Thứ Năm, 09/07/2009 09:52

Dòng tiền có nguy cơ đảo ngược

VN-Index không duy trì được đà tăng điểm, khối lượng giao dịch trên HOSE những phiên đầu tháng 7 không vượt quá 50 triệu đơn vị/phiên (mức trung bình trong tháng 6); nhà ĐTNN vẫn mua ròng, nhưng giảm dần về giá trị và khối lượng… Đó là một số nét chấm phá chính của TTCK trong những phiên giao dịch vừa qua. Nhiều NĐT đang băn khoăn về việc dòng tiền nâng đỡ TTCK trong đợt phục hồi trước đó có khả năng đảo ngược.

Trong thời gian từ tháng 4 đến đầu tháng 6 có khá nhiều nghi vấn về mối liên hệ giữa các khoản vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi và sự phục hồi của TTCK. Giả thuyết này dựa trên việc một số ngân hàng cung cấp tín dụng dễ dãi cho khách hàng thông qua cho vay sản xuất hay tiêu dùng và một phần trong số đó chảy vào TTCK. Dĩ nhiên, giả thuyết trên mang tính phỏng đoán, không thể chứng minh.

Tuy nhiên, về điều này, báo cáo chiến lược tháng 6 của CTCK HSC đánh giá, “theo dõi sự tăng trưởng của các khoản vay hàng tuần so với chỉ số VN-Index có thể thấy chúng đi theo một hướng tương tự” và nhận xét: “có mối liên hệ giữa hai chuyện này”. HSC giả thuyết cơ chế đó có thể diễn ra như sau: hầu hết khoản vay đến từ việc đảo nợ các khoản vay vốn lưu động hiện hữu. Nhưng do nhu cầu thấp, các công ty nhận khoản vay với chi phí rẻ và nhận thấy họ có nhiều tiền hơn mức cần thiết. Một phần trong số đó đã chảy vào TTCK - các công ty gọi đó là quản lý tiền mặt!

Chương trình cho vay ưu đãi có vẻ đã thành công trong việc tạo ra nền tảng cho khu vực sản xuất và đảm bảo khối này có đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Sau khi đạt được mục đích ban đầu, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm tra sát sao việc cho vay hỗ trợ lãi suất, cũng như yêu cầu giám sát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản. Và có vẻ không ngẫu nhiên khi TTCK có dấu hiệu đi xuống.

Sự đi xuống của TTCK gần đây khá trùng khớp với nghiên cứu của PGS. TS Trần Hoàng Ngân (Trường đại học Kinh tế TP. HCM) và Ths. Đinh Thế Hiển (Viện Nghiên cứu tin học kinh tế ứng dụng) công bố mới đây. Theo đó, chính sách tài chính - tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước luôn là yếu tố tác động mạnh nhất đến xu hướng TTCK Việt Nam trong suốt ba năm qua…

Thị trường bất động sản ở TP. HCM và Hà Nội đang “ấm” lên. Ở một số khu vực phía Nam và phía Đông TP. HCM (Quận 2, 7 và 9) hay ở phía Tây Hà Nội, tốc độ tăng giá có thể gọi là “nóng”, thậm chí là “sốt”. Các nhà môi giới cho biết, giá giao dịch tại một số nơi đã tăng từ 20 - 30% so với cuối năm 2008; số giao dịch thành công tăng từ 10 - 20% mỗi tháng. Sự ấm lên của kênh đầu tư bị trầm lắng quá lâu này khiến dòng tiền tiềm năng chảy vào TTCK có thể chuyển sang bất động sản. Trong vòng hơn 3 tháng, việc đạt được mức lợi nhuận vượt quá kỳ vọng ban đầu có thể khiến một bộ phận NĐT chứng khoán có vốn lớn chuyển một phần vốn sang bất động sản nhằm đón đầu con sóng phục hồi - điều đã xảy ra trong quá khứ...

Trái phiếu là kênh đầu tư trầm lắng suốt từ đầu năm, nhưng phân khúc trái phiếu doanh nghiệp đang hồi sinh. Một vài kế hoạch lớn đã được dự định trong tương lai gần từ phía các ngân hàng. Sacombank đang phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu; Ngân hàng Quân đội dự kiến phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu, đợt đầu thực hiện 1.000 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng Hàng hải phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, Habubank là 3.000 tỷ đồng, BIDV từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng… Trái phiếu vẫn là cuộc chơi của NĐT tổ chức, nhưng các kênh đầu tư thường hoạt động theo nguyên tắc bình thông nhau. Sự khởi sắc ở kênh đầu tư này báo hiệu sự trầm lắng ở kênh đầu tư khác.

Với một bộ phận NĐT cá nhân, một phần do xu hướng TTCK chưa rõ nét, mặt khác sau gần 4 tháng đạt được kỳ vọng lợi nhuận vượt mong đợi ban đầu, họ mang tâm trạng nghỉ ngơi. Một phần vốn trong các tài khoản đầu tư chứng khoán đã chảy vào tài khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn ngày. Nhân viên môi giới của nhiều CTCK cho biết, một số tài khoản còn tiền, nhưng trong trạng thái không giao dịch hoặc giao dịch cầm chừng. Sự điều chỉnh gần 1 tháng qua của TTCK là trải nghiệm đáng kể đối với các NĐT mới sau một thời gian “thắng như chẻ tre”. Sự thoái lui tạm thời của thị trường khiến nhiều NĐT mới nhìn nhận lại về chứng khoán một cách nghiêm túc hơn. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy vào chứng khoán sẽ được cân nhắc kỹ hơn khi thị trường chưa hứa hẹn nhiều yếu tố đột biến.

Lãi suất tiền gửi đang có chiều hướng tăng dần và mức cao nhất đang là 10,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, cách lãi suất trần chỉ có 0,3%/năm. Sự căng thẳng trong việc huy động vốn tại một số ngân hàng thương mại rất có thể ảnh hưởng đến tâm lý, đến dòng tiền vào TTCK. Bởi lẽ, cuộc đua lãi suất gây ra quan ngại của NĐT chứng khoán về lạm phát, mà lạm phát thường có tác động ngược chiều đến TTCK. Có thể vàng vật chất và ngoại tệ mạnh sẽ nổi lên như là kênh dự trữ tài sản an toàn nếu lo ngại trên thành hiện thực.

Sự hồi phục của TTCK cần có tính thanh khoản để duy trì. Kể từ đầu năm 2009 đến nay, TTCK là kênh mang lại lợi tức tốt nhất so với các kênh đầu tư khác. Điều này hợp lý nếu so sánh với mức lợi nhuận mà NĐT đã thu được. Tuy nhiên, vị thế đó có thể bị đe dọa đảo ngược trong thời gian tới, khi một số kênh đầu tư khác trỗi dậy và dòng tiền chảy vào chứng khoán đang được cân nhắc hơn do xu hướng chủ đạo vẫn chưa rõ ràng.

Ngọc Giang

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   CCM: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (24/04/2009)

>   BVS: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (27/04/2009)

>   BTH: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (18/05/2009)

>   BLF: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (29/04/2009)

>   BHV: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (13/05/2009)

>   BCC: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (14/05/2009)

>   BBS: Báo cáo tài chính chi tiết kiểm toán năm 2008 (24/04/2009)

>   BBS: Báo cáo tài chính tóm tắt quý I năm 2009 (27/04/2009)

>   B82: Báo cáo thường niên 2008 (07/04/2009)

>   ACB: Báo cáo tài chính chi tiết hợp nhất quý I năm 2009 (28/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật