Chín năm mới bấy nhiêu ngày...
Khá lâu rồi mới thấy dân “chứng khoán” tụ họp đông đảo như vậy, hơn 100 người toàn tổng, phó tổng giám đốc các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp niêm yết trong lễ kỷ niệm chín năm ngày thành lập sàn chứng khoán TPHCM và lần thứ hai Cuộc bình chọn giải thưởng báo cáo thường niên 2008.
Phát biểu trên sân khấu vẫn là những gương mặt quen thuộc, từ ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc HOSE, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập báo Đầu tư đến ông Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital... Nhưng ở dưới, bên các bàn tiệc, xen giữa những vị lãnh đạo doanh nghiệp từng trải, đã xuất hiện không ít những nhân vật chủ chốt trẻ tuổi của các công ty tài chính. Họ hầu hết đang ở độ tuổi ngoài ba mươi, du học hoặc thực tập ở nước ngoài về, thông thạo tiếng Anh, hiểu biết thị trường tài chính quốc tế. Họ là nòng cốt cho sự kế tục và đổi thay theo hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam!
Sàn TPHCM bây giờ vẫn đầy máy tính, vẫn những ô chỗ ngồi ken dày của các công ty chứng khoán, nhưng số nhân viên ra vào lác đác. Giao dịch trực tuyến, lệnh mua bán đã được nhập trực tiếp từ các công ty chứng khoán vào thẳng máy chủ của sàn với tốc độ bình quân 7 lệnh/giây. Hơn 600.000 tài khoản của nhà đầu tư đã được mở. Hệ thống máy móc hiện hành của HOSE có thể bao quát số tài khoản năm lần hơn thế, tức 3 triệu. Tháng trước sở đã chọn được nhà thầu cung cấp công nghệ mới, đáp ứng cả nhu cầu về sản phẩm phái sinh với tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu đô la Mỹ.
Nhớ lại chín năm trước, tháng 7-2000, lúc chào đời HOSE chỉ có một “mảnh” sàn rộng chừng 150 mét vuông ở tầng trệt của khu nhà bốn tầng phía sau tòa nhà chính hiện nay. Trên đó có hai bảng điện với vài công ty niêm yết, 12 máy tính cho 12 đại diện của sáu công ty chứng khoán, giao dịch ba ngày/tuần, mỗi ngày 60 phút vào buổi sáng. Mỗi lần họp báo, cánh phóng viên chen chúc trong cái phòng chật chội ở gần cầu thang lầu hai, vừa thở vì nóng, vừa hỏi vừa ghi chép trong tiếng quạt điện chạy vù vù...
Thị trường đã thay đổi căn bản và đang tiếp tục lớn lên. Số công ty niêm yết tăng, mức vốn hóa lớn, thời gian giao dịch chuẩn bị kéo dài sang cả buổi chiều. Tuy nhiên có những điều nhà đầu tư mong mỏi, ngóng trông từng ngày thì vẫn chưa đổi thay. Đấy là thời gian T+4 của giao dịch cổ phiếu (mua cổ phiếu hôm nay, bốn ngày sau mới được giao dịch). Đã đành chúng ta chưa có thị trường tương lai ( futures ), chưa áp dụng sản phẩm phái sinh một phần vì sự phức tạp của chính nó, nhưng phương thức T+4 lạc hậu do cả công nghệ và sự cứng nhắc của một bộ phận quản lý đã và đang ngăn cản bước tiến của thị trường, là một rào cản của thanh khoản và làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của chứng khoán với công chúng đầu tư.
Hầu như cả thế giới có thể mua bán cùng một loại chứng khoán trong ngày, vừa mua đấy, lại bán ngay đấy nếu có lợi. Chỉ Việt Nam là chưa. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải thích sự chậm trễ tới bốn ngày là do tốc độ thanh toán của Trung tâm Lưu ký chưa theo kịp. Phấn đấu nâng lên ba ngày mãi vẫn chưa được, bao giờ mới đến T+2 rồi T+1? Có quan chức của Trung tâm Lưu ký còn bảo nhiều nước có thị trường chứng khoán trước ta vẫn xài T+4 đó. Nói thế khác nào “trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì chẳng có ai bằng mình”! Và thế thì bao giờ chứng khoán mới vượt ngân hàng, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế như các nước, mà gần ta là Thái Lan?
Chuyện khác. VN-Index, chỉ số của HOSE, được xem là chỉ số của chứng khoán Việt Nam. Quy định nêu rõ các doanh nghiệp vốn từ 80 tỉ đồng trở lên niêm yết trên sàn TPHCM, dưới mức này đăng ký giao dịch trên sàn Hà Nội (Hnx). Mới đây cơ quan quản lý đã quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp vốn dưới 80 tỉ đồng tăng đủ vốn hoặc chuyển ra Hnx. Hàng chục công ty nhỏ đã chuyển ra sàn Hà Nội. Song, các doanh nghiệp lớn đang giao dịch trên Hnx lại không bắt buộc phải chuyển vào HOSE. Nếu những đơn vị như Ngân hàng ACB, Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Vinaconex, Xi măng Bút Sơn, Xi măng Bỉm Sơn... chuyển vào niêm yết ở HOSE thì bộ mặt của sàn đại diện cho chứng khoán Việt Nam đã khác, lớn hơn về quy mô, thanh khoản, khối lượng giao dịch và tất nhiên cả bước nhảy lên xuống của VN-Index. Điều này có ý nghĩa quan trọng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mới, nâng vị trí của chứng khoán Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn TBKTSG, một quan chức Bộ Tài chính nói việc chuyển các doanh nghiệp từ Hnx sang HOSE sẽ thực hiện bắt buộc từ năm 2010. Vì sao phải để lâu như vậy, mà không làm ngay? Trong khi nhiệm vụ chính của Hnx không phải đưa các doanh nghiệp lớn lên niêm yết mà là tập trung tạo một sân chơi trái phiếu sôi động, một sàn UpCom nhộn nhịp. Sàn UpCom vừa mới khởi động được hai tuần, còn thị trường trái phiếu đang khá ảm đạm. Nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa có nhiều ý tưởng mua bán trái phiếu. Các đợt phát hành trái phiếu từ nhiều tháng nay luôn thất bại.
Chín năm mới bấy nhiêu ngày... Trên cái nền thời gian ấy đã hai lần HOSE phối hợp với báo Đầu tư và Dragon Capital tổ chức bình chọn báo cáo thường niên. Song mới chỉ 30% công ty niêm yết trên HOSE gửi báo cáo tham dự. Báo cáo thường niên là một trong những tài liệu tham khảo then chốt của nhà đầu tư, nó thể hiện bộ mặt, nó đòi hỏi các doanh nghiệp phải dày công xây dựng.
Vì sao tất cả các công ty niêm yết không tham gia như một bước minh bạch hóa thông tin? Bên cạnh những giải thưởng về nội dung và hình thức do ban tổ chức bầu chọn, vì sao chưa có một giải thưởng báo cáo thường niên xuất sắc nhất do nhà đầu tư bình chọn (có thể trực tiếp qua điện thoại, e-mail, thư...)? Nhà đầu tư mới là những người đánh giá chính xác nhất giá trị của một báo cáo thường niên, tiếc rằng họ vẫn đang bị đặt đứng ngoài.
Hải Lý
TBKTSG Online
|