Hỗ trợ lãi suất: kẻ khóc người cười
Trong khi nhiều doanh nghiệp và ngân hàng đang hân hoan từ nguồn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, thì không ít các doanh nghiệp yếu thế đã không thể tiếp cận đến nguồn vốn này
Lãnh đạo công ty cổ phần tập đoàn Minh Dương, một doanh nghiệp đóng tại huyện Đông Anh, Hà Nội như ngồi trên lửa. Họ đã không thể tiếp cận đến nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ trong khi đang rất khát vốn để duy trì sản xuất. “Chúng tôi đã phải vay lại các doanh nghiệp khác từ chính nguồn tín dụng ưu đãi mà họ đã vay được từ ngân hàng trong chương trình hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ,” phó chủ tịch công ty Nguyễn Tuấn Anh nói.
Ông cho biết, do không có đất đai thế chấp, nên doanh nghiệp tư nhân của ông đã không thể tiếp cận đến nguồn vốn này. “Chúng tôi mang giấy tờ chứng minh máy móc tài sản hơn 10 tỉ đồng đến rất nhiều ngân hàng, nhưng họ không cho vay. Có ngân hàng cho vay nhiều nhất chỉ là 500 triệu đồng. Thế thì chúng tôi bị ra rìa”, ông Tuấn Anh nói trong cuộc hội thảo “Hiệu quả gói giải pháp kích cầu của Chính phủ” do hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm qua.
Do những khó khăn như vậy, doanh nghiệp của ông Tuấn Anh đã cắt giảm còn 50 công nhân từ 200 công nhân trước đây. Chuyện vợ ông lãi lớn do đầu tư một bất động sản từ đầu năm đã làm ông suy nghĩ nhiều về việc duy trì doanh nghiệp hay thôi. “Nói thật là chúng tôi cũng định bán nhà máy, đánh quả như vợ, vì nghĩ mình chả được hỗ trợ gì từ Nhà nước như các doanh nghiệp mạnh”, ông nói.
Câu chuyện của ông chủ doanh nghiệp này không phải hiếm kể từ khi Chính phủ bắt đầu triển khai hỗ trợ lãi suất 4% từ đầu năm nay. Ông Nguyễn Đức Thuận, giám đốc công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng, bộ Quốc phòng nhận xét, chính sách cho vay bù lãi suất theo “cơ chế quá chặt chẽ” đã ngăn cản nhiều doanh nghiệp, như của ông Tuấn Anh tiếp cận đến nguồn vốn này. Một nghiên cứu đích thân công ty ông Thuận thực hiện gần đây cho thấy, có tới 90% trong tổng số 60 doanh nghiệp vừa và nhỏ (trong tổng số 180 doanh nghiệp nghiên cứu) là không tiếp cận được đến nguồn vốn này. “Tôi nói thật nhé, tôi ở trong Tổng liên đoàn lao động nên tôi biết, đã có hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, hàng triệu người lao động bị mất việc làm. Nhưng họ không được vay”, ông nói với hàng trăm đại biểu dự hội thảo.
Nhưng mà có nhiều doanh nghiệp “mát mặt” từ chính sách này. Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Cao Thị Thuý Nga nói: “Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi chính sách hỗ trợ lãi suất vào guồng”. Bà Nga nói, các khách hàng rất khó khăn trong sáu tháng đầu năm nay vì sản xuất ngưng trệ, tồn kho lớn làm tín dụng có nguy cơ đóng băng. Nhờ chương trình hỗ trợ lãi suất, MB đã cho vay được 10.600 tỉ hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. “Chính sách này của Chính phủ là làn gió mới cho các ngân hàng”, bà nói. Đây là lý do mà nhiều ngân hàng thương mại báo cáo lãi trong sáu tháng đầu năm nay.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng mát mặt. Ông Thuận cho biết, có tới 114/180 doanh nghiệp khảo sát (63%) nhận hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, 19/180 doanh nghiệp vay cả ngắn và trung hạn. Phần lớn các doanh nghiệp này (87%) cho biết đã dùng vốn này để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh. “Trong sáu tháng qua, hầu hết các doanh nghiệp quân đội đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất một cách hiệu quả,… vì thế có tăng trưởng cao”, ông nói.
Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, đến nay dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất vào khoảng 338 ngàn tỉ đồng, trong đó khoảng 60% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 30% là doanh nghiệp nhà nước và 10% là các hộ cá thể.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế nước ngoài cho rằng, Chính phủ nên thận trọng với gói kích cầu này. Chuyên gia kinh tế của ngân hàng Phát triển châu Á ADB Nick Freeman cho rằng, hỗ trợ lãi suất là “công cụ chính sách bất thường dành cho những thời điểm bất thường”. Vì vậy, khi kinh tế Việt Nam đang trở lại bình thường thì Chính phủ nên xem xét lại chính sách này.
Không có mặt tại hội thảo, nhưng giám đốc ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa cũng đã bày tỏ quan điểm rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất đã “hoàn thành sứ mệnh của mình”. Bà nói với báo chí gần đây rằng, nếu vẫn tiếp tục triển khai sẽ tạo ra một loạt những rủi ro. Thứ nhất, tín dụng tăng nhanh sẽ tạo sức ép lên lạm phát. Thứ hai, có thể rơi vào việc sử dụng thiếu hiệu quả đồng vốn của ngân hàng giống như thời kỳ cho vay theo chính sách chỉ định. Bà nói: “Câu hỏi đặt ra bây giờ là, liệu Chính phủ có cần chương trình này nữa hay không khi mà mục tiêu cơ bản đặt ra đã đạt được”.
Tư Giang
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|