Cẩn trọng với rủi ro
Điều tra về quản lý rủi ro toàn cầu lần thứ 6 hồi cuối năm 2008 của Công ty Kiểm toán Deloitte cho thấy, chương trình quản lý rủi ro của các doanh nghiệp đã phổ biến hơn tại Hoa Kỳ và châu Á. Giám đốc quản lý rủi ro của một ngân hàng trả lời trong cuộc điều tra này cho rằng, khủng hoảng tín dụng là bài học lớn về quản lý rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt. Hiểu được quy mô của rủi ro và tập trung phân chia rủi ro là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Chính vì thế, việc nắm bắt dấu hiệu nền kinh tế có thể xấu đi là yếu tố chủ chốt để doanh nghiệp không lâm vào tình trạng nợ xấu.
Ông Loic Faussier, Giám đốc quản lý rủi ro của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, 2 năm trước, khi nói chuyện với nhân viên bán hàng, nhân viên tín dụng cho một ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, rất khó thuyết phục họ rằng, tình hình kinh tế có thể xấu đi bởi lúc đó Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khá cao nên mọi người chỉ nghĩ kinh tế sẽ đi lên, chứ không có chuyện đi xuống và không có vấn đề xấu đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, các nhà quản lý tài chính đã có cái nhìn khác, rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra kể cả khi tình hình kinh tế tốt đẹp.
Theo ông Loic Faussier, thiếu thông tin về thị trường và doanh nghiệp là vấn đề khó khăn nhất trong quá trình quản trị rủi ro của ngân hàng. Trong khi đó, ở Việt Nam không có đủ nghiên cứu của các ngân hàng đầu tư về doanh nghiệp và ngành nghề. Dù Việt Nam có Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhưng trung tâm này chưa cung cấp đầy đủ thông tin tín dụng cho thị trường.
"Khi xét duyệt một hồ sơ cho vay, chúng tôi muốn nắm bắt tình hình tài chính của doanh nghiệp nhưng rất khó tiếp cận thông tin chính xác. Vì vậy, khoản cho vay này rất có thể trở thành nợ xấu", ông Loic Faussier nói và cho biết, dù bảng cân đối kế toán của HSBC rất tốt nhưng vẫn có nợ xấu. Quan sát của HSBC cho thấy, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay, gian dối trong hồ sơ vay vốn đang gia tăng ở vùng châu Á - Thái Bình Dương.
"Chính vì thế, điều quan trọng đối với ngân hàng thương mại là phải luôn cẩn trọng, cẩn trọng đối với những gì có thể xảy ra ngay cả khi tình hình kinh tế đang cải thiện theo chiều hướng tốt hơn", ông Loic Faussier nhấn mạnh .
Nghiên cứu của Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam cho thấy, quản trị rủi ro đang được nhiều doanh nghiệp xem xét lại vì quy trình hoạt động kém và có nhiều thay đổi diễn ra nhanh chóng. 56% trong tổng số doanh nghiệp được Ernst&Young Việt Nam điều tra cho biết, họ đang thực hiện những thay đổi lâu dài và 33% thực hiện những thay đổi tạm thời trong khi tiếp cận với cách thức quản lý rủi ro; đầu tư vào quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ đang tăng lên; 35% ủy viên ban quản trị của những doanh nghiệp được điều tra tin rằng, thiếu sót trong quản lý rủi ro cần được giải quyết thông qua việc can thiệp vào công tác điều hành.
Theo ông Benjamin Thong, Giám đốc khối dịch vụ tư vấn rủi ro của Deloitte, đầu tư vào quản trị rủi ro như là một hợp đồng bảo hiểm, chưa nhìn thấy ngay lợi ích của việc này cho đến khi rủi ro xảy ra. Không ngừng củng cố chức năng quản lý rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn để vượt qua những thử thách, cạnh tranh phía trước. Chuyên gia quản lý rủi ro của một ngân hàng nói trong cuộc điều tra của Deloitte rằng: "Chúng ta học được gì qua những sự kiện thị trường gần đây? Chúng ta đã coi nhẹ rủi ro thanh khoản". Theo Deloitte, do tính thanh khoản của nhiều thị trường gần đây và ảnh hưởng đối với quản lý thanh khoản ngân hàng, Hội đồng Basel thông báo, họ sẽ cân nhắc đưa rủi ro thanh khoản vào trong tính toán vốn điều chỉnh Basel II.
Gia Linh
Đầu tư chứng khoán
|