Lãi suất huy động vàng… hạ nhiệt
So với lãi suất vay vàng hiện được các ngân hàng áp dụng mức phổ biến 5 - 6%/năm thì áp lực lãi vay tiền đồng có cao hơn, nhưng đảm bảo được rủi ro.
Sau một thời gian giá vàng duy trì ở mức khá cao, trên dưới 21 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư không thấy cơ hội trong việc vay vàng bán kiếm chênh lệch và lo ngại rủi ro trước xu hướng giá vàng biến động mạnh…, khiến nhiều ngân hàng bắt đầu cắt giảm sâu lãi suất huy động vốn bằng vàng, thay vì tăng mạnh ở kỳ hạn ngắn ngày như cách đây 2 tháng.
Cụ thể, từ ngày 22/7, VietA Bank giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm vàng trung bình từ 0,4%/năm đến 0,5%/năm. Theo đó, kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,6%/năm xuống còn 4,2%/năm; kỳ hạn 6 - 18 tháng giảm từ 4%/năm xuống còn 3,5%/năm. VietA Bank là một trong những ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi bằng vàng cách đây khoảng 3 tháng khi giá vàng trên đà tăng từ 20 triệu đồng lên trên 21 triệu đồng/lượng, với mục đích hút vàng để đáp ứng nhu cầu vay của nhà đầu tư. Chính vì lý do này, VietA Bank đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi bằng vàng trong thời gian qua. Song theo một cán bộ cấp cao của VietA Bank, nhu cầu vốn bằng vàng đang có dấu hiệu giảm lại.
Mức cao nhất đối với lãi suất huy động vốn bằng vàng tại OCB hiện nay là 4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Riêng kỳ hạn ngắn ngày, OCB chỉ áp dụng lãi suất ở mức tương đối: 2 tháng là 2,9%/năm; 3 tháng là 3,4%/năm… Đối với một số ngân hàng như: SCB, Southern Bank vẫn duy trì lãi suất huy động vốn bằng vàng ở mức cao nhất tính đến ngày 23/7 là 4,6%/năm cho kỳ hạn 3 - 4 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ). Tuy nhiên, theo nhận định của tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM, việc giảm lãi suất tiền gửi bằng vàng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Lý do vị tổng giám đốc trên đưa ra là trong bối cảnh giá vàng đang duy trì ở mức khá cao hiện nay, nhà đầu tư cũng nhận thức được rủi ro khi vay vốn bằng vàng. Bởi thị trường đã chứng minh nguy cơ quay đầu của vàng khi giá tăng cao là điều khó tránh. Do đó, vay vàng từ ngân hàng đem ra thị trường bán kiếm chênh lệch lợi nhuận lúc này là rất nguy hiểm. Mặt khác, lãi suất vay vốn bằng vàng đã gia tăng kể từ khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất đầu vào, cộng với biến động khó lường của thị trường buộc người có nhu cầu vay vàng phải tính lại bài toán chi phí.
Hiện vàng cũng không còn được sử dụng làm công cụ thanh toán phổ biến trong mua - bán như trước, kể cả giao dịch bất động sản. Nếu có nhu cầu vốn để thanh toán trong mua - bán bất động sản, người tiêu dùng và nhà đầu tư chỉ chọn vay VND, thay vì vàng như trước đây. Vì vậy, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng giảm lãi suất tiết kiệm bằng vàng khi nhu cầu vốn của nhà đầu tư đối với mặt hàng kim loại quý này yếu dần.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho hay, đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, vay vàng để bán kiếm chênh lệch trong điều kiện hiện nay là rất rủi ro. Theo bà Cúc, khả năng vàng còn tăng giá trong thời gian tới, nhưng sẽ khó đột biến. Đồng thời, nếu so với lãi suất vay vàng hiện được các ngân hàng áp dụng mức phổ biến 5 - 6%/năm thì áp lực lãi vay tiền đồng có cao hơn, nhưng đảm bảo được rủi ro. Trong khi đó, nếu vay vốn bằng vàng, nhà đầu tư khó tránh được rủi ro biến động giá, cho dù trong thời gian ngắn.
Hiện mãi lực về vàng trên thị trường nội địa đang yếu dần. Bình quân PNJ chỉ bán ra khoảng 1.500 - 1.600 lượng/ngày, nhưng lượng vàng thu vào cũng ở con số tương đương. Mặc dù giá vàng trên thế giới tăng, song nếu quy đổi theo tỷ giá hối đoái, nhất là tỷ giá ngoài thị trường tự do thì giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 700.000 đồng/lượng. Với mức giá 21,18 triệu đồng/lượng (ngày 23/7), các nhà phân tích cho rằng, vàng đã vượt ngoài vùng mua, nhưng sẽ khó xuống dưới 900 USD/ounce.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|