Anh phản đối kế hoạch giám sát tài chính của EU
Thứ trưởng Bộ Tài chính Anh Paul Myners trong tuần này sẽ tới Thụy Điển nhằm thuyết phục Chính phủ nước này cùng đứng ra phản đối kế hoạch của EU trong việc siết chặt các quy định kiểm soát các hoạt động tài chính của Anh.
Kế hoạch của EU có tên “Quy chế Lecce”, do Italia đề xuất tại hội nghị bộ trưởng tài chính các nước G8 cuối tuần qua. Đề xuất này bao gồm một bộ nguyên tắc và tiêu chuẩn chung liên quan đến hoạt động kinh doanh và tài chính quốc tế, nhằm tăng cường giám sát hoạt động tài chính, tránh lặp lại những kẽ hở dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
Cơ chế hoạt động cụ thể của sáng kiến vẫn chưa được công bố, song Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti đã khoanh vùng 5 lĩnh vực mà các nước EU sẽ phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm quản lý doanh nghiệp, hội nhập thị trường, hợp tác thuế, minh bạch hóa các chính sách và số liệu kinh tế vĩ mô và kiểm tra giám sát tài chính. Các quy định này sẽ san sẻ bớt quyền lực từ các nước thành viên sang cho các cơ quan giúp việc của EU trong việc giám sát các hoạt động kinh doanh ngân hàng, trái phiếu và bảo hiểm.
Trong khi hầu hết các thành viên EU khác ủng hộ sáng kiến thì Anh và Thụy Điển nói rằng EU đã lợi dụng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay để can thiệp vào các tổ chức tài chính của hai nước này, vốn được cho là có nhiều hoạt động mang tính rủi ro cao. Riêng đối với Anh, sự kiểm soát này có thể khiến Luân Đôn mất vị thế là trung tâm đầu tư tài chính hàng đầu châu Âu.
Quy chế Lecce cần phải được các chính phủ thành viên và nghị viện EU thông qua mới có hiệu lực. Hiện quy chế này đã nhận được sự ủng hộ của 3 thành viên có tiếng nói là Đức, Pháp và Italia. Kể từ tháng tới, Thụy Điển sẽ nhận chức Chủ tịch luân phiên EU.
Vũ Hội
TTXVN
|