Thứ Năm, 11/06/2009 10:10

Thế giới: Vàng sẽ "ăn theo" lạm phát?

Có thể nói, tuần đầu của tháng 6 đã chứng kiến sự chuyển biến đáng kể của giá vàng thế giới. "Sóng gió" đã trở lại sau khi giá kim loại quý này có một thời gian khá dài biến động yếu trong tháng 4 và tháng 5. Triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới hết sức rõ ràng là một nguy cơ tiềm ẩn lạm phát nên có thể sẽ tạo đà cho thị trường vàng tăng trưởng trong dài hạn.

Ngày 01/6, General Motor đã phải xin nộp đơn bảo hộ phá sản. Bất chấp vụ việc trên, các số liệu về kinh tế Mỹ công bố trong tuần qua vẫn rất lạc quan như chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2009 đã tăng lên 42,8 điểm.

Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008; chỉ số năng suất lao động (không tính ngành nông nghiệp) tăng mạnh- khoảng 1,6% trong quý I/2009, gấp đôi so với dự báo 0,8% trước đó và vượt xa mức âm 0,6% của quý IV/2008; số đơn đặt hàng tại các nhà máy trong tháng 5 đã tăng 0,7% so với tháng 4 do nhu cầu mua ôtô, thiết bị điện tử, máy móc xây dựng cùng tăng.

Bên cạnh đó, chính sách cắt giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập thấp đã phát huy tác dụng.

Theo công bố của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tháng 5 giảm 345.000 so với tháng 4, xuống còn 621.000 người. Tính đến ngày 23/5/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ là 6,74 triệu.

Chính phủ Mỹ cũng đã công bố đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ bản. Mức đầu tư trong lĩnh vực xây dựng trong tháng 4/2009 tăng 0,8% so với tháng 3/2009.

Trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã cảnh báo rằng, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tác động tới các tài sản tài chính của Mỹ, đồng thời sẽ làm cho lãi suất thêm căng thẳng.

FED sẽ từng bước mua lại trái phiếu Chính phủ, chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản nhằm ngăn chặn lãi suất cho vay có chiều hướng gia tăng, gây bất lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Châu Âu: Giữ nguyên mặt bằng lãi suất trong tháng 6

Ngày 4/6, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất đồng Euro ở mức 1%/năm trong tháng 6 và khẳng định không có kế hoạch tạo thanh khoản cho các tài sản xấu thông qua một chương trình tương tự như TARP của Bộ Tài chính Mỹ.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 0,5%/năm. Đây là lần thứ ba trong 3 tháng qua lãi suất cơ bản được giữ nguyên. BoE cũng cho biết sẽ tiếp tục chương trình mua lại các tài sản từ ngân hàng, doanh nghiệp trị giá 125 tỷ Bảng Anh để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trung Quốc: Gói kích cầu phát huy tác dụng

Gói kích cầu 585 tỷ đôla của Chính phủ Trung Quốc đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng tháng thứ ba liên tiếp. Nhập khẩu các loại hàng hóa cơ bản cũng tăng lên.

Hoạt động tín dụng của các ngân hàng tăng lên đã thúc đẩy sự khởi sắc của thị trường địa ốc và ôtô Trung Quốc. Chính phủ nước này đã dành số tiền tương đương 1,02 tỷ USD để trợ giá cho người dân ở khu vực nông thông mua ôtô và các thiết bị gia dụng.

Nhờ đó, trong vòng 4 tháng đầu năm nay, doanh số thị trường ôtô Trung Quốc đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Australia: Tăng trưởng GDP 0,4% trong quý I/2009

Nền kinh tế Australia cũng bất ngờ phát tín hiệu phục hồi . Theo Cơ quan thống kê Australia, GDP của nước này trong quý I/2009 đã tăng trưởng 0,4%, sau khi tăng âm 0,4% trong quý IV/2008. Mức tăng trưởng này đã vượt dự báo tăng trưởng âm 0,2% của giới phân tích đưa ra trước đó.

Ngân hàng Trung ương Australia vừa đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 3%/năm. Sau 6 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 9/2008, Ngân hàng Trung ương Australia tiếp tục giữ nguyên mặt bằng lãi suất trong 2 tháng gần đây.

Ấn Độ, Hàn Quốc: Thặng dư thương mại đạt thấp

Chính phủ Ấn Độ đã cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 4/2009 đã giảm 33,2% xuống 10,74 tỷ USD- mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/1995, từ mức giảm 33% trong tháng 3/2009. Nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 4 giảm 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 4 chỉ đạt 5,74 tỷ USD.

Bộ Kinh tế và Tri thức Hàn Quốc vừa cho biết, xuất khẩu của nước này trong tháng 5/2009 đã giảm 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 28,2 tỷ USD, từ mức giảm 19,6% trong tháng 4/2009.

Chứng khoán phố Wall

Trong tuần, Phố Wall đã duy trì đà tăng điểm để có tuần giao dịch thành công thứ ba liên tiếp. Các tin tốt, xấu lẫn lộn vẫn tiếp tục tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Thông tin đáng chú ý nhất diễn ra ngay ngày đầu tuần khi General Motor nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Tuy nhiên, niềm lạc quan đối với triển vọng kinh tế Mỹ trong tương lai vẫn là xu thế chủ đạo quyết định đến việc tăng lượng mua của giới đầu tư trong tuần qua và là động lực chính giúp thị trường phố Wall tăng điểm.

Chứng khoán Châu Âu

Chứng khoán Châu Âu tiếp tục duy trì được đà tăng điểm trong tuần này nhờ sức kéo từ cổ phiếu khối năng lượng và khai thác mỏ. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số FTSE của Anh đang ở mức 4446.25 tăng 1.35% . Tại Pháp, chỉ số CAC40 đang ở mức 3333.89 tăng 0.66% và ở Đức, chỉ số DAX đang ở mức 5076.79 tăng 0.24% với 5,504,998 cổ phiếu đã giao dịch thành công. Chỉ số chứng khoán châu Âu FTSEurofirst 300 tăng 0,6% lên 871,75 điểm.

Chứng khoán Châu Á

Trong tuần này, những phiên tăng điểm liên tiếp của chỉ số Nikkei 225 là tâm điểm chú ý của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Châu Á. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số này đã tăng 2,5% lên 9768,01 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 10.2008. Các chỉ số chứng khoán trên các thị trường khác đều giữ được đà tăng điểm nhẹ so với tuần trước, khép lại một tuần giao dịch thành công cho thị trường chứng khoán khu vực Châu Á.

Như vậy, hiện nay thị trường chứng khoán thế giới đã cho thấy những tín hiệu phục hồi vững chắc đến từ hoạt động mua vào tích lũy của các nhà đầu tư dài hạn. Đà lên trung hạn hiện đang rất mạnh biểu thị khả năng tăng trưởng bền vững của toàn thị trường. Nhiều khả năng, triển vọng phục hồi kinh tế thế giới càng củng cố cho đà tăng điểm này tiếp diễn trong tuần tới.

Vàng: Quay đầu giảm giá

Tuần đầu tiên của tháng 6 ghi nhận những đợt biến động mạnh mẽ của giá vàng với những phiên trồi sụt lên xuống. Khép lại một tuần giao dịch giá vàng giao ngay giảm 25,8 USD/oz (2,5%) so với tuần trước, còn 955,6 USD/oz.

Trước việc giá vàng có tuần điều chỉnh giảm đầu tiên sau 1 tháng tăng giá liên tục, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã có động thái mua vào 15,27 tấn trong ngày 1/6. Mặc dù lượng vàng của quỹ này mua vào là rất lớn nhưng không đủ sức kéo thị trường vàng đi lên.

Có thể nói, tuần đầu của tháng 6 đã chứng kiến sự chuyển biến đáng kể của giá vàng thế giới. "Sóng gió" đã trở lại sau khi giá kim loại quý này có một thời gian khá dài biến động yếu trong tháng 4 và tháng 5.

Do giá vàng và giá USD có mối quan hệ mật thiết với nhau nên những biến động trên thị trường ngoại hối sẽ có tác động mạnh lên diễn biến trên thị trường kim loại quý. Vào thời điểm hiện tại, đồng USD luôn thể hiện sự biến động bất thường với những phiên điều chỉnh tăng giảm liên tục nên có thể dự báo trong thời gian tới giá vàng sẽ có những biến động lên xuống xen kẽ như vậy trong thời gian trước mắt.

Mặt khác, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới hết sức rõ ràng là một nguy cơ tiềm ẩn lạm phát nên có thể sẽ tạo đà cho thị trường vàng tăng trưởng trong dài hạn.

Thị trường dầu mỏ: Tiếp tục tuần lên giá mạnh mẽ

Tuần này, giá dầu tại New York tăng 3,2%, chốt ở mức 68,44 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, mức tăng này đã thấp hơn mức 7,5% trong tuần trước. So với thời điểm đầu năm, hiện giá dầu ngọt nhẹ đã tăng 53%. Giá dầu tăng là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang tin tưởng vào triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều nỗi lo, đặc biệt là rủi ro lạm phát trở lại.

Sự phục hồi của giá dầu thế giới thời gian qua được lý giải bằng những thông tin kinh tế sáng lên và sự suy yếu của đồng USD. Trong đó, đáng kể đến là sự phục hồi của những nền kinh tế mới nổi được coi là tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Do đó, trong dài hạn, giá dầu có thể được đẩy lên bởi nhu cầu từ các nền kinh tế này và những khó khăn trong vấn đề gia tăng sức cung dầu của thế giới. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu trong tuần tới dầu vẫn tiếp tục đà tăng giá.

Đông đô-la Mỹ: Tăng giá

Đầu tuần này, giá của USD so với Euro đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm tới nay do mức thâm hụt ngân sách cao của nước Mỹ làm thị trường e sợ triển vọng tín nhiệm nợ hạng AAA hiện nay của nước này sẽ bị đánh tụt.

Tuy nhiên, những thông tin tích cực hơn từ Mỹ đã khiến nhà đầu tư bớt lo ngại hơn về triển vọng kinh tế nước này và kéo đồng USD lên giá. Kết thúc phiên, tỷ giá USD là gần 1,40 USD đổi được 1 Euro, tăng 1,4% so với tuần trước.

Trước những tín hiệu mới của nền kinh tế, nhiều khả năng đồng USD sẽ dần khôi phục lại vị thế vốn có của mình.

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Tại sao dệt may TQ khuynh đảo Âu châu? (11/06/2009)

>   Xuất khẩu dệt của Ấn Độ mất lợi thế cạnh tranh (11/06/2009)

>   Lo lắng lãi suất cho vay tăng cao đẩy Phố Wall trượt nhẹ (11/06/2009)

>   CK châu Âu tiếp tục tăng 1.2%  (11/06/2009)

>   Wells Fargo không vội rút khỏi TARP  (10/06/2009)

>   Hạ viện Mỹ điều tra vụ BoA mua lại Merrill Lynch (10/06/2009)

>   Giá bán lẻ xăng dầu ở nhiều nước tăng mạnh (10/06/2009)

>   Khủng hoảng có "xé toạc" châu Âu? (10/06/2009)

>   Công nghiệp thực phẩm Mỹ bị “tố” (10/06/2009)

>   IMF: Châu Phi cần 2,5 tỷ USD để đối phó với suy thoái KT (10/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật