Thứ Hai, 15/06/2009 22:02

Ấn Độ rên xiết vì hàng hóa Trung Quốc

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Ấn Độ cảnh báo rằng họ đang là nạn nhân của hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và yêu cầu chính phủ phải đẩy nhanh các cuộc điều tra chống bán phá giá và thực hiện những cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm Trung Quốc.

Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) đưa ra lời kêu gọi này vào hôm qua Chủ nhật 14-6, giữa lúc căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang gia tăng sau một cuộc xung đột thương mại xảy ra do Ấn Độ cấm nhập khẩu đồ chơi do Trung Quốc sản xuất và Trung Quốc ngăn cản Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Ấn Độ vay một khoản tiền 2 tỉ đô la Mỹ để cải tạo hệ thống cấp nước.

Tờ Thời báo Tài chính của Anh (Financial Times) dẫn tuyên bố của FICCI cho biết, một cuộc khảo sát ý kiến 110 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ấn Độ ghi nhận hai phần ba trong số đó bị thiệt hại, thị phần của họ ở Ấn Độ bị xói mòn nghiêm trọng trong năm qua vì sự lấn lướt của hàng Trung Quốc giá rẻ.

FICCI cho rằng, giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn từ 10% đến 70% so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ - một sự chênh lệch giá cả “rất lớn và khó lý giải”.

Tổng thư ký của FICCI, ông Amit Mitra, nói rằng công nghiệp Ấn Độ đang bị tổn thương bởi “chính sách giá có mục đích thôn tính của Trung Quốc”, với ý đồ loại bỏ các đối thủ cạnh tranh ngay tại Ấn Độ để các công ty Trung Quốc độc chiếm thị trường trước khi nâng giá hàng trở lại mức bình thường.

Theo FICCI, thiệt hại của các doanh nghiệp Ấn Độ được cảm nhận ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ thực phẩm chế biến, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, vật liệu xây dựng, hóa chất và dệt may.

So với Trung Quốc, các doanh nghiệp Ấn Độ phải đối mặt với những bất lợi nghiêm trọng như cơ sở hạ tầng kém phát triển, luật lệ về lao động cứng nhắc, không khích lệ các công ty mở rộng hoạt động và tạo ra tình trạng phân mảnh không có lợi cho sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Mitra, ngay cả khi những bất cập này được giải quyết xong, các công ty Ấn Độ vẫn không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở mặt bằng giá cả như hiện nay. “Ngay cả sau khi chúng tôi hoàn thành các cuộc cải cách, liệu chúng tôi có khả năng chống lại cơ chế giá của Trung Quốc - vốn mang bản chất giả tạo, được thiết kế nhắm vào một số ngành nghề nhất định để thâu tóm thị trường - hay không? Rất khó”, ông Mitra nói.

Để chống lại cơ chế giá giả tạo đó, FICCI yêu cầu chính phủ Ấn Độ đẩy nhanh việc điều tra chống bán phá giá và thực hiện những cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm để “che chắn” cho các công ty Ấn Độ trước cơn lũ hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Ấn Độ thường mất từ 10 đến 12 tháng điều tra trước khi đưa ra quyết định có áp dụng biện pháp chống bán phá giá hay không. “Thời gian là yếu tố quyết định. Thời gian thực hiện các cuộc điều tra chống bán phá là quá đủ để cho họ [Trung Quốc] xóa sổ nhiều ngành công nghiệp Ấn Độ”, ông Mitra nói.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong năm tài chính 2007-2008, kết thúc vào tháng 4 năm ngoái, hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Ấn Độ tăng 55%, lên 27 tỉ đô la Mỹ, và tiếp tục tăng mạnh trong năm tài chính vừa qua.

Hồi tháng 1 năm nay, Ấn Độ công bố cấm nhập khẩu đồ chơi từ Trung Quốc trong vòng 6 tháng lấy lý do là chúng kém an toàn, sau khi các nhà sản xuất đồ chơi Ấn Độ than phiền rằng đồ chơi Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường đồ chơi trị giá 2,5 tỉ đô la của Ấn Độ. Tuy nhiên, lệnh cấm này chỉ tồn tại được hai tháng và bị bãi bỏ sau khi Bắc Kinh dọa sẽ kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thái Bình

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Mỹ: Các hãng hàng không tiếp tục thắt lưng buộc bụng (15/06/2009)

>   Hiểu đúng về “Made in China” (15/06/2009)

>   CK Châu Á giảm điểm khi triển vọng phục hồi vẫn còn mờ mịt (15/06/2009)

>   Trung Quốc đang mất vị thế “công xưởng” thế giới (15/06/2009)

>   Ngành công nghệ thông tin: Hy vọng trong đáy khủng hoảng (15/06/2009)

>   Kinh tế Anh chưa thể phục hồi trước 2010 (15/06/2009)

>   Năm 2010, giá dầu sẽ tăng lên 90 USD/thùng (15/06/2009)

>   Đại gia Airbus lo khó đạt 300 đơn hàng (15/06/2009)

>   Pemex sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Vịnh Mêhicô (15/06/2009)

>   American Airlines nỗ lực vượt qua thời kỳ khó khăn (15/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật