Thứ Tư, 27/05/2009 09:37

SCIC thoái vốn gấp 4 lần 2008

Bán cổ phần nhà nước tại các CTCP được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu năm 2009 của SCIC là thoái vốn tại 272 CTCP. Liệu kế hoạch này của SCIC có ảnh hưởng đến đà đi lên của thị trường. Xung quanh vấn đề này, ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC. 

Số lượng 272 công ty trong kế hoạch thoái vốn năm 2009 của SCIC cao hơn gần 4 lần con số 70 CTCP mà SCIC đã thoái vốn thành công trong năm 2008. Đâu là cơ sở để SCIC đặt ra mục tiêu khá cao trên, thưa ông?

Thứ nhất, chủ trương của Chính phủ là nhanh chóng tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối; từng bước tích tụ vốn để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực then chốt, khẳng định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Việc SCIC đẩy nhanh hơn nữa tốc độ bán vốn là nhằm thực hiện chủ trương này.

Thứ hai, có thể thấy là thị trường trong thời gian qua đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là lực cầu đã có những gia tăng đáng kể, tạo điều kiện cho việc bán vốn thuận lợi hơn.

Thứ ba, chúng tôi trông đợi năm 2009 sẽ có những điều chỉnh tích cực trong cơ chế bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng đa dạng và linh hoạt hơn trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thoái vốn trong những năm trước đây. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp trước đây khi thực hiện cổ phần hóa, nhà nước muốn bán hết phần vốn tại doanh nghiệp nhưng do nhiều lý do khác nhau nên không bán được hết. Chính vì vậy, việc bán vốn của SCIC nên được xem như giai đoạn tiếp theo trong quá trình cổ phần hóa và đòi hỏi phải có những cơ chế đặc thù. Tôi tin là nếu có được cơ chế linh hoạt thì kế hoạch bán vốn của SCIC sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ở đây tôi muốn nói thêm là khi bán vốn, SCIC đặt yêu cầu bảo toàn vốn và hiệu quả lên hàng đầu. Số lượng doanh nghiệp thoái vốn chỉ là mục tiêu thứ yếu. Hiệu quả ở đây phải xét trên cả 2 khía cạnh: hiệu quả kinh tế cho nhà nước và hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Chúng tôi không chủ trương bán vốn nhà nước bằng mọi giá. Cùng với bán vốn, chúng tôi mong muốn tìm được nhà đầu tư phù hợp cho doanh nghiệp.

Ngoài việc chủ động đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng thông thoáng và thuận lợi hơn, SCIC có những biện pháp mới nào trong năm 2009 để đẩy nhanh tốc độ thoái vốn thưa ông ?

Thứ nhất, SCIC tăng cường sự phối hợp với các địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động. Vừa qua, chúng tôi đã đi làm việc và ký kết Quy chế phối hợp với nhiều địa phương. Chúng tôi cũng chủ động gửi danh sách các doanh nghiệp mà chúng tôi dự kiến bán vốn trên địa bàn để các địa phương hỗ trợ. Trên thực tế, nhiều địa phương đã giới thiệu cho SCIC những nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp.

Thứ hai, SCIC đẩy mạnh thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, bán vốn theo nhóm. Hiện nay, SCIC đang quản lý 48 DN dược trong cả nước. Đối với các DN dược, bên cạnh khâu sản xuất thì mạng lưới phân phối và kho bảo quản là rất quan trọng. Các DN dược nhỏ thì thường nằm ở vùng sâu vùng xa, trong khi các DN dược lớn lại rất cần mạng lưới và kho chứa ở các vùng này. Do đó, SCIC chủ động làm việc với các DN dược lớn để bán cổ phần tại các DN dược nhỏ cho các DN dược phẩm lớn. Như vậy, các DN dược lớn sẽ tiết kiệm được khá nhiều kinh phí đầu tư cho mạng lưới và kho bảo quản ở vùng sâu vùng xa, trong khi các DN dược phẩm nhỏ lại bán được cổ phần với giá cả hợp lý và có lợi, đồng thời tận dụng được kinh nghiệm quản lý và hệ thống phân phối của các DN dược phẩm lớn.

Thứ ba, SCIC sẽ tăng cường hơn nữa việc tìm kiếm và tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời thông qua những kênh khác nhau để giới thiệu rộng rãi hơn cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp mà SCIC dự kiến bán vốn. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc công bố thông tin đầy đủ không chỉ giúp SCIC khẳng định sự công khai, minh bạch trong bán vốn mà còn có tác dụng thu hút các nhà đầu tư quan tâm.

Có ý kiến cho rằng những DN nằm trong danh mục bán vốn của SCIC là những DN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, giải thích của ông về vần đề này?

Tôi xin khẳng định: Việc bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không hoàn toàn là do doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả hay thua lỗ. Những DN nằm trong kế hoạch bán vốn của SCIC là những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối. Việc bán vốn cố phần nhà nước tại các doanh nghiệp này nằm trong lộ trình của SCIC nhằm tái cơ cấu phần vốn nhà nước, giảm sự dàn trải trong đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào doanh nghiệp, đồng thời tích tụ, tập trung vốn để đầu tư cho các dự án, lĩnh vực quan trọng, then chốt.

Đối với những DN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, với tư cách cổ đông SCIC sẽ cùng DN tìm mọi biện pháp để nâng cao hiệu quả trước khi bán vốn. Điển hình như chúng tôi đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu Công ty Sứ Hải Dương. Đây là công ty có thương hiệu sứ dân dụng lâu đời nhất Việt Nam nhưng những năm qua hoạt động không hiệu quả. Với đề án tái cơ cấu mà chúng tôi đang tiến hành, dự kiến công ty sẽ cắt lỗ ngay trong tháng đầu tiên bắt đầu thực hiên tái cơ cấu và duy trì việc làm cho toàn bộ cán bộ công nhân viên với thu nhập được cải thiện.

Nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến quy trình bán vốn của SCIC. Ông có thể cho biết trình tự SCIC tiến hành việc bán vốn như thế nào? Làm sao để bảo đảm tính công khai, minh bạch?

Hiện nay, SCIC chủ yếu thực hiện bán vốn nhà nước bằng phương thức bán đấu giá công khai thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, có chức năng tư vấn và bán đấu giá. Đó là các công ty chứng khoán.

Về quy trình, trước tiên là chúng tôi công bố công khai kế hoạch bán vốn. Nhà đầu tư có thể tìm hiểu các thông tin tại trang web của SCIC để biết kế hoạch này và chủ động tiếp cận doanh nghiệp nhằm đánh giá cơ hội đầu tư. Tất nhiên, thông tin trong kế hoạch chỉ là thông tin khái quát. Các thông tin chi tiết hơn về doanh nghiệp cũng như mức giá khởi điểm và quy chế bán đấu giá sẽ được SCIC, thông qua các công ty chứng khoán công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng qui định về cáo bạch thông tin. Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thể tìm kiếm thông tin tại các công ty chứng khoán và tại chính doanh nghiệp. Các cán bộ của SCIC cũng sẵn sàng giúp đỡ nhà đầu tư có quan tâm để cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc.

Từ đầu năm đến nay, SCIC đã hoàn thành bán vốn nhà nước tại 41 DN, trong đó bán hết vốn tại 36 DN, bán bớt phần vốn tại 5 DN. Tổng giá trị thu về đạt trên 153 tỷ, gấp 1,4 lần giá trị mệnh giá. Dự kiến, từ nay đến cuối năm SCIC sẽ tiếp tục bán vốn nhà nước tại 231 DN.

Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   CTCP Xi măng Hoàng Mai nộp hồ sơ đăng ký niêm yết CP tại HaSTC (26/05/2009)

>   Bong Sen Corp: Chốt DSCĐ nhận cổ tức đợt 5 năm 2008 (26/05/2009)

>   Bong Sen Corp: Thay đổi sở hữu của CĐ lớn CTCP Khách sạn SG (26/05/2009)

>   Đẩy mạnh thị trường nội địa (26/05/2009)

>   Cổ đông nhỏ lại bị tước quyền họp ĐHCĐ (25/05/2009)

>   Làn sóng chuyển nhượng CP: CTCK kỳ vọng “thay máu” (26/05/2009)

>   DIC Corp: Chốt danh sách cổ đông phát hành thêm cổ phiếu (26/05/2009)

>   DIC Corp: Chia cổ tức đợt III năm 2008 bằng cổ phiếu (26/05/2009)

>   Ngân hàng CP sẽ buộc phải có thành viên HĐQT độc lập (26/05/2009)

>   KCN “thân thiện” của Shinec: Mua hài hòa, bán thân thiện! (26/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật