Giá dầu sẽ tăng nếu khủng hoảng Iran xấu đi
Giá dầu thế giới cho tới giờ vẫn chưa bị đẩy lên cao do bạo lực hậu bầu cử tại nước sản xuất dầu thô chủ chốt là Iran. Tuy nhiên, giá dầu sẽ tăng cao hơn nếu tình hình tại nước này xấu đi, giới phân tích cảnh báo.
Iran đã bác bỏ việc huỷ cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi hôm 12/6 trong khi cộng đồng quốc tế lên tiếng báo động về việc trấn áp những người biểu tình đối lập.
Nước Cộng hoà Hồi giáo Iran sản xuất khoảng 3,8 triệu thùng dầu thô một ngày và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, sau Nga và Ảrập Xêút.
Giới phân tích sợ rằng cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ cuộc cách mạng năm 1979 sẽ buộc chính phủ Iran phải cắt nguồn cung cấp dầu hoặc chặn Eo Hormuz, đoạn đường quan trọng với các tàu chở dầu.
"Thị trường dầu sẽ có một sự thức tỉnh đột ngột nếu căng thẳng ở Iran tiếp tục leo thang cao hơn", nhà phân tích của Quỹ VTB Andrey Kryuchenkov nhận xét. "Iran không chỉ là nước bơm một số lượng dầu thô lớn cho OPEC mà họ còn kiểm soát Eo Hormuz - nơi khoảng 40% số dầu được vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu qua đây mỗi ngày".
Phe đối lập tại Iran đã tiến hành các cuộc tuần hành mỗi ngày để phản đối những cáo buộc gian lận lan tràn trong bầu cử ở Iran. Cuộc bỏ phiếu vốn đưa Tổng thống Ahmadinejad - nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn, tiếp tục nắm quyền thêm 4 năm nữa. Tuy vậy, kể từ khi bầu cử diễn ra, giá dầu vẫn giảm mạnh, do triển vọng kinh tế u ám và đồng đô la mạnh hơn.
Trong các hợp đồng tương lai ở New York - giao dầu vào tháng 8, giá dầu là 67USD/thùng vào ngày 23/6. Một tuần trước đây, giá dầu đứng ở mức 72 USD/thùng.
"Dù thị trường hiện thời rõ ràng là chưa bị ảnh hưởng bởi những diễn biến trên chính trường nhưng chúng tôi không bác bỏ khả năng tình hình tại Iran sẽ lại tác động mạnh tới giá dầu, đặc biệt là nếu phe đối lập tiến hành đình công trên cả nước, và có thể lan sang ngành dầu", nhà phân tích của MF Global Edward Meir bình luận.
"Không cần nói cũng thấy, phe đối lập ở Iran không có lợi, nhiều lãnh đạo của họ bị bắt trong khi việc thông tin giữa những người còn lại bị tổn hại nặng nề và bị giám sát chặt chẽ. Tình hình vẫn rất dễ thay đổi và mọi thứ đều có thể xảy ra vào lúc này".
Đứng sau Ảrập Xêút, Iran là thành viên lớn thứ 2 trong số 12 nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC).
Hà nội mới
|