Cổ phần hóa chỉ là một việc
Cổ phần hóa chậm chủ yếu là do cách làm có tính mò mẫm trong điều kiện tư duy về quản lý doanh nghiệp nhà nước thời kinh tế thị trường chưa có những đổi mới căn bản.
Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước ở nước ta diễn ra dưới sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ. Các chính sách, biện pháp CPH được thể hiện trong các nghị định, quyết định của Chính phủ, các thông tư và văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ ngành và địa phương liên quan. Song, thực tế cho thấy quá trình CPH không mấy suôn sẻ, vướng mắc liên tục phát sinh.
Để tháo gỡ vướng mắc, chính sách, biện pháp CPH, và do đó các văn bản liên quan, đã phải liên tục sửa đi đổi lại. Cứ mỗi lần phát sinh vướng mắc, các cơ quan nhà nước liên quan lại phải tham gia giải quyết, dù muốn dù không, cứ bị cuốn vào vòng xoáy CPH và để rồi mang tiếng “can thiệp quá sâu”(!). Cho nên CPH chậm chủ yếu là do cách làm có tính mò mẫm trong điều kiện tư duy về quản lý doanh nghiệp nhà nước thời kinh tế thị trường chưa có những đổi mới căn bản.
Vị trí và nội dung chưa được minh định
Đến nay có lẽ không phải mọi người đều đã coi CPH là một trong những biện pháp để chuyển nền kinh tế tập trung bao cấp thành nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Và tương tự, không phải ai cũng coi nội dung CPH là chuyển đổi sở hữu, chuyển toàn bộ (hay một phần) doanh nghiệp của nhà nước thành của tư nhân, nói ngắn gọn là tư nhân hóa.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu hiểu toàn bộ khu vực kinh tế nhà nước sẽ được CPH. Đường lối kinh tế thị trường nhiều thành phần đòi hỏi CPH doanh nghiệp nhà nước có mức độ. Đến mức độ đó, CPH được coi là hoàn thành, trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn tồn tại và nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế, hình thành bộ phận quan trọng nhất của thành phần kinh tế nhà nước.
Cho đến gần đây, vẫn còn có quan chức giải thích rằng ở nước ta chỉ có CPH, không có tư nhân hóa. Quan niệm này tách rời CPH với tư nhân hóa, coi chúng là hai vấn đề biệt lập với nhau, trong khi chúng chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề. Vì quan niệm như vậy nên nhiều người hiểu CPH đơn giản chỉ là chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, không thấy được rằng trong CPH còn có chuyển đổi sở hữu và đó mới là nội dung cốt lõi của CPH.
Sau CPH, chế độ sở hữu doanh nghiệp đã thay đổi căn bản. Đối với những doanh nghiệp CPH toàn bộ, Nhà nước không còn là chủ sở hữu nữa, do đó chỉ quản lý doanh nghiệp theo chức năng quản lý nhà nước. Nhưng đối với các doanh nghiệp CPH một phần, sau CPH, Nhà nước không còn là chủ sở hữu duy nhất, nhưng vẫn là một đồng sở hữu, tức là có quyền và có nghĩa vụ quản lý kinh doanh. Nhà nước thực hiện chức năng này như thế nào cho phù hợp với địa vị đồng sở hữu của mình? Nảy sinh vấn đề mới và khó là xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với chế độ sở hữu sau CPH.
Cơ chế quản lý sau CPH
Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 đã xếp các doanh nghiệp CPH mà Nhà nước sở hữu cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ) vào hàng ngũ doanh nghiệp nhà nước. Song, nếu xét từ góc độ sở hữu, khi Nhà nước chỉ là một đồng sở hữu, thì không thể xếp doanh nghiệp này vào hàng ngũ doanh nghiệp nhà nước được. Đây không chỉ là vấn đề chính danh, mà là vấn đề quy chế quản lý. Nếu coi nó là doanh nghiệp nhà nước, tất phải quản lý theo quy chế doanh nghiệp nhà nước.
Ở doanh nghiệp nhà nước, khi gặp những vấn đề kinh doanh vượt quá thẩm quyền của hội đồng quản trị, thì lãnh đạo doanh nghiệp có thể thỉnh thị cấp trên. Nhưng đối với doanh nghiệp đã CPH, cơ quan nào là cấp trên? Nếu quay về cấp trên cũ (cơ quan chủ quản trước CPH) như đã thấy trong thực tế, thì vô hình trung đã biến cơ quan này thành người quản lý kinh doanh, vi phạm quyền này của các đồng cổ đông không phải Nhà nước. Song vấn đề lại không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm, nhất là khi làm ăn bị thua lỗ. Và còn câu hỏi khác: những doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần thiểu số (dưới 50% vốn điều lệ) thì xếp vào đâu? Luật còn bỏ ngỏ.
Vấn đề mới và khó nhất trong cơ chế quản lý những doanh nghiệp CPH một phần là bảo đảm hài hòa quyền quản lý của đồng sở hữu là Nhà nước và của các đồng sở hữu khác. Chưa giải quyết được vấn đề này, cơ chế quản lý doanh nghiệp vẫn ở trong tình trạng chắp vá, không minh bạch. Và lạm quyền, tham nhũng có đất phát sinh. Cho đến nay vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi: sau CPH, về mặt tổ chức, cơ quan nhà nước nào quản lý kinh doanh các doanh nghiệp hỗn hợp này với tư cách chủ sở hữu? Còn về mặt cơ chế quản lý kinh doanh, có lẽ chưa mấy ai nghĩ tới. Phải chăng đó là các tổng công ty, kể cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước?
Những điều nêu trên cho thấy còn rất nhiều câu hỏi về quản lý doanh nghiệp hậu CPH chưa có lời giải, thậm chí còn chưa được đặt ra. Cho nên tiếp tục đẩy mạnh CPH không chỉ là mở rộng diện CPH theo những “kế hoạch” đã được vạch ra, mà trọng tâm phải chuyển sang xây dựng cơ chế quản lý các doanh nghiệp đã CPH.
Trong quá trình CPH, do quan niệm CPH tách rời tư nhân hóa nên tư duy tập trung bao cấp, duy ý chí có điều kiện chi phối cung cách xử lý nhiều vấn đề cụ thể như: định giá doanh nghiệp, quy định người có quyền mua cổ phần và chính sách giá bán cổ phần cho các loại đối tượng được mua, xử lý các vấn đề đất đai, công nợ, chính sách đối với người lao động, cách thức tổ chức bán cổ phiếu, trong đó có vấn đề đấu giá và xử lý thặng dư cổ phiếu và... nhiều vấn đề cụ thể khác. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho giải pháp CPH xa rời thực tiễn, vướng mắc phát sinh không dứt, tốn thời gian tháo gỡ, làm chậm tiến độ.
Tình hình sẽ suôn sẻ hơn nhiều nếu ngay từ đầu chúng ta thấy được sự thống nhất giữa CPH với tư nhân hóa, thấy được nội dung thực chất của CPH là chuyển đổi sở hữu, hay nói theo ngôn ngữ thị trường, CPH chỉ là một cách tổ chức mua bán vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp giữa Nhà nước, người muốn giải tư, với những người có ý muốn đầu tư. Với quan niệm như vậy, phương hướng xử lý các vấn đề cụ thể trong CPH sẽ sáng tỏ hơn: vận dụng các hình thức và quy tắc của kinh tế thị trường. Đây là kinh nghiệm cho quá trình tiếp tục CPH trong thời gian sắp tới.
TBKTSG
|