Hình sự hóa vi phạm chứng khoán: Rất khó kết tội
Tuần qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó lần đầu tiên quy định một số tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, đã được công bố và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Việc bổ sung một số tội danh trong lĩnh vực chứng khoán có tác dụng răn đe, ngăn ngừa có hiệu quả với các hành vi phạm tội, song quy định trong Luật còn khá chung chung, khó có thể đi vào đời sống.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) mới đây đã mạnh tay trong công tác xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán, song do hạn chế về khung pháp lý, nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi NĐT chỉ bị xử phạt hành chính. Đơn cử như vụ việc 2 nhà đầu tư mở tài khoản tại CTCK Tràng An thông đồng với nhau thực hiện giao dịch cổ phiếu CCM nhằm tạo cung - cầu giả tạo chỉ bị phạt 80 triệu đồng; “đại gia” Trương Đình Khởi, mở tài khoản tại ACBS thao túng giá cổ phiếu STB chỉ bị phạt 100 triệu đồng; 4 NĐT và 1 tổ chức liên quan đến vụ sử dụng thông tin nội gián từ khoản thặng dư được hoàn trả của FBT bị phạt 190 triệu đồng; NĐT giao dịch nội gián cổ phiếu XMC bị phạt 40 triệu đồng. Cũng chính vì mức độ xử phạt quá nhẹ, nên số công ty đại chúng vi phạm trong việc phát hành chứng khoán không xin phép xuất hiện nhan nhản. Có công ty thậm chí còn lý giải rằng, phát hành chui rồi nộp phạt 70 triệu đồng vẫn vui và đỡ tốn kém hơn lập hồ sơ xin phát hành, thuê CTCK tư vấn, rồi chạy tới chạy lui xin phép UBCK.
Từ năm sau, những vi phạm trên đều có thể bị khởi tố hình sự. Ông Hoàng Đức Long, Trưởng ban Pháp chế, UBCK cho biết, Luật mới quy định đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù và cấm tham gia thị trường trong vòng 5 năm, điều này sẽ tăng mạnh tính răn đe, bởi hình phạt tiền trong nhiều trường hợp không đủ mạnh với đối tượng vi phạm. Nhiều vụ việc, nhờ hành vi thao túng giá, NĐT có thể kiếm lợi hàng tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng, bị phạt tiền 500 triệu đồng với họ vẫn có lợi.
Tuy nhiên, điều khiến vị quan chức này băn khoăn hơn cả là quy định trong Luật ở một số điểm còn chung chung, rất khó thực hiện, khó viện dẫn căn cứ để kết tội. Đơn cử, Điều 181a, quy định về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm). Liên quan đến vấn đề công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường phổ biến nhiều vi phạm, nhưng thế nào là công bố thông tin sai lệch, như thế nào là che giấu sự thật trong đăng ký, lưu ký chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng..., nếu không có quy định cụ thể thì rất khó kết tội. Hơn nữa, quy định như vậy có thể dẫn tới việc hình sự hóa các vi phạm chứng khoán, trầm trọng hóa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
Nhìn nhận trước những phức tạp có thể nảy sinh khi Luật có hiệu lực, một số ý kiến từ giới luật gia cho rằng, Luật cấu trúc các Điều 181a, b, c theo 3 cấp độ về hậu quả hành vi đó là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, để việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán hài hòa với tính chất, đặc điểm của thị trường, không nên đưa cấp độ nghiêm trọng vào xử lý theo Bộ luật Hình sự, mà xử lý theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Bộ luật Hình sự chỉ đề cập các hành vi có cấp độ gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn, Điều 181a nên chăng được cụ thể hóa như sau: người nào cố ý tạo dựng và tuyên truyền thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật hoặc giả mạo hồ sơ liên quan đến việc chào bán, niêm yết chứng khoán, chào bán chứng khoán không có giấy chứng nhận chào bán; tổ chức TTCK, kinh doanh chứng khoán không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; gian lận, lừa đảo trong hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo mức độ phát triển của TTCK, các hành vi vi phạm pháp luật được nhận định ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán do vậy đòi hỏi phải có công cụ mạnh tay hơn. Tuy nhiên, nếu như Luật quy định không cụ thể, rõ ràng, nhiều khe hở có thể nảy sinh và dẫn tới tiêu cực trong xử lý.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|