Dè chừng chiêu "mượn gió bẻ măng"
Chưa bao giờ các động thái điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại được thị trường theo dõi chặt chẽ như thời gian này. Có người nói: "Các NĐT không sợ thị trường tăng hay giảm điểm, thanh khoản nhiều hay ít, mà sợ nhất lúc này là CSTT của NHNN thay đổi".
Đã có các hành động, tin đồn trên thị trường để lợi dụng tâm lý này của các NĐT.
Khi lo ngại về chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2009 chỉ ở mức 25%-27% tạm lắng đi, các NĐT đã bình tĩnh trở lại thì xuất hiện tin đồn về việc NHNN chuẩn bị triển khai "kế hoạch" phát hành tín phiếu bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại để rút bớt tiền trong lưu thông về, như đã từng triển khai trong năm 2008.
Tin này đã được một số người úp-mở trên các diễn đàn mạng, khiến nhiều NĐT lo ngại là NHNN đã bắt đầu các quyết định mạnh tay với thị trường tiền tệ. Tình trạng sụt giảm thanh khoản mạnh trong tuần qua của thị trường bị cho là do một phần ảnh hưởng của tin đồn này. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, hiện không có bất cứ một kế hoạch nào như những thông tin trên đề cập, "kế hoạch" đó chỉ là tin đồn.
Linh hoạt, nhưng không tạo ra những cú sốc
Theo Vụ CSTT, quan điểm điều hành các công cụ CSTT của NHNN từ năm 2008 đến nay luôn nhất quán là chủ động, linh hoạt, thận trọng, cố gắng không gây ra những cú sốc cho thị trường, vì chính họ biết rằng cú sốc có thể gây tác động tiêu cực đến các thị trường, trong đó có thị trường tiền tệ.
Những quỹ/tổ chức và một số ít NĐT cá nhân có kinh nghiệm đều theo dõi sát sao các thông tin từ NHNN để tìm những tín hiệu, gợi ý về khả năng điều chỉnh các chính sách. Đó có thể là lý do tại sao những thành viên này của thị trường đã biết nương theo những dự báo chính sách để ra/vào thị trường đúng sóng hơn đa số các NĐT cá nhân. Đó là chưa kể có những thành viên thị trường "mượn gió, bẻ măng" tạo ra dư luận, tin đồn để mong thị trường diễn biến theo chủ ý của mình.
Ví dụ rõ nhất vừa qua là những bình luận không đúng về việc NHNN sẽ tăng lãi suất (LS) tiền gửi dự trữ bắt buộc (DTBB) VND, tin đồn NHNN có "kế hoạch" phát hành tín phiếu NHNN bắt buộc, điều chỉnh tăng LSCB...
Thực chất việc NHNN giảm LS cho tiền gửi DTBB ngoài yếu tố kinh tế là giảm gánh nặng tài chính cho NHNN (và cũng khiến cho NHTM bị giảm bớt một phần nhỏ thu nhập), nhưng qua đó thị trường (TT) thấy NHNN đã tái xác nhận một cách chính thức hệ thống NHTM Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất, vấn đề thanh khoản đã không còn là một cái bẫy ám ảnh hệ thống nếu so với cùng kỳ năm 2008. NHNN cũng cho biết sẽ có lộ trình để tránh những cú sốc cho thị trường khi chấm dứt thực hiện cơ chế hỗ trợ LS.
Cơ hội từ phản ứng chính sách?
Thực tế thời gian qua khi thị trường qua một giai đoạn giằng co rồi lại có những cú ngã lớn, nhiều NĐT cho rằng có những thế lực đang cố muốn tác động mạnh vào TT để tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng tinh ý ra thì thấy rằng khi lực cầu lớn của các tổ chức chưa sẵn sàng, nhưng lại hé lộ dần qua những đợt thu gom nhỏ lẻ (chiêu thức này không tác động lớn đến TT và không làm tăng áp lực tăng điểm cho VNI nếu được thực hiện rải rác).
TT lúc này là sự đấu trí của các nhóm đầu tư kinh doanh dựa trên sự nhiễu thông tin và cách hiểu khác nhau về chính sách. Trong ngắn hạn, khi thông tin kết quả KD quý II/2009 không còn nhiều ý nghĩa (ý nghĩa nếu có chỉ là để kiểm tra lại xem nhận định của cá nhân về một vài mã CP nào đó có đúng với thực tế không), lúc này cơ hội kinh doanh trong ngắn hạn chính là kinh doanh dựa vào những thông tin của chính sách tác động vào giá CK như thế nào.
Các yếu tố về trung hạn chính là nội lực của nền kinh tế và của TTCK trong 6 tháng đầu năm 2010 khi mà nguồn lực kích cầu đã chấm dứt, khi bộc lộ yếu kém của nền kinh tế VN được phơi bày thêm nữa và khả năng sẵn sàng tăng tốc của nền kinh tế VN không bằng với các nền kinh tế khác trong khu vực (trừ Lào).
Thanh Hoa - Trường Giang
Lao Động
|