KTVN nửa chặng đường 2009: Khôi phục tăng trưởng
Nền kinh tế đã đi qua nửa chặng đường kế hoạch năm 2009 với nhiều thách thức, khó khăn phải đối mặt. Dưới sự điều hành sát sao và linh hoạt của Chính phủ, đời sống kinh tế vận hành trôi chảy, từng bước ấm dần lên sau từng tháng.
Đó là đặc điểm nổi bật của nửa năm qua; đồng thời đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp phù hợp, hữu hiệu để vượt qua khó khăn phía trước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm...
Mức tăng thấp nhưng đáng ghi nhận
Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 6 tháng qua đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Với sự tăng trưởng GDP 6 tháng qua đạt 3,9% (quý I là 3,1%), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Hòa nhận xét, đây là mức tăng tuy thấp nhưng lại đáng ghi nhận bởi nó cho thấy sức vươn của nền kinh tế trong bối cảnh đầy thử thách, đồng thời cũng cho thấy nước ta là một trong rất ít nền kinh tế có tăng trưởng dương trên thế giới. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp thật sự có những bước khởi sắc trở lại sau khi gần như đóng băng trong một vài tháng quý I, với biểu hiện đáng mừng là tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tính chung, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đạt hơn 324 ngàn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực dịch vụ phát triển khá do nhu cầu của các đối tượng tăng cao trong xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là về du lịch, vận tải, viễn thông... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 547 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu xã hội. Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại cũng là một minh chứng cho sự hồi phục đà phát triển của nền kinh tế.
Tình hình xuất, nhập khẩu diễn ra trầm lắng, trong đó kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1%, do hầu hết sản phẩm xuất khẩu đều bị mất giá và sự co ngót về nhu cầu nhập khẩu của các bạn hàng. Tuy vậy, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu hiện có mức tăng mạnh như lương thực, cà phê, hạt tiêu... Trong đó đáng chú ý là gạo có xu hướng tăng giá, được nhiều đối tác đăng ký mua nên hứa hẹn kết quả khả quan. Hàng dệt may có dấu hiệu hồi phục nhanh, đã đạt kim ngạch 4 tỷ USD, chỉ giảm 1,3% so với cùng kỳ. Khoảng 70% doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và đối tác nước ngoài đang có xu hướng gia tăng việc ký hợp đồng. Dự báo, với tình hình từng bước cải thiện như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng dệt may sẽ tăng mạnh, nhất là đối với việc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sau khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực.
Cán cân thanh toán tổng thể chưa vững chắc
Nhìn chung, nền kinh tế vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, mà biểu hiện rõ nhất là sự trầm lắng trong xuất khẩu. Dù đã rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt ở mức thấp. Trong đó, xuất khẩu vào Hoa Kỳ giảm 7%, EU giảm 10%, các nước ASEAN giảm 6% bên cạnh sự giảm sút về kim ngạch xuất khẩu ở hầu hết thị trường khu vực khác như Đông Á, Nam Mỹ, Trung Đông…
Trước tình hình đó, Bộ Công thương đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 3% (là mức tăng rất thấp trong nhiều năm qua), tương đương gần 64,6 tỷ USD và như vậy 6 tháng cuối năm hoạt động xuất khẩu phải đảm nhận hơn 57% kế hoạch này. Một số chuyên gia dự báo, nếu không có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, liên tục cùng sự tháo gỡ khó khăn thì mục tiêu này vẫn khó đạt. Hơn nữa, nạn lạm phát lại manh nha trở lại, tình hình thiếu việc làm cùng sự hồi phục chưa bền vững của thị trường bất động sản cũng là mối quan ngại. Chính phủ nhận định, cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 chưa vững chắc, có thể tác động bất lợi tới các cân đối vĩ mô khác.
Về phía DN, những khó khăn, thách thức vẫn ở phía trước mặc dù phần lớn đơn vị đã đứng vững và duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc thiếu đơn hàng, giảm hợp đồng và mất thị phần cả ở trong nước và quốc tế đang đe dọa.
Trong một bình diện khác, vốn đầu tư nước ngoài cấp mới 6 tháng qua giảm cả về số dự án và vốn, với 306 dự án mới cấp phép thông qua số vốn đăng ký 4,7 tỷ USD, bằng 13,3% so với cùng kỳ. Tính chung, lượng vốn cấp mới và vốn điều chỉnh tăng thêm đạt 8,87 tỷ USD, bằng 22,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là lượng vốn thực hiện cũng giảm, với 4 tỷ USD được các dự án giải ngân, bằng 81,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lượng vốn trong dân đưa vào sản xuất, kinh doanh cũng giảm sút khi vốn mới đăng ký 6 tháng chỉ đạt 170 ngàn tỷ đồng, giảm 40%.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, trước thực tiễn nói trên và mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay, như Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp khôi phục đà tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, chính sách khuyến khích đầu tư được coi trọng, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và nhà ở giá thấp cho đối tượng thu nhập thấp đã được triển khai. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết chỗ ở; 60% học sinh, sinh viên được thuê nhà ở tại các dự án nhà ở trên địa bàn cả nước. Bộ Xây dựng đã lập tờ trình Chính phủ xem xét phê duyệt danh mục dự án đầu tư nhà ở cho sinh viên đợt 1 năm 2009 với tổng vốn gần 3.200 tỷ đồng...
Thường trực Chính phủ đã làm việc với các tập đoàn, tổng công ty lớn và chỉ đạo các DN đầu tư vào những dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng lớn. Các dự án thu hút nhiều việc làm để thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động được ưu tiên; đồng thời khuyến khích DN đầu tư các dự án, công trình có quy mô lớn, công trình hạ tầng quan trọng như cảng biển, điện, đường cao tốc, thủy lợi, trường học... Chính phủ chủ trương mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay vốn giúp DN tận dụng thời cơ đầu tư trang thiết bị, công nghệ, tăng năng lực sản xuất; mở rộng bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu thiết bị, dây chuyền sản xuất tạo tiền đề cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Một số kết quả phát triển KT-XH Hà Nội 6 tháng đầu năm
1. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) Hà Nội tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng thấp nhất trong những năm gần đây (năm 2008 tăng 10,9%, năm 2007 tăng 11,2%, năm 2006 tăng 11,2%).
2. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 3,9% so cùng kỳ, trong đó kinh tế nhà nước tăng 4,8% (kinh tế nhà nước TƯ tăng 5,4%, kinh tế nhà nước địa phương tăng 3%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 7,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,2%.
3. Vốn đầu tư phát triển đạt 11.782,3 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ, bằng 41,8% kế hoạch năm.
4. Thu hút thêm 120 dự án cấp mới và tăng vốn (giảm 25% so cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký là 512 triệu USD (giảm 57,3%).
5. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 48.507 tỷ đồng tăng 14,2%.
6. TP cấp đăng ký kinh doanh cho 9.350 doanh nghiệp, tăng 45% so cùng kỳ.
7. Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tăng 19,3% so cùng kỳ, trong đó bán lẻ tăng 19,5%.
8. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,12 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ.
9. Kim ngạch nhập khẩu hơn 8 tỷ USD, giảm 38,7% so cùng kỳ.
10. Hà Nội đón khoảng 518 nghìn lượt khách quốc tế (giảm 20,1% so cùng kỳ) và 3,564 triệu lượt khách nội địa (tăng 4%). Doanh thu khách sạn lữ hành tăng 17% so cùng kỳ do giá tua (chủ yếu là giá thuê phòng và dịch vụ vận chuyển) tăng.
Hồng Sơn
Hà Nội mới
|