Vì sao các "đại gia" ồ ạt xả hàng?
Thị trường vừa có dấu hiệu của một đợt tăng điểm mới, hoạt động bán ra của các cổ đông lớn - thường được giới đầu tư gọi nôm na là “đại gia” – đã tăng theo nhanh chóng, gợi mở nhiều suy nghĩ về xu hướng thị trường.
Chỉ trong vài ngày gần đây, cứ vài tiếng đồng hồ lại thấy xuất hiện một thông tin bán ra của các đại gia kiểu này. Có thể dẫn chứng một số trường hợp đáng chú ý ở các mã cổ phiếu lớn có tính chi phối thị trường.
Đáng chú ý đầu tiên là việc bán ra của cổ đông nội bộ. Đơn cử là trường hợp của Công ty Cổ phần Licogi 16 (mã chứng khoán: LCG), khi cổ đông mẹ của LCG là Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) - đại diện phần vốn Nhà nước tại LCG đã bán 204.000 cổ phiếu vào ngày 29/04/2009.
Trước đó, từ ngày 23/04/2009, Licogi đã bán 400.000 cổ phiếu, giảm số lượng cổ phiếu từ 1.084.000 cổ phiếu (chiếm 7,97%) xuống còn 684.000 cổ phiếu (5,03%).
Được biết, chính bản thân LCG cũng đã đăng ký bán toàn bộ 216.500 cổ phiếu quỹ đang nắm giữ từ ngày 12/05-12/07/2009 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều trường hợp tương tự như Sông Đà 6 đăng ký bán 400.000 cổ phiếu Sông Đà 3 (SD3) hoặc Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN) đăng ký bán 20.000 cổ phiếu CTCP Chứng khoán Sài Gòn (mã CK: SSI).
Trường hợp đáng chú ý tiếp theo là động thái bán ra của cổ đông ngoại, ở ngay loại cổ phiếu mà họ luôn ưa chuộng khi vào Việt Nam: cổ phiếu ngân hàng.
Đó là việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB) thông báo, Ngân hàng Standard Chartered ( Hong Kong ) Limited đã đăng ký bán 133.627 cổ phiếu trong thời gian giao dịch dự kiến từ 06/5-06/6/2009.
Hồi tháng 7/2008, Standard Chartered Bank đã mua lại 16.204.879 cổ phiếu ACB từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) với giá chuyển nhượng là 140.000 đồng/cổ phiếu.
Với mã ACB, mới trước đó, bà Võ Thị Ngọc Lành (người có liên quan với ông Nguyễn Đức Thái Hân - Phó TGĐ ACB) cũng đã đăng ký bán toàn bộ 25.414 cổ phiếu từ 16/4/2009 đến 16/5/2009.
Một vụ bán ra của đại gia ngoại khác cũng diễn ra ngay trong những ngày tăng điểm nóng bỏng vừa qua. Đó là việc cổ đông ngoại của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã CK: ITA) là Vietnam Infrastructure Strategic Limited đã bán 375.000 cổ phiếu ITA từ ngày 9-28/4/2009.
Tại mã ITA này, từ 27/3-07/4/2009, cổ đông ngoại Rickluck International Limited cũng đã bán xong 859.000 cổ phiếu.
Cổ đông nội bộ bán, cổ đông ngoại và cổ đông “có cả núi tiền” như các đại gia ngân hàng cũng không bỏ lỡ cơ hội bán ra. Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam VF1 (mã chứng khoán: VFMVF1) thông báo, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) đã bán xong 2.000.000 chứng chỉ quỹ trong thời gian từ ngày 13/03/2009 đến 28/04/2009.
Mới hôm 6/5, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) thông báo, Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) đã đăng ký bán 1.000.000 cổ phiếu PPC trong thời gian từ 8/5/2009 đến ngày 8/7/2009.
Cũng tại mã PPC này, trước đó, Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cũng đã đăng ký bán 500.000 cổ phiếu từ ngày 7/5-7/8/2009.
Không chỉ bán PPC, gần như cùng lúc, PVFC cũng đăng ký bán 1.000.000 cổ phiếu Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã chứng khoán: DPM) trong khoảng thời gian đăng ký là từ ngày 7/5/2009 đến ngày 1/7/2009.
Đó là chưa kể những trường hợp “nhỏ nhặt” khác như việc Chứng khoán Agriseco đăng ký bán 50.000 cổ phiếu PTC, Chứng khoán Ngân hàng Đông Á đã bán 480.000cp CAD, Uỷ viên BKS của TS4 đăng ký bán 10.000 cổ phiếu hay Phó Tổng giám đốc của SFI đăng ký bán 8.000 cổ phiếu…
Tại sao thị trường đang tăng điểm mà các đại gia lại bán ra thay vì găm hàng chờ giá cao hơn? Phải chăng lòng tham của họ không thắng được nỗi sợ hãi?
Phải chăng những đối tượng này không có được niềm tin vững bền và sắt đá như các nhà đầu tư thông thường khác?
Hay tại họ đang quá bí tiền mặt để phục vụ công việc kinh doanh chính nên phải bán bớt dù vẫn còn đó niềm tin cháy bỏng vào một thị trường hồi phục thực sự?
Hay họ đang thực hiện chức năng truyền thống của các nhà tạo lập thị trường là cố tình bán ra để làm nguội bớt một thị trường đang tăng nóng, để rồi lại mua vào để nâng đỡ thị trường khi nó lao dốc, qua đó giữ vững một sân chơi bổ ích lâu dài cho họ và cho tất cả?
Có lẽ, diễn biến thị trường trong vài tuần tới, hoặc ít ra trong ít ngày nữa, mới có thể trả lời đích xác được những động thái bán ra đáng lưu ý nói trên.
Chỉ có một điều chắc chắn trong lúc này, dường như không ai nhanh tay bán bằng đại gia.
Nhật Vy
Vietnamnet
|