Tình trạng vỡ nợ thẻ tín dụng ở Mỹ tăng cao kỷ lục
Số vụ vỡ nợ thẻ tín dụng ở Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5/09, cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn phải chịu tác động lớn của cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá hạn -một chỉ số cho biết về các khoản thua lỗ tín dụng trong tương lai- đã giảm xuống trong ngành tài chính, mặc dù các nhà phân tích cho rằng sự giảm sút này là theo thời vụ và sẽ tăng trở lại trong những tháng tới.
Tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Mỹ, Bank of America Corp, cho biết tỷ lệ vỡ nợ (những khoản cho vay mà tập đoàn này không hy vọng thu hồi được) đã tăng từ 10,47% trong tháng 4/09 lên 12,50% trong tháng 5/09. Trong khi đó, tỷ lệ này của tập đoàn American Express Co (hiện chiếm gần 1/4 doanh số bán hàng thẻ tín dụng và thẻ trả tiền mua hàng ở Mỹ) cũng tăng từ 9,9% lên 10,4%.
Tình trạng thua lỗ thẻ tín dụng thường xảy ra sau giai đoạn thất nghiệp. Các nhà phân tích và các quan chức ngân hàng dự báo nếu tỷ lệ thua lỗ thẻ tín dụng vượt quá 10% trong năm 2009, các khoản thua lỗ cho vay có thể lên tới 70 tỷ USD. Ông John Williams, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Macquarie, nói: "Những thách thức ở tầm vĩ mô và những nỗi lo ngại về chất lượng tín dụng sẽ gây áp lực đối với các nhà phát hành thẻ của Mỹ trong vòng 12 tháng tới. Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục có những thách thức khi mà tỷ lệ thất nghiệp tăng cao".
Tuy nhiên, một số công ty phát hành thẻ tín dụng quy mô nhỏ hơn như Capital One Financial Corp và Discover Financial Services lại thông báo rằng tỷ lệ vỡ nợ của họ tăng ít hơn so với dự kiến ban đầu. Capital One cho biết tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng của công ty chỉ tăng từ 8,56% lên 9,41%, trong khi đó Discover cho biết tỷ lệ này tăng từ 8,26% lên 8,91%.
Tập đoàn ngân hàng lớn thứ 2 của Mỹ đồng thời là nhà phát hành thẻ tín dụng Visa, JPMorgan Chase & Co, cho biết tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng của tập đoàn này tăng từ 8,07% trong tháng 4/09 lên 8,36% trong tháng 5/09.
Các nhà cho vay dưới hình thức thẻ tín dụng đang cố gắng bảo vệ mình bằng cách thắt chặt giới hạn tín dụng, nâng cao tiêu chuẩn cho vay và đóng tài khoản. Đồng thời, các hãng này cũng giảm bớt các khoản điểm thưởng, tăng tỷ lệ lãi suất, nhằm ngăn chặn tình trạng thua lỗ.
Khắc Hiếu
TTXVN
|