Bình luận:G8 mờ nhạt vai trò
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) dường như đang phải trải qua cơn chấn động không kém gì trận động đất kinh hoàng cách đây 3 tháng tại đúng nơi nhóm này tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh - thành phố La-ki-la (I-ta-li-a) khi thế giới ngày càng nhận ra rằng, khả năng đối phó, giải quyết các vấn đề nóng trên toàn cầu của G8 là rất hạn chế. Thậm chí có luồng quan điểm còn khẳng định, cơ cấu này không còn phù hợp.
G8 sinh ra như một sự đồng thuận về kinh tế và sau đó trở thành một diễn đàn chính trị để thảo luận các vấn đề chính của thế giới, trong đó kinh tế là chủ đề số một. Nhưng tình hình trong những năm gần đây cho thấy, các quyết định được G8 đưa ra rốt cục chỉ mang tính hình thức. Và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ G8 không còn là "người khổng lồ" thế giới về kinh tế như trước. Cách đây vài năm, G8 đại diện cho 70% GDP toàn cầu, nhưng nay chỉ còn chiếm 55%. Đây là một trong những dấu hiệu thể hiện G8 đang tuột mất dần vai trò trong nền kinh tế và phải chia sẻ diễn đàn với các nền kinh tế đang phát triển khác, để giải quyết những khó khăn của thế giới và của chính họ.
Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ - cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của những nền kinh tế mới như Bra-xin, Ấn Độ hay Nam Phi cho thấy cán cân kinh tế toàn cầu đã nghiêng về phía Đông - Nam . Do đó, G8 không còn là cơ cấu thích hợp để giải quyết các vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu về môi trường, thương mại, tài chính quốc tế nếu thiếu sự đóng góp của những nền kinh tế mới nổi.
Trong khi đó, với vị thế ngày càng được nâng cao, những nước đang trỗi dậy chắc chắn không chấp nhận đến hội nghị chỉ với tư cách là "khách mời" của các quốc gia giàu có đang bị khủng hoảng. Họ muốn ngồi vào bàn thương lượng với tư cách là những nhân vật chính. Và đó là lý do tại sao có tiếng là 3 ngày hội nghị, song thực chất Hội nghị G8 chỉ diễn ra trong đúng một ngày (8-7), hai ngày còn lại dành cho các Hội nghị G8 và G5 (Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin , Nam Phi và Mê-hi-cô), Hội nghị G8+5 và các nước châu Phi cùng các cuộc thảo luận mở rộng khác.
Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước hàng loạt thách thức, rõ ràng việc tăng cường đối thoại bình đẳng và hợp tác cùng có lợi giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi nhằm giải quyết những vấn đề nóng bỏng và khó khăn của thế giới, đang trở thành đòi hỏi bức thiết. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là, trong một cơ cấu mở rộng với nhiều thành viên như G8+5 hoặc G20, việc tìm kiếm sự đồng thuận luôn là một trở ngại lớn.
Vì thế, trong vô số nội dung thảo luận trên bàn nghị sự, từ biến đổi khí hậu đến chương trình hạt nhân của I-ran và không phổ biến vũ khí hạt nhân... chỉ có một chủ đề được coi là bước đột phá tại hội nghị. Đó là các nước nhất trí phối hợp hành động để hoàn tất Vòng đàm phán Đô-ha về tự do hóa thương mại toàn cầu vào năm 2010. Song nhìn vào thực tế, để đi đến cái đích cuối cùng của vòng đàm phán kéo dài suốt gần 1 thập kỷ qua, các nước phát triển, các nước có nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển còn phải khỏa lấp nhiều khác biệt lớn về chính sách bảo hộ mặt hàng nông sản, các rào cản thương mại... để có thể thống nhất một quan điểm chung.
Đó là còn chưa kể tới những bất đồng liên quan tới các biện pháp nhằm đối phó với hàng loạt thách thức dài hạn của thế giới, như xóa đói giảm nghèo, kiềm chế bệnh tật, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực... Đây chính là những yếu tố gây tác động lớn tới quá trình phát triển bền vững của các quốc gia. Do đó, chỉ khi các cường quốc giải quyết thành công những thách thức này mới đủ sức thuyết phục rằng, một cơ cấu hợp tác rộng hơn G8 là phù hợp.
Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại I-ta-li-a đã không đạt được nhiều kết quả cụ thể như mong đợi, tuy nhiên thế giới hy vọng đây sẽ là bước đệm để các quốc gia với vai trò kinh tế chủ đạo tiến tới sự hợp tác toàn diện hơn tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi (G20) vào tháng 9 tới ở thành phố Pít-xbớc (Mỹ). Điều này không chỉ kiến tạo một mặt bằng mới cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác Nam - Bắc một cách bình đẳng, cùng có lợi mà còn mang lại cơ hội ổn định mới cho thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng.
Lâm Phương
Hà Nội mới
|