Thứ Năm, 11/06/2009 10:06

Tại sao dệt may TQ khuynh đảo Âu châu?

Các công ty may mặc đang dần phá sản. Những nhà máy sản xuất quần áo thường là để xuất khẩu, còn thị trường trong nước đã bị hàng Trung Quốc “chinh phục”. Đó là hiện trạng ngành dệt may ở châu Âu ngày nay, cũng không khác mấy so với tình hình của dệt may Việt Nam.

EU thực sự kinh hoàng trước làn sóng hàng Trung Quốc kể từ năm 2005, là năm hệ thống hạn ngạch hàng dệt may toàn cầu chấm dứt theo quy định của WTO. Ngay trong hai tháng đầu năm 2005, đã có tới 913 triệu đôi bít tất tràn vào EU, tức là gấp 57 lần so với cùng kỳ năm 2004. Đồng thời, lượng áo phông Trung Quốc trong các cửa hiệu trên toàn EU tăng… 187%!

Trước đó, trong giai đoạn 1990-2001, EU đã mất 850.000 việc làm và vài nghìn doanh nghiệp trong ngành dệt may bị phá sản vì hàng Trung Quốc, cường quốc xuất khẩu hàng dệt may hàng dầu thế giới.

Tại các quốc gia thành viên Liên hiệp Châu Âu, có tổng cộng chừng 2,7 triệu nhân công làm trong ngành này, đa số trong đó là phụ nữ. Một tỷ lệ đáng kể trong số đó hiện vẫn bị đe dọa bởi tệ thất nghiệp, do các doanh nghiệp nơi họ làm việc luôn có nguy cơ phá sản trước sự “lấn sân” ồ ạt hàng dệt may Trung Quốc.

Nhiều người đã tự đặt câu hỏi: Tại sao sản phẩm của Trung Quốc lại “rẻ đến bất ngờ” như vậy? Đành rằng nhân công ở châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng rẻ mạt hơn rất nhiều so với các nơi khác trên thế giới; nhưng không thể có chuyện hàng hóa họ tung ra thị trường lại có giá thấp hơn cả giá của chất liệu làm ra nó.

Vậy, đằng sau các mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu và ra thị trường thế giới là những “mánh khóe” gì?

Giá rẻ nhờ nhập lậu

Một “chiêu” điển hình mà giới thương nhân Trung Quốc hay làm là lợi dụng việc nhiều nước là thành viên EU, để sử dụng hệ thống thuế nhập khẩu thống nhất của châu Âu.

Thêm vào đó là “chiêu thức” muôn thuở: nhập lậu, trộn hàng lậu với hàng chính ngạch để bán. Chúng ta thử xem xét một thị trường cụ thể mà hàng dệt may Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” với những cách rất điển hình, đặc trưng cho cách họ làm để “thôn tính” cả dệt may châu Âu. Đó là Cộng hòa Hungary.

Trong số các nước mới gia nhập EU, Hungary có cộng đồng người Trung Quốc, người Hoa đông đảo nhất. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng coi Hungary là nơi đến, là “bệ phóng” của họ, và hơn thế, còn là quốc gia trung chuyển hàng Trung Quốc sang các nước khác ở cả Đông và Tây Âu.

Hàng nhập khẩu sang Hungary thường phải đi qua các nước thứ ba như Luxemburg hay Áo. Tại kho để hàng tạm thời - hoàn toàn miễn thuế - chờ vào Hung, người ta “biến” giá của mặt hàng nhập khẩu thấp đi: một đôi giày với giá gốc là 10 USD có thể đến Hung với giá chỉ còn 2-5 USD bằng con đường này.

Không dễ gì có thể phát hiện ra cách trốn thuế “tài tình” đó, vì tất cả hàng hóa nhập vào Hung vẫn có hóa đơn và các thủ tục nhập khẩu khác đàng hoàng. Một xe tải hàng vào đến Hung, hải quan và thuế vụ của Hung xem trên hóa đơn thấy số giày nhập có tổng giá trị là 20.000 USD, chứ họ đâu có biết một xe tải chở giày như vậy sẽ tung ra thị trường bao nhiêu đôi giày và sẽ có tác động thế nào đến nền kinh tế của đất nước họ? Đây có thể được coi là một vấn đề bức xúc trong nền kinh tế thời mở cửa của Đông Âu hiện tại.

Giá rẻ nhờ trốn thuế, hạ lương

Việc hàng loạt nhân công người Hung, Romania, v.v... bán hàng hay làm việc cho các doanh nghiệp Hoa trái pháp luật cũng rất đáng nói ở đây. Ví dụ điển hình là người làm thuê thường nhận được lương cố định mà chủ trả “tận tay”. Như vậy nghĩa là người tuyển dụng lao động không hề phải trả thuế thu nhập, cũng như các khoản bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm sức khỏe cho nhân công họ thuê.

Điều này đối với luật lao động ở châu Âu là không thể chấp nhận được. Một doanh nghiệp châu Âu luôn phải chi rất nhiều tiền cho nhân công, từ lương tới phúc lợi xã hội, bảo hiểm… Trong khi đó, nhân công Trung Quốc làm việc gấp năm bảy lần mà chi phí cho họ lại chỉ được phản ánh rất thấp trong giá sản phẩm.

Đây chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu về cách trốn thuế giữa hàng trăm hàng ngàn cách thức "lừa" khác nhau, cũng đặc sắc, đa dạng như chính mẫu mã hàng hóa mà người Trung Quốc xuất khẩu đi khắp nơi trên thị trường thế giới.

Những nhà sản xuất bản địa phải làm gì với hàng lậu đây? Không thể dự tính được có bao nhiêu áo quần, giày dép và tất nhiên là cả những sản phẩm hàng điện tử được đưa vào các nước EU theo con đường trốn thuế nhập khẩu cũng như các loại thuế khác.

Thực ra điều đáng trách đâu phải chỉ ở người Trung Quốc? Thiết nghĩ đã là thương trường, đã là kinh doanh, thì chẳng đâu là không có cạnh tranh, lừa lọc dù ít, dù nhiều. Điều quan trọng và câu hỏi được đặt ra ở đây là, các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của nước sở tại làm gì để ngăn chặn nó, hay chính họ cũng vì đồng tiền mà bịt mắt làm ngơ?

Những chủ doanh nghiệp nói quần áo Tàu rẻ còn vì bên cạnh chi phí rẻ hơn ở các nước khác, họ sản xuất hàng loạt được hàng triệu thành phẩm và lợi dụng những chất liệu có thể tái sử dụng của châu Âu.

Và người tiêu dùng thì luôn thực tế

Fu Qing Shui, một thương nhân người Hoa, phát biểu: “Theo tôi, các mặt hàng Trung Quốc hoàn toàn không có ảnh hưởng quá lớn đến ngành dệt may của châu Âu. Thực chất là người dân nước nào có mức lương bình quân quá thấp thì họ sẽ tìm đến các mặt hàng vừa túi tiền để mua, tức là hàng càng rẻ thì càng chạy”.

Tại Đông Âu, khoảng 20% hàng quần áo là “made in China”. Đa số các cửa hiệu chỉ có thể cạnh tranh đôi chút với thương nhân người Hoa nếu chấp nhận “đại hạ giá”. Hàng dệt may và da giày đến từ Trung Quốc là nguyên nhân làm cho rất nhiều hệ thống cửa hàng của nước bản địa phải đóng cửa, từ giã thương trường.

Tuy nhiên, điều này không khiến người tiêu dùng quan tâm: đối với họ, hàng giá rẻ nhiều khi được họ chấp nhận, bất kể chất lượng tồi. Nhất là với những người thu nhập thấp hoặc trung bình, một khi hàng dệt may, da giày nội địa đã bị đánh bại, thì hàng Trung Quốc trở thành lựa chọn duy nhất. Họ có thể sắm một bộ đồ hàng hiệu để vận vào những dịp quan trọng, trong khi đó, mua tới 10 bộ quần áo Trung Quốc để mặc vào các ngày bình thường, khi đi làm, đi chợ, đi chơi, v.v…

Nói cho đúng thì những khẩu hiệu kiểu “người X. dùng hàng nước X” khó mà thuyết phục được người tiêu dùng châu Âu, nhất là người có thu nhập từ trung bình trở xuống. Họ chỉ tính toán sao cho phù hợp với ví tiền thực tế của họ mà thôi.

Ông Major István, một quan chức thuộc Phòng Ngoại thương (Bộ Ngoại giao Hungary), nhận định: “Nếu nhìn theo khía cạnh của người tiêu dùng, cần phải nhập khẩu càng nhiều hàng Tàu vừa rẻ, vừa chất lượng càng tốt.

Nhưng nếu nhìn trên phương diện của người sản xuất, thiết nghĩ cần phải có một biện pháp ngăn chặn thích hợp đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu như chỉ trong vòng một tháng mà hàng nhập khẩu tăng đến 5-6 lần”.

Và ông tỏ ra rất bi quan: “Tôi hoàn toàn không ảo tưởng, rằng với một biện pháp ngăn chặn hàng nhập khẩu như hiện nay, chúng ta có thể bảo vệ được các nhà sản xuất ttrong việc cạnh tranh với hàng Tàu”.

Có thể ông István sẽ càng ngày càng bi quan hơn, khi các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ xuất khẩu hàng ồ ạt vào châu Âu, mà còn đang thực hiện chiến lược mua lại hầu hết các cơ sở nội địa – vốn đang khốn đốn vì họ - và rồi trở thành những nhà đầu tư đầy thế lực.

EU chống chọi ra sao?

Với 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực dệt may, đây là một ngành có tầm quan trọng then chốt của EU. Nếu để 2,7 triệu nhân công phải chịu cảnh thất nghiệp thì thật là điều không thể chấp nhận đối với EU, và họ không thể không bảo vệ thị trường.

Chính giới EU nhìn chung vẫn không muốn quay trở lại thời kỳ ngăn sông cấm chợ, bảo hộ thị trường bằng hạn ngạch (quota). Thay vì thế, họ muốn duy trì cạnh tranh, nhưng phải là cạnh tranh lành mạnh. Họ đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu vào EU phải tuân thủ các yêu cầu: đảm bảo quyền lợi của người lao động, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tuân thủ luật sở hữu trí tuệ, cấm các sản phẩm được làm ra bởi trẻ em, tù nhân hay lao động cưỡng bức.

Tháng 6/2005, Ủy ban châu Âu đại diện cho tất cả các nước thành viên ký với Trung Quốc một thỏa thuận, theo đó, cho tới cuối năm 2008, EU có quyền kiểm tra và hạn chế một số chủng loại sản phẩm dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc (được coi là chiến lược đối với các nhà sản xuất tại EU, nhưng lại chiếm tỷ trọng nổi bật trong tổng xuất của Trung Quốc), nếu không, họ sẽ tự động có cơ chế tự vệ.

Đàm phán diễn ra căng thẳng và cuối cùng thỏa thuận được ký chỉ ít ngày trước thời hạn “tối hậu thư” mà EU đưa ra cho Trung Quốc.

Thêm vào đó, EU tiến hành các chính sách vận động người dân tin tưởng vào chất lượng của hàng hóa nội địa, xem nhãn hiệu “sản xuất tại châu Âu” như là một sự đảm bảo cho chất lượng hàng hóa. Họ tin rằng chất lượng có thể là một con bài mà nhờ nó, EU sớm muộn cũng sẽ chiến thắng.

Thương hiệu Paul&Shark (ảnh trên) chẳng hạn, các sản phẩm thể thao của hãng này đã đi theo con đường ngược lại - từ châu Âu sang Trung Quốc - và là thương hiệu được ưa chuộng bậc nhất vào thời gian diễn ra Olympic Bắc Kinh 2008.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chút nào cho châu lục già khi phải đương đầu với một đối thủ nhiều khi cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp dệt may lớn của Trung Quốc được bảo hộ đủ kiểu, dưới đủ hình thức công khai và bán công khai, như được vay tiền Nhà nước với lãi suất rất thấp, hoặc không phải trả tiền điện.

Trung Quốc cũng tràn ngập hàng giả, hàng nhái, nhưng chính quyền vẫn cư xử “khoan dung” với những kẻ làm hàng giả, hàng nhái đó.

Đó là chưa kể, Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn thứ nhì của châu Âu, là thị trường trọng điểm cho nhiều mặt hàng từ châu Âu như máy móc công nghiệp, máy bay… Cho nên dù có muốn hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, EU cũng phải hết sức cân nhắc.

Và vì thế, “cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn…”, dai dẳng và đầy cam go.

LTS: Tại Đông Âu, khoảng 20% hàng quần áo là “made in China”. Hàng dệt may và da giày đến từ Trung Quốc là nguyên nhân làm cho rất nhiều hệ thống cửa hàng của nước bản địa phải đóng.

Chính giới EU hết sức quan ngại, đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải: đảm bảo quyền lợi của người lao động, chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tuân thủ luật sở hữu trí tuệ, cấm các sản phẩm được làm ra bởi trẻ em, tù nhân hay lao động cưỡng bức.

Ủy ban châu Âu đại diện cho tất cả các nước thành viên ký với Trung Quốc cho phép EU có quyền kiểm tra và hạn chế một số chủng loại sản phẩm dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, EU tiến hành các chính sách vận động người dân tin tưởng vào chất lượng của hàng hóa nội địa, xem nhãn hiệu “sản xuất tại châu Âu” như là một sự đảm bảo cho chất lượng hàng hóa. Họ tin rằng chất lượng có thể là một con bài mà nhờ nó, EU sớm muộn cũng sẽ chiến thắng.

Nguyễn Hoàng Linh (Hungary)

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu dệt của Ấn Độ mất lợi thế cạnh tranh (11/06/2009)

>   Lo lắng lãi suất cho vay tăng cao đẩy Phố Wall trượt nhẹ (11/06/2009)

>   CK châu Âu tiếp tục tăng 1.2%  (11/06/2009)

>   Wells Fargo không vội rút khỏi TARP  (10/06/2009)

>   Hạ viện Mỹ điều tra vụ BoA mua lại Merrill Lynch (10/06/2009)

>   Giá bán lẻ xăng dầu ở nhiều nước tăng mạnh (10/06/2009)

>   Khủng hoảng có "xé toạc" châu Âu? (10/06/2009)

>   Công nghiệp thực phẩm Mỹ bị “tố” (10/06/2009)

>   IMF: Châu Phi cần 2,5 tỷ USD để đối phó với suy thoái KT (10/06/2009)

>   Sinopec tiến hành đàm phán mua lại Addax (10/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật