từng tác động đến các thị trường nhưng không có nghĩa là lâu bền.
Những hoạt động môi giới không mang tính ổn định tuyệt đối. Một mặt nó rất phụ thuộc chỉ số chứng khoán. Mặt khác chuyện đầu cơ trên thị trường sẽ phức tạp hơn khi các chính phủ tăng cường các biện pháp điều tiết. Ngoài ra các nhà phân tích cũng rất tỉnh táo. Sau khi có công bố những kết quả kinh doanh tốt đẹp trên, giá cổ phiếu của các ngân hàng này đã không tăng vọt.
Trả lời phỏng vấn New York Times, chuyên gia James Reichbach thuộc Công ty tư vấn Deloitte giải thích các ngân hàng mạnh nhất tận dụng tốt cuộc khủng hoảng để giành ưu thế. Khi Bear Sterns và Lehman Brother biến mất, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường tài chính xuất hiện ít đi, trong khi những ngân hàng sống sót từ khủng hoảng vẫn luôn thèm khát mạo hiểm. Hệ quả là các ngân hàng này dễ dàng giành lấy thị phần.
Nhờ được thoải mái trong hoạt động môi giới và bảo lãnh, Goldman Sachs và JPMorgan Chase thu lợi cao. Nhưng liệu các ngân hàng này có tiếp tục chiếm ưu thế khi thị trường có sự cạnh tranh trở lại? Giáo sư kinh tế Charles Geist cho rằng Goldman Sachs sẽ không tỏa sáng trong tương lai một khi cạnh tranh phục hồi.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh mới nói lên được nhiều điều khi cần chẩn đoán sức khỏe các ngân hàng. “Để đánh giá hệ thống ngân hàng cần phải so sánh các kết quả này (của Goldman Sachs) với các ngân hàng thương mại, phân tích tác động của khủng hoảng đến các ngân hàng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng vay tín dụng” - cựu phó chủ tịch thị trường chứng khoán New York, ông Georges Ugeux, giải thích mới đây trên L’Expansion.com.
Chẳng hạn đầu tuần này Tập đoàn CIT chuyên hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn đã được các chủ nợ chấp thuận bơm thêm 3 tỉ USD để tái cấu trúc khoản nợ và khỏi nộp đơn xin phá sản. Trong tuần trước, chính phủ đã thông báo từ chối tái tài trợ cho định chế tài chính này, sau khi từng cung cấp 2,3 tỉ USD vào tháng 12 năm ngoái vì cho rằng CIT phá sản không gây ra nguy cơ hệ thống. Những khó khăn mà CIT gặp phải là do dính sâu vào các khoản tín dụng dưới chuẩn và cho vay học tập.
Nhưng CIT cũng còn may mắn vì đầu tuần này có thêm bốn cơ sở gia nhập danh sách 57 vụ phá sản ngân hàng tính từ đầu năm nay, trong đó có hai cơ sở ở California. Tình hình của bang đông dân nhất nước Mỹ này đang làm người ta lo ngại hơn bao giờ hết.
California tìm cách thoát khỏi phá sản
Kể từ ngày 1-7 bắt đầu năm tài khóa mới 2009-2010, các nghị sĩ của bang California vẫn chưa bỏ phiếu biểu quyết ngân sách. Trong khi chờ đợi, chính quyền bang buộc phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp, trong đó có những hóa đơn được thanh toán với dòng chữ IOUs (tôi nợ bạn) và làn sóng những ngày nghỉ không trả lương dành cho các công chức.
Trong tháng 6, tỉ lệ thất nghiệp ở California - nơi có đến 12,4% người gốc Á trong số 36,7 triệu dân - lên đến 11,6% (so với 7% cùng kỳ năm 2008), trong khi tỉ lệ trung bình quốc gia là 9,5%. Mức nợ của California ước tính khoảng 67,1 tỉ USD và thâm hụt ngân sách là 26,3 tỉ. Ngày 17-5, thống đốc Arnold Schwarzenegger tìm cách tăng thuế để cân đối ngân sách bằng trưng cầu dân ý, nhưng các cử tri đã nói không. Trong nhiệm kỳ thứ hai và cũng là cuối cùng của mình, ông Schwarzenegger quyết tâm thuyết phục các nghị sĩ thuộc đa số phe Dân chủ chấp nhận cắt giảm ngân sách đến mức hà khắc và không được lòng dân, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
Rất nhiều chương trình giáo dục đã bị hủy bỏ vì thiếu tiền. Ngày 16-7, hội đồng quản trị Đại học California đã nhất trí thông qua kế hoạch ngày nghỉ không lương do bị mất 813 triệu USD từ ngân sách. Có khoảng 140.000 giáo sư và nhà quản lý bị giảm lương 4-10%.
Rất nhiều sáng kiến nhằm bổ sung ngân sách được đưa ra, trong đó có việc bán các bất động sản là khu thể thao hoặc nhà tù. Thậm chí có đề nghị, rất nghiêm túc, đánh thuế kinh doanh marijuana, một loại cần sa. Đầu năm nay, một nghị sĩ Đảng Dân chủ ở San Francisco đã đệ trình dự luật hợp pháp hóa kinh doanh marijuana phục vụ người lớn và đánh mức thuế có thể giúp thu về 1,3 tỉ USD cho ngân sách bang. Khi được hỏi về vấn đề này hồi tháng 5, thống đốc Schwarzenegger tỏ ý muốn mở một cuộc tranh luận hẳn hoi.
Trong chuyến công du mới đây chuẩn bị cho cuộc họp của nhóm G20 vào tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết cuộc họp này nhằm tìm ra giải pháp để tái thiết tăng trưởng kinh tế thế giới và điều tiết hệ thống tài chính quốc tế. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Geithner cho rằng cần phải nhanh chóng thông qua một chiến lược chung để hồi phục niềm tin và cho phép tăng trưởng quay trở lại.
“Trong lúc đang thoát khỏi khủng hoảng, chúng ta không muốn lặp lại những bất ổn là nguồn gốc gây nên khủng hoảng. Mô hình tăng trưởng của chúng ta phải cân bằng hơn và ổn định hơn” - ông nhấn mạnh và kêu gọi người dân Mỹ tiết kiệm nhiều hơn và các quốc gia khác trên thế giới hãy hướng đến phát triển từ kích cầu tiêu dùng nội địa.
Vấn đề là California không phải là bang duy nhất ở Mỹ hiện gặp khủng hoảng ngân sách. Theo thống kê mới nhất, có năm bang khác trong tình cảnh tương tự: Arizona, Connecticut, Mississippi, Bắc Carolina và Pennsylvania. Trong số này, Connecticut và Bắc Carolina đã thông qua các biện pháp giúp tạo quỹ tạm thời để thích nghi với luật liên bang Mỹ quy định ngân sách từng bang phải được thông qua vào ngày 1-7.
Lê Tấn tổng hợp
tuổi trẻ
|