Kinh tế các nước Bắc Phi chỉ tăng trưởng 2,7% năm 2009
Theo báo cáo "Những triển vọng kinh tế ở các nước hồi giáo Bắc Phi và Trung Đông" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố tại Tuynít (Tuynidi), tăng trưởng kinh tế của các nước Hồi giáo Bắc Phi (Maghreb) sẽ giảm từ 4,4% năm 2008 xuống 2,7% năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.
Báo cáo cho biết, ở các nước không sản xuất dầu khí, doanh thu từ các hoạt động xuất khẩu, dịch vụ di lịch, kiều hối và đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm nghiêm trọng. Ở các nước sản xuất dầu khí, thu nhập của ngành kinh tế này cũng trong tình trạng tương tự do biến động không mấy tích cực của thị trường "vàng đen" thế giới.
IMF cho rằng kinh tế Tuynidi chỉ tăng trưởng 3,3% năm 2009, so với 4,5% năm 2008. Tuy nhiên, đây cũng là mức tăng "khkhastrong khu vực, chủ yếu nhờ các chương trình cải cách và biện pháp chống khủng khoảng hiệu quả mà Chính phủ nước này đã áp dụng trong suốt thời gian qua. Còn ở Marốc, ảnh huởng của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế nước này có phần ít nghiêm trọng hơn, với tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 4,4% năm 2009 so với 5,4% năm 2008. Ở Angiêri, tăng trưởng kinh tế dự báo giảm từ 3% năm 2008 xuống còn 2,1% năm 2009. Trong khi đó, Libi lại là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong khu vực, với GDP trong năm nay ước đạt 1,1% so với 6,7% của một năm trước.
Giới chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định triển vọng kinh tế của khu vực Maghreb phụ thuộc phần lớn vào thời gian và tầm ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là ở châu Âu bởi trong những năm qua, châu lục này đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của các nước này. Theo Phó giám đốc IMF, Amor Tahari, thách thức chính đối với các nước trong khu vực là nạn thất nghiệp. Ông cho rằng trong thời gian tới, các nước cần tạo thêm ít nhất 500 nghìn việc làm thì mới có thể duy trì được tỷ lệ thất nghiệp ở mức như hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Tahari cũng có nhận định khá lạc quan khi thừa nhận các biện pháp kích cầu kinh tế ở Mỹ, châu Âu cũng như ở châu Á đang phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh rằng đến nay thế giới vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng và tiếp tục đối mặt nhiều thách thức trong thời gian đầy tới.
Toàn Trí
TTXVN
|