Thứ Ba, 30/06/2009 06:24

Giá bán lẻ xăng dầu đang cao hay hợp lý?

Khi giá dầu thế giới lên mức cao nhất 147USD/thùng cách đây khoảng một năm thì giá bán lẻ xăng dầu là 19.000 đồng/lít. Nay, giá dầu thế giới ở quanh ngưỡng 70 USD/thùng, giá bán xăng là 13.500 đồng/lít mà các doanh nghiệp vẫn kêu lỗ. Vì sao?

Doanh nghiệp vẫn than lỗ

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá xăng bán lẻ trong nước đã có 4 lần điều chỉnh tăng với mức tăng tổng cộng là 2.500đồng/lít, tương đương tăng lên 22%. Đồng thời, thuế nhập khẩu xăng cũng được giảm tới 20%, từ mức kịch trần 40% xuống mức 20% hiện nay. Chưa kể, Bộ Tài chính cũng cho phép ngừng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu, ngừng trích tiền trả nợ ngân sách đã tạm ứng.

Thế nhưng, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn luôn luôn kêu lỗ.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam than thở, từ 10/6,  giá xăng dầu trong nước nhảy vọt lên 1.000 đồng/lít nhưng tính đến nay, doanh nghiệp vẫn “âm” nặng. Cụ thể, mặt hàng xăng đang lỗ 1.800 - 1.900 đồng/lít, dầu diesel lỗ 1.500 đồng/lít, dầu FO cũng lỗ trên 1.000 đồng/lít.

Tình trạng ảm đạm này diễn ra tương tự ở các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác. Đại diện Công ty Xăng dầu Quân đội cho hay, trong mỗi lít xăng bán ra “âm” tới gần 1.000 đồng/lít. Còn với Công ty Xăng dầu Đồng Tháp thì lỗ tới 1.500 đồng/lít.

“Thực chất, ở mỗi lần tăng giá trước, doanh nghiệp chỉ hòa vốn được trong một vài ngày. Sau đó, giá dầu thế giới lại nhích lên và doanh nghiệp lại rơi vào vòng luẩn quẩn, mang tiếng được tăng giá song lỗ vẫn hoàn lỗ”, đại diện Công ty Xăng dầu Petec nói.

Các doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt cho rằng, giá trong nước vừa qua đã bị kìm nén quá lâu, tăng chậm quá và không đủ bù lỗ giá vốn. Vì thế mới có nghịch lý: Tăng mạnh 1.000 đồng/lít nhưng vẫn không thấm vào đâu so với gánh lỗ của doanh nghiệp.

Nếu theo tính toán của các doanh nghiệp, giá xăng phải lên tới 15.500 đồng/lít mới tạm gọi là hòa vốn.

“Tăng giá mạnh như vậy, vừa gây sốc cho người tiêu dùng mà rốt cục, cũng không giúp cải thiện tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện Công ty Xăng dầu Quân đội đánh giá.

Sức ép tăng giá còn rất lớn

Nếu theo tỷ lệ giảm 50% của giá dầu thô hiện nay so với thời kỷ lục 147 USD/thùng, giá xăng trong nước sẽ chỉ khoảng 9.000 đồng/lít (giảm 1 nửa so với mốc giá 19.000 đồng/lít), thấp hơn 4.500 đồng so với mức hiện hành.

Ông Vương Thái Dũng thừa nhận, đúng là giá xăng dầu trong nước không giảm tương xứng với giá dầu thô thế giới.

Điều chủ chốt để lý giải cho sự không tương xứng trên là cơ chế giá xăng dầu đã thay đổi. Ở thời kỷ lục của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước vẫn được bù lỗ, còn nay cơ chế này đã chấm dứt và giá là theo thị trường.

Những yếu tố biến đổi dễ nhìn thấy nhất là chi phí đầu vào gồm các khoản phí, thuế xăng dầu ở Việt Nam hiện đã tăng lên nhiều so với thời đỉnh điểm của giá dầu thế giới.

Do đó, không thể so sánh giá của thời bù lỗ với giá theo thị trường ngày nay, ông Vương Thái Dũng nhấn mạnh.

Tháng 7/2008, khi giá dầu thô leo thang tới 147 USD/thùng thì thuế nhập khẩu đồng loạt các mặt hàng xăng dầu là mức 0%, phí xăng 500 đồng/lít.

Ông Dũng nói, khi đó, giá 19.000 đồng/lít tuy rất cao nhưng chỉ là giá ảo, không phản ánh đầy đủ giá thành. Nếu tính đúng, tính đủ, giá bán lẻ xăng phải vào khoảng 24.000 - 25.000đồng/lít. Nhà nước đã chấp nhận bù lỗ cho doanh nghiệp và cũng chấp nhận thất thu nguồn thuế xăng dầu.

Còn hiện nay, trong 1 lít xăng có hơn 30% phần thu cho ngân sách nhà nước, bao gồm thuế nhập khẩu xăng là 20%, phí xăng dầu đã tăng gấp đôi từ 500 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít. Tỷ giá VND/USD cũng đã tăng 200-300VND trên mỗi USD.

Một ví dụ khác, vào thời kỳ thuận lợi nhất (tháng 12/2008), giá dầu thô xuống thấp kỷ lục, chỉ có 42 USD/thùng, giảm 3,5 lần so với mốc tăng giá kỷ lục thì giá xăng bán lẻ trong nước chỉ hạ xuống 11.000đồng/lít, giảm 42% so với mốc giá 19.000đồng/lít.

Nguyên nhân giảm không tương xứng là bởi, thuế nhập khẩu xăng đã lên mức chót vót 40%.

Trong 2 tháng qua, giá dầu thô đã tăng 71%, từ mốc 42 USD/thùng lên mức trung bình 72 USD/thùng. Giá dầu thô trong 20 ngày qua có lúc chạm ngưỡng 79USD/thùng. 

Nếu giá dầu thế giới còn tiếp tục nhịp độ “nhích” dần  này thì đồng nghĩa, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ chìm sâu trong lỗ. Với bối cảnh này, thật khó để hi vọng rằng, các doanh nghiệp sẽ thôi không xin tăng giá như vừa qua.

Công cụ để giảm nhiệt thị trường hiện nay chỉ còn là giảm thuế hoặc trông chờ vào khả năng đi xuống của giá dầu thế giới. Không thể phủ nhận những cái khó của doanh nghiệp xăng dầu khi phải vận hành theo một cơ chế thị trường nửa vời.

Điều cấp thiết hiện nay là thị trường này cần có quan điểm điều hành nhất quán, nếu có phải tăng giá thì cần tránh như cú tăng gây sốc cho thị trường vừa qua.

Đại diện của Công ty Xăng dầu Quân đội cho rằng: "Nếu không được tăng giá, doanh nghiệp sẽ chồng chất khó khăn. Tâm lý chung hiện nay là các doanh nghiệp không muốn nhập nhiều hàng, vì càng bán nhiều thì càng lỗ nhiều. Tuy nhiên, vì phải giữ thị trường nên các doanh nghiệp vẫn phải chịu lỗ để duy trì kinh doanh."

Phạm Huyền

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Thép Trung Quốc đang chực vào Việt Nam (30/06/2009)

>   Quy hoạch vùng nguyên phụ liệu da giày (29/06/2009)

>   TPHCM không cần xây đường sắt nối đến cảng Cát Lái (29/06/2009)

>   Giá cà phê: nông dân cười, doanh nghiệp “mếu” (29/06/2009)

>   Tháng 7, khởi công NM nhiệt điện ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) (29/06/2009)

>   Diện tích cà phê trồng mới của Đắc Nông tăng mạnh (29/06/2009)

>   Cảnh giác với môi giới khi mua căn hộ (29/06/2009)

>   “CPI tăng không có gì đáng ngạc nhiên!” (29/06/2009)

>   Đắk Lắk: Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng (29/06/2009)

>   Nhận diện tiêu dùng (29/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật