Chứng khoán Châu Á tiếp tục hành trình giảm điểm
(Vietstock) – Chứng khoán Châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày Thứ Ba khi niềm tin về sự kết thúc nhanh chóng của suy thoái toàn cầu đã bị các số liệu sản xuất của Mỹ dập tắt. Đặc biệt chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm sâu gần 3%.
Nikkei 225 |
Hang Seng |
Straits Times |
|
|
|
|
|
Nguồn: YahooFinance |
Tại Châu Á, việc giá dầu cũng lùi lại khỏi các mức cao 8 tháng cũng đẩy cổ phiếu của các công ty hàng hoá giảm điểm. Trong khi đó, cổ phiếu của các nhà sản xuất lớn như Tập đoàn chế tạo xe hơi Toyota của Nhật Bản cũng trượt dài trước các số liệu yếu ớt này. Trong một hội nghị thượng đỉnh tại khu vực, tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng thế giới cần một đồng tiền dự trữ mới do đó đồng USD cũng suy yếu.
Kể từ đầu Tháng 3 vừa qua, được tiếp sức bởi tính thanh khoản cao và các dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế đang đi ngang, các chỉ số chính của Châu Á như Nikkei và Hang Seng đã tăng ít nhất 40%.
Tuy nhiên khi đợt phục hồi đang ở giai đoạn tăng tốc thì nó lại càng trở nên dễ bị lung lay bởi các chứng cứ cho thấy sự hồi sinh của nền kinh tế vẫn chưa thể diễn ra nhanh như mong đợi của giới đầu tư.
Đêm qua Phố Wall cũng có phiên lao dốc cũng do các dấu hiệu như trên, đáng chú ý chỉ số Dow Jones ghi nhận mức sụt giảm nhiều nhất trong vòng một tháng.
Theo đó, chỉ số về điều kiện sản xuất tại New York giảm từ -4.6 điểm trong Tháng Tư xuống -9.4 điểm trong Tháng 6. Điều này càng chứng tỏ rằng bất kì sự phục hồi nào tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các công ty Châu Á cũng sẽ rất khó khăn và chậm chạp.
Theo ông Peter Lai, Giám đốc Đầu tư tại Công ty DBS Vickers ở Hồng Kông thì: “Tất cả các thị trường trên toàn cầu đã bị mua vào quá nhiều nên các nhà đầu tư xem số liệu sản xuất là cái cớ để xả hàng và kiếm lời. Tôi tin rằng nền kinh tế sẽ không phục hồi quá nhanh. Trung Quốc và Châu Á sẽ là hai quốc gia tiên phong của đợt hồi sinh này nhưng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho tới quý 1 và quý 2 năm 2010.”
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm mạnh 286.79 điểm, tức 2.9%, đóng cửa tại 9,752.88 điểm. Được biết trước đó, Ngân hàng Trung ương của nước này cho biết các điều kiện kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới “không còn xấu đi nữa”. Đây được xem là một bước cải thiện so với đánh giá trước đó là nền kinh tế đang ngày càng “tồi tệ.”
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng duy trì mức lãi suất cho vay cơ bản không thay đổi tại mức 0.1% theo như dự đoán.
Ông Kazuki Miyazawa, chiến lược gia thị trường tại Công ty Daiwa Securities SMBC tại Tokyo nhận xét: “Mặc dù tốc độ suy thoái đang chậm lại nhưng nền kinh tế vẫn chưa thực sự cải thiện nhiều. Nhiều nhà đầu tư vẫn còn lưỡng lự về việc có nên mua các cổ phiếu quá năng động hay không.”
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm mất 333.46 điểm, tương 1.8%, xuống 18,165.50 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 0.9%, còn 1,399.15 điểm. Chỉ số S&P/ASX của Úc đánh mất 1.7%; chỉ số Straits Times của Singapore lùi 1.5%; chỉ số tổng hợp PSE của thị trường chứng khoán Philippin chìm sâu 3.8%.
Giá dầu suy yếu đã tác động tới cổ phiếu của các công ty hàng hóa. Cụ thể, tại Hồng Kông cổ phiếu của Nhà sản xuất dầu ngoài khơi CNOOC của Trung Quốc giảm mạnh 5%; cổ phiếu của Tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới đánh mất 1.5% trong phiên giao dịch tại Sydney.
Trong phiên giao dịch tại Châu Á, hợp đồng dầu thô giao Tháng 7 cũng lấy lại được phần giá trị đã mất vào đầu phiên nhưng vẫn nằm dưới mốc 71 USD/thùng. Đây được xem như là đợt nghỉ xả hơi sau 3 tháng phục hồi vừa qua vốn đã giúp giá dầu tăng gần gấp đôi. Vào cuối buổi chiều tại Singapore, hợp đồng này tăng 21 cent/thùng xác lập mốc 70.83 USD/thùng.
Các nhà chế tạo xe hơi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các số liệu sản xuất tiếp tục ảm đạm trước lượng cầu yếu. Theo đó, cổ phiếu của nhà chế tạo ô tô lớn nhất thế giới Toyota trượt dài 3.4%; cổ phiếu của Honda tuột dốc 4.1%.
Phiên giao dịch tại Châu Âu đang diễn ra, chỉ số FTSE tạm tăng 16.17 điểm, bằng với 0.4%, lên 4,342.18 điểm. Chỉ số CAC-40 của Pháp tạm tăng 7.78 điểm, bằng với 0.2%. Ngược lại, chỉ số DAX của Đức tạm mất 4.67 điểm, tương đương 0.1%, xuống 4,885.27 điểm.
Tâm lý thận trọng vẫn còn hiện diện trên Phố Wall khi thị trường tương lai Mỹ giảm điểm. Chỉ số Dow tương lai tạm giảm 3 điểm, xuống 8,561 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 tạm nhích nhẹ 0.4 điểm, lên 919.80 điểm.
Được biết đêm qua tại Mỹ, DJ đánh mất 187.13 điểm, tức 2.1%, lùi về mức 8,612.13 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2.4%, rơi về mức 923.72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2.3%, còn 1,816.38 điểm.
Vào cuối ngày Thứ Hai tại New York, đồng USD giảm từ 97.63 JPY/USD, xuống 96.43 JPY/USD. Đồng EUR tăng từ 1.3776 USD/EUR, lên 1.3850 USD/EUR.
Phạm Thị Phước (Theo YahooFiance, AP)
|