Thứ Sáu, 10/07/2009 16:05

California: Nỗi lo thiếu hụt ngân sách

Trong khi bang California thiếu tiền phải đi vay nợ, TP Los Angeles hào phóng chi 1,4 triệu USD cho lễ tang của Michael Jackson, trong đó phần trả tiền công ngoài giờ cho 4.173 cảnh sát giữ gìn trật tự hết 1,1 triệu USD. Thị trưởng L.A còn khoe: rẻ, so dự tính ban đầu là... 4 triệu USD!

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein có định ra tranh cử thống đốc bang California vào năm tới hay không? Câu trả lời đúng nhất: bà chưa hề gật đầu và cũng không lắc đầu, cho hay mọi quyết định “tuỳ thuộc vào danh sách những người ra ứng cử và các kế hoạch cứu nguy ngân sách” cho bang nhà.

Trong trường hợp thấy những kế sách các ứng viên đưa ra không giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách và nợ nần mà bang từng nổi tiếng giàu có nhất nước Mỹ đang phải gánh chịu, lúc đó “có thể tôi sẽ ghi tên ứng cử”, bà Feinstein nói, dù biết quyết định đó sẽ tạo nên cơn sóng chính trị ở thủ đô Washington.

“Bang California của tôi đang gặp đầy sóng gió”, bà nghị sĩ có bề dày 18 năm kinh nghiệm sinh hoạt chính trường cấp quốc gia nói. “Thành ra tôi tin là năm tới những ai muốn ứng cử chức thống đốc đều phải có một kế hoạch hành động thật hợp lý để giúp bang vượt qua cơn sốt tiền bạc hiện nay”. Trợ lý của bà góp lời: “California đang thiếu chừng 24,3 tỉ USD, mới đây thống đốc bang dự tính vay liên bang 6 tỉ, mượn chỗ này chỗ khác thêm 2 tỉ để giải quyết những khoản chi tiêu cần thiết”. Cũng người phụ tá này nói thêm, “Từ hôm 1.7 đến giờ, California không có tiền, phải ký giấy thiếu nợ”.

Thiếu hụt ngân sách đang là mối lo của các vị thống đốc Mỹ, chứ chẳng riêng gì ông thống đốc Arnold Schwarzenegger của bang California. Thống kê mới nhất cho thấy 47/50 bang của Mỹ đang thiếu tiền, vì suy thoái kinh tế nên thất nghiệp tăng, dân chúng bớt tiêu xài, giá nhà xuống thấp… nên số thuế thu nhập hàng năm đương nhiên phải giảm, trong lúc vẫn phải hoàn tất nhưng đề án thực hiện dang dở và tiếp tục cung cấp nhu cầu hàng ngày cho dân. Riêng California tình trạng còn tệ hơn, vì luật của bang quy định muốn thông qua ngân sách hàng năm phải có 2/3 đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành. Đây là trở ngại cho bang, vì cả ông thống đốc Cộng hoà lẫn các đại biểu Dân chủ không tìm được điểm đồng thuận để thông qua ngân sách cho tài khoá năm tới.

“Chính điều đó khiến người dân California nghĩ bà Feinstein nên trở về tranh chức thống đốc”, ông cố vấn Bill Carrick của bà chia sẻ. Bằng chứng ông Carrick và nhiều nhà quan sát chính trị ở Washington D.C. nói đến là những cuộc thăm dò do giới truyền thông California thực hiện, kết quả cho thấy “uy tín cũng như cảm tình dân chúng dành cho bà trội hơn các chính trị gia tên tuổi của California”.

Điều đó cũng khiến bà bỗng dưng trở thành “đề tài” cho những câu chuyện được nói đến trong các phiên họp của ban điều hành đảng các cấp.

Trong quá khứ, bà Feinstein từng nuôi mộng thống đốc California. Sau 2 nhiệm kỳ thị trưởng San Francisco, bà bỏ gần 3 năm để sửa soạn cho cuộc tranh cử 1990. Được đảng Dân chủ đề cử, nhưng bà thua ứng viên Cộng hoà Pete Wilson ở cuộc đua cuối. Hai năm sau, bà nắm bắt cơ hội tranh cử ghế thượng nghị sĩ liên bang và giữ vị trí này cho tới nay.

Hầu hết - nếu không muốn nói là tất cả - nhân viên thân cận với bà đều nghĩ chuyện ra tranh cử thống đốc “là chuyện không thể xảy ra”, dựa vào lý do bà nghị sĩ đang giữ những chức vụ quan trọng trong chính trường. Vào website riêng của bà thấy ngay một danh sách dài các vai trò của bà ở nghị trường, trên cùng là chức chủ tịch uỷ ban Tình báo, kế đến chủ tịch một tiểu ban chuẩn chi ngân sách, mỗi năm quyết định hàng trăm tỷ bạc cho Nhà Trắng chi tiêu. Ngoài ra, bà còn là thành viên cấp cao của uỷ ban Tư pháp, giữ một trong những lá phiếu quyết định ủng hộ hay chống đối những ai được tổng thống Barack Obama đề cử làm thẩm phán tối cao pháp viện.

Chính bà dân biểu Anna Eshoo của California cũng nghĩ “chắc bà Feinstein không tranh cử thống đốc đâu”, vì “không ai dại gì bỏ những quyền lực chính trị mà bà ta đang nắm giữ”. Dân biểu Cộng hoà David Dreier - cũng của California - đồng tình, cho rằng bà đã mất gần 20 năm mới có được thế lực như bây giờ, tự dưng bỏ hết để làm lại từ đầu thì vô lý quá. Một vị dân cử khác đưa thêm một yếu tố quan trọng khác: “Năm nay bà đã 77 tuổi rồi, không phải tuổi để bắt đầu học việc thống đốc”.

Liệu đến bao giờ bà sẽ có câu trả lời cuối cùng? “Tôi không định cho mình thời hạn phải quyết định có tranh cử thống đốc hay không”, bà nói. Chiến lược gia Darry Sragow, người hoạch định kế hoạch tranh cử cho bà trong 20 năm qua, phụ hoạ: “Có lẽ bà đợi đến phút cuối mới quyết định được”.

Nguyên Đức (Washington, D.C)

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Nhật Bản: Nguy cơ giảm phát sâu hơn do giá bán sỉ sụt giảm (10/07/2009)

>   Tuynidi có khả năng thoát khỏi khủng hoảng KT vào năm 2010 (10/07/2009)

>   Braxin tăng cường đầu tư tại Cuba (10/07/2009)

>   Trung Quốc kêu gọi đa dạng hóa đồng tiền dự trữ (10/07/2009)

>   Kinh tế Nga có thể tăng trưởng 1% năm 2010 (10/07/2009)

>   Viễn cảnh tươi sáng hơn cho kinh tế thế giới (10/07/2009)

>   Mỹ chấn động bởi vụ lừa đảo vay thế chấp 100 triệu USD (10/07/2009)

>   Vòng đàm phán Đôha sắp được nối lại (10/07/2009)

>   Suy thoái Đức có thể đã kết thúc trong quý 2 (10/07/2009)

>   EC điều tra về độc quyền với dược phẩm (09/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật