Khó vì phân cấp
Với khá nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản, khoáng sản, sản xuất thép…, áp lực mà nhà đầu tư phải chịu không dừng lại ở việc thực hiện dự án, mà còn từ dư luận xã hội.
Một lần nữa, môi trường kinh doanh Việt Nam lại xáo động bởi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các kỷ lục, các ngưỡng mới được xác lập, nhất là khi con số chính thức vốn đăng ký năm 2008 được bổ sung thêm 7 tỷ USD, đạt mốc mới 71,7 tỷ USD thay vì kỷ lục 64 tỷ USD được công bố trước đó.
Việc để lọt tới 7 tỷ USD trong báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực ra không làm nhiều người ngạc nhiên. Ngay trước khi công bố con số 64 tỷ USD vào tháng 12/2008, các đợt rà soát của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã phát hiện không ít dự án được các địa phương cấp phép nhưng lại không có tên trong báo cáo tổng hợp. Chỉ riêng trong tháng 7/2008, khoảng chênh lệch giữa báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài và một số tỉnh miền Trung đã là khoảng 3,8 tỷ USD. Trong số này có cả những dự án đầu tư "tỷ đô".
Có câu hỏi rằng, phải chăng các dự án nằm ngoài báo cáo này thuộc diện "có vấn đề" khi mà vào thời điểm đó, những khuyến cáo của giới đầu tư về một số thiên lệch trong thu hút FDI của nhiều địa phương đã nổi lên? Và việc không tuân thủ quy định báo cáo thông tin về dự án 7 ngày sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ do nguyên nhân về năng lực của cấp địa phương hay còn những lý do nào khác? Thậm chí, đang có ý kiến nhắc lại nhận định từ phía Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đưa ra hồi năm ngoái rằng, phải chăng chính quyền địa phương có thể đã được trao quá nhiều quyền trong quyết định chấp thuận dự án đầu tư?
Khoan bàn tới các hệ luỵ về phá vỡ quy hoạch, phá vỡ cơ cấu các nguồn vốn đầu tư đã và đang là điểm nóng trên nhiều diễn đàn kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ từ những hạn chế của cơ chế phân cấp. Đáng chú ý là những tác động không mấy thuận này ngày càng rõ nét.
Phải nói thẳng là nhà đầu tư nước ngoài đã đặt kỳ vọng lớn vào cơ chế phân cấp này. Việc tìm kiếm và có được các thoả thuận về đầu tư ngay tại chính địa phương đặt dự án đã rút ngắn cho nhà đầu tư nhiều thời gian, chi phí so với trước. Hơn thế, các nhà đầu tư, rộng hơn là môi trường kinh doanh được hưởng lợi nhiều từ kế hoạch thu hút nhà đầu tư của các địa phương. Cuộc cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút sự chú ý của giới đầu tư nước ngoài tuy không rầm rộ, nhưng không kém gay gắt.
Tuy nhiên, sự ồ ạt cấp phép mới tại nhiều địa phương đã không tạo nên một địa điểm đầu tư mới một cách thực chất. Hàng loạt dự án không được bàn giao địa điểm đúng cam kết. Nhà đầu tư bị đội chi phí do thời gian triển khai các thủ tục để tiến hành dự án kéo dài. Những khó khăn trong tuyển dụng lao động, trong sự yếu kém của cơ sở hạ tầng ở các địa phương… cũng làm cho không ít dự án tăng thêm tính rủi ro.
Đặc biệt, với khá nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản, khoáng sản, sản xuất thép…, áp lực mà nhà đầu tư phải chịu không dừng lại ở việc thực hiện dự án, mà còn từ dư luận xã hội. Thậm chí, khi quy hoạch sân golf đang được xem xét lại, rất có thể nhiều dự án đã nhận được chủ trương đầu tư sẽ buộc phải điều chỉnh, thay đổi, thậm chí là bị "xoá sổ". Khi đó, các dự định đầu tư, chi phí đầu tư mà nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra sẽ phải gánh chịu hậu quả của những quyết định thiếu chính xác từ cấp chính quyền địa phương, điều đáng ra họ không gánh chịu nếu sự từ chối được đưa ra đúng lúc.
Bàn về cơ chế phân cấp, giới chuyên gia kinh tế nhận định, ba điều kiện cần để cho cơ chế này thông suốt chưa được hội tụ đủ. Thứ nhất là các quy định rạch ròi quyền và trách nhiệm của từng cấp. Thứ hai là năng lực của các địa phương trong việc lựa chọn và ra quyết định. Thứ ba là vai trò giám sát của Trung ương, các ban, ngành trong việc giám sát quyết định đầu tư của các địa phương.
Ở đây, cũng có lời bàn rằng, ngoài sự háo hức hơi quá của một số địa phương trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, tạo bước chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngoài năng lực cần phải nâng cao của đội ngũ công chức, thì các bộ, ngành cũng chưa thực hiện tốt vai trò của điều phối và kiểm soát trên quy mô toàn quốc. Ngay cả việc phá vỡ quy hoạch của một số ngành, trách nhiệm không thể chỉ dừng lại ở các quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư của các địa phương.
Bảo Duy
đầu tư chứng khoán
|