Kinh tế Nga đang đối mặt làn sóng thứ hai của cuộc khủng hoảng
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg vừa kết thúc cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin nhận định thời điểm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái vẫn còn ở phía trước và nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với làn sóng thứ 2 của cuộc khủng hoảng, bởi những vấn đề phát sinh từ các khoản nợ xấu mà hệ thống ngân hàng nước này vướng phải do khối doanh nghiệp đang ngập chìm trong khó khăn.
Bình luận trên của ông Kudrin còn bi quan hơn cả phát biểu trước đó của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, cho rằng vẫn còn quá sớm để nâng cốc chúc mừng sự phục hồi kinh tế. Theo ông Kudrin, suy thoái kinh tế ở Nga vẫn chưa xuống đến đáy, và hiện cũng chưa rõ ràng về việc thời kỳ đen tối nhất sẽ kéo dài bao lâu. Ông cho rằng do những vấn đề phát sinh từ tình trạng nợ xấu, nước Nga sẽ không thể tránh khỏi làn sóng thứ 2 của cuộc khủng hoảng, nhưng vấn đề này vẫn có thể giải quyết được thông qua việc tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Theo báo cáo gần đây của cơ quan đánh giá tín dụng Moody's, tỷ lệ nợ chưa thực hiện tại Nga hiện chiếm 11% tổng danh mục đầu tư của các ngân hàng và con số này có thể sẽ tăng lên 20% vào cuối năm nay. Về vấn đề này, ông Medvedev cũng cảnh báo trong ngắn hạn, việc giải thoát các ngân hàng khỏi "núi" nợ xấu là thách thức lớn nhất đối với nước Nga và cả những nước khác. Ông khẳng định Nga sẽ sử dụng các phương thức khác, như bơm tiền nhà nước vào hệ thống ngân hàng để giải quyết vấn đề này, song ông phản đối việc thành lập "ngân hàng xấu" để "tiêu hoá" các tài sản như vậy.
Nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu hiđrô cácbon và các nguyên liệu thô, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn lốc suy thoái toàn cầu, và theo dự báo của chính phủ, GDP của Nga năm nay sẽ giảm từ 6-8% so với năm 2008. Nhiệm vụ trọng tâm của ông Medvedev và Thủ tướng Nga Vladimir Putin hiện nay là tránh cho nền kinh tế rơi vào cuộc suy thoái tương tự năm 1998, khi nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Kể từ cuối tháng 4 đến nay, Ngân hàng trung ương Nga đã 3 lần cắt giảm lãi suất nhằm kích thích sự phát triển của nền kinh tế và theo ông Kudrin nhiều khả năng lãi suất sẽ còn được giảm nữa trong bối cảnh lạm phát đang có chiều hướng suy giảm. Theo ông, nếu lạm phát xuống 10% thì đến giữa hoặc cuối năm nay, lãi suất sẽ có thể được hạ xuống 10%, so với mức 11,5% hiện nay.
Những dự báo về triển vọng kinh tế Nga chủ yếu dựa trên cơ sở giá dầu, hiện đang dao động quanh mốc 69 USD/thùng, sau khi rơi mạnh từ mức đỉnh trên 147 USD/thùng chinh phục được hồi tháng 7/09. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin cho rằng 75 USD/thùng là mức giá phải chăng để có thể duy trì các dự án sản xuất.
Phương Thảo (Theo AFP)
TTXVN
|