Vay qua thẻ: Phải biết cách “xài”
Người vay không thanh toán trong tháng, chi phí vay vốn sẽ tăng lên rất nhiều
Nếu thẻ ATM thông thường, Visa Debit, Advance... là kênh huy động vốn thì các loại thẻ như Visa, Master Card... (thường gọi thẻ tín dụng) là phương tiện để các ngân hàng (NH) mở rộng hoạt động cho vay. Tuy nhiên, bên cho vay và bên vay cần cẩn trọng với khoản vay qua thẻ tín dụng để duy trì quan hệ hai bên.
Chọn lọc đối tượng
Do cho vay qua thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm nên đối tượng mà các NH thường nhắm đến là CBCNV, chứng minh thu nhập từ 3 triệu - 5 triệu đồng/tháng bằng bảng lương thông qua NH để bên cho vay chủ động thu hồi nợ. Thế nhưng, người tiêu dùng không nhiệt tình đón nhận bởi điều kiện này quá phiền hà. Việc NH nhanh tay thu hồi vốn và lãi từ tài khoản lương chẳng khác gì chủ thẻ đã có tài sản thế chấp là thu nhập của mình. Mặt khác, các NH cũng nhận thấy doanh nghiệp có thể kinh doanh thua lỗ dẫn đến ngưng trả lương qua ATM, NH sẽ đối mặt rủi ro.
Vì thế, số ít NH hủy bỏ điều kiện nhận lương qua ATM, chọn lọc một số viên chức, công chức của các cơ quan Nhà nước, người lao động tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, dầu khí, vận tải, bưu chính – viễn thông... kinh doanh 2 năm liền có lãi; thời hạn hợp đồng lao động còn lại ít nhất 1 năm hoặc không thời hạn... làm đối tượng chính để cho vay qua thẻ. Theo các NH, nhóm đối tượng trên có thu nhập ổn định, số tiền mà các NH cho vay qua thẻ dành cho đối tượng này chỉ khoảng 10 triệu - 15 triệu đồng nên khả năng thu hồi nợ không quá khó.
Nên cân nhắc chi tiêu
Để cho vay qua thẻ tín dụng, các NH sẽ cấp cho chủ thẻ một số tiền phổ biến từ 10 triệu – 50 triệu đồng (tiền của NH), khuyến khích khách hàng thanh toán mua sắm hàng hóa, dịch vụ không dùng tiền mặt thông qua các thiết bị chấp nhận thẻ. Trong khoảng một tháng kể từ ngày giao dịch, chủ thẻ phải trả lại số tiền đã chi tiêu cho NH. Tuy nhiên, bên vay cần lưu ý, sau thời gian được hưởng miễn lãi suất, các NH sẽ áp lãi suất phổ biến từ 1% - 1,7%/tháng tính theo dư nợ giảm dần. Nếu chủ thẻ trả nợ quá hạn phải đóng phí 3%/số tiền trả chậm. Thông thường, các NH sẽ chốt thông tin giao dịch thời điểm giữa tháng và thông báo hạn chót thanh toán vào những ngày cuối tháng. Do đó, chủ thẻ mua hàng vào những ngày đầu tháng, thời gian được miễn lãi suất nhiều nhất chỉ khoảng 3 tuần. Còn ngày mua hàng ngay sau ngày NH chốt thông tin giao dịch, thời gian được miễn lãi suất tối đa là 45 ngày. Riêng tình huống chủ thẻ rút tiền mặt, NH sẽ thu phí 3% - 4% và tính ngay lãi suất tại thời điểm rút tiền.
Nhiều người có kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng tiền vay, trả lại số tiền đã chi tiêu qua thẻ trong tháng để hưởng lãi suất cho vay 0%. Nếu bên vay không kịp thanh toán trong tháng, chi phí vay vốn sẽ không nhỏ. Giả sử chủ thẻ rút tiền mặt 10 triệu đồng, lãi suất 1,5%/tháng, phí rút tiền 4%, phí thanh toán quá hạn 3%/số tiền thanh toán tối thiểu là 1 triệu đồng, tính ra chi phí vay vốn trong tháng đó lên tới 580.000 đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay mạng lưới chấp nhận thẻ (POS) đã có hơn 27.000 thiết bị. Một số ngân hàng phát hành thẻ tín dụng thương hiệu Master Card, Visa... có khả năng tích hợp đa tiện ích, độ bảo mật, an toàn cao, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng khi giao dịch; các kênh giao dịch trực tuyến như thanh toán qua internet, mobile, SMS... cũng được các ngân hàng phát triển thuận tiện cho người sử dụng thẻ.
Thy Thơ
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|