Thứ Năm, 11/06/2009 11:23

Các ngân hàng Mỹ trả lại tiền cứu trợ

Chính quyền Washington vừa cho phép 10 trong số những công ty tài chính lớn nhất nước Mỹ trả lại cho nhà nước 68 tỉ USD tiền cứu trợ tài chính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại thời điểm này vẫn còn là quá sớm!

Đây là số tiền trả lại lớn nhất kể từ khi Washington khởi động chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) trị giá 700 tỉ USD tám tháng trước đây.

Chê tiền chính phủ

Những ngân hàng lớn như Morgan Stanley và Goldman Sachs thời gian qua đã liên tục gây áp lực để trả lại số tiền cứu trợ mà các ngân hàng này miêu tả là đã buộc phải nhận hồi năm ngoái kèm theo hàng loạt điều kiện ngặt nghèo. Các ngân hàng đều kịch liệt phản đối hạn chế do chính phủ đặt ra đối với mức tiền thưởng cho các giám đốc, nhân viên ngân hàng vì cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

Nhận định về việc trả lại tiền cứu trợ, một số quan chức tỏ ra lạc quan rằng ngành tài chính Mỹ đã ổn định trở lại. “Những khoản tiền trả lại là dấu hiệu tích cực cho thấy hệ thống tài chính đang phục hồi” - Los Angeles Times dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tuyên bố. Tổ chức Bàn tròn dịch vụ tài chính (FSR), đại diện nhiều ngân hàng lớn, cũng cho rằng đây là bằng chứng cho thấy ngành tài chính Mỹ đang “mạnh mẽ”.

Ẩn chứa nguy cơ

Tuy nhiên, AP dẫn lời nhiều chuyên gia ngân hàng khẳng định việc các tổ chức tài chính trả lại tiền cứu trợ không phải là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng tài chính đã kết thúc. Trên thực tế, theo họ, phần  lớn ngân hàng được quyền trả lại tiền đều không cần đến số tiền này. Trong khi đó, các ngân hàng chưa trả lại tiền như Citigroup, Bank of America và Wells Fargo đều phải cần sự hỗ trợ của chính quyền trong nhiều năm tới. Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng xác định những rắc rối của hệ thống ngân hàng Mỹ “còn lâu mới trôi qua”.

Giới chuyên gia dự báo việc trả lại tiền sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ lớn. Một số cho rằng nó sẽ tạo ra một hệ thống ngân hàng với những “người chiến thắng” và những “kẻ thất bại”, trong đó các ngân hàng yếu hơn mắc kẹt với các quy định gắt gao của chính phủ, không thể cạnh tranh về lợi nhuận và thu hút nhân tài so với các đối thủ được phép hoạt động tự do hơn.

“Trả lại tiền cho nhà nước khiến các ngân hàng sẽ mất đi sự bảo vệ khi lại bị lỗ - AP dẫn lời ông Christopher Whalen, giám đốc Hãng tư vấn Institutional Risk Analysis, nhận xét - Với ít vốn trong tay, các ngân hàng có thể sẽ phải hạn chế cho vay”.

Còn nhà nghiên cứu độc lập Donald Thomas nhấn mạnh sẽ rất nguy hiểm khi cho phép các ngân hàng trả lại tiền trước khi chính phủ cải tổ hệ thống luật lệ quản lý ngành ngân hàng. “Cuộc khủng hoảng tín dụng cho thấy rõ ràng các ngân hàng hoạt động theo những cách thức bất hợp lý và tham lam - ông Thomas thẳng thừng cho biết - Tôi không tin rằng những thay đổi vừa qua là đã đủ”.

Hiếu Trung

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Ba hành động để đạt được sự cân bằng tối ưu (11/06/2009)

>   Thế giới: Vàng sẽ "ăn theo" lạm phát? (11/06/2009)

>   Tại sao dệt may TQ khuynh đảo Âu châu? (11/06/2009)

>   Xuất khẩu dệt của Ấn Độ mất lợi thế cạnh tranh (11/06/2009)

>   Lo lắng lãi suất cho vay tăng cao đẩy Phố Wall trượt nhẹ (11/06/2009)

>   CK châu Âu tiếp tục tăng 1.2%  (11/06/2009)

>   Wells Fargo không vội rút khỏi TARP  (10/06/2009)

>   Hạ viện Mỹ điều tra vụ BoA mua lại Merrill Lynch (10/06/2009)

>   Giá bán lẻ xăng dầu ở nhiều nước tăng mạnh (10/06/2009)

>   Khủng hoảng có "xé toạc" châu Âu? (10/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật