Thứ Hai, 25/05/2009 15:09

Cổ đông nhỏ lại bị tước quyền họp ĐHCĐ

Muốn trực tiếp thực hiện quyền tham dự ĐHCĐ, gián tiếp thực hiện một số quyền khác, cổ đông phải đáp ứng điều kiện sở hữu từ 5.000 - 50.000 cổ phần, thậm chí là 100.000 cổ phần trở lên. Điều tưởng chừng như vô lý, thiếu công bằng này đã và đang diễn ra, bất chấp những quy định pháp luật và nỗi bức xúc của cổ đông nhỏ. Câu hỏi đặt ra là, liệu cơ quan quản lý có thể tác động để bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ?

Vi phạm ngày càng nhiều

Ngày 14/5/2009, ĐHCĐ CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Hải (Minh Hải Jostoco) đã phê chuẩn điều kiện tham dự ĐHCĐ thường niên của các cổ đông. Theo đó, từ năm 2010, cổ đông phải sở hữu từ 5.000 cổ phần trở lên mới được tham dự đại hội, cổ đông sở hữu dưới 5.000 cổ phần tập hợp lại cử đại diện tham dự. Điều đáng nói là, nghị quyết này được thông qua ngay sau khi Công ty được Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu (ngày 1/4).

Không ít công ty đại chúng khác cũng công khai điều kiện cổ đông phải đạt tỷ lệ sở hữu nhất định thì mới đủ điều kiện tham dự ĐHCĐ. Chẳng hạn, cổ đông PVFC Land phải sở hữu từ 0,1% vốn điều lệ trở lên, tương đương với việc sở hữu 500 triệu đồng mệnh giá; cổ đông CTCP Dược phẩm TW2 phải sở hữu từ 5.000 cổ phần trở lên; cổ đông Licogi 18 phải sở hữu từ 15.000 cổ phần trở lên mới được dự đại hội. Với cổ đông Lilama18, điều kiện để cổ đông, người đại diện tham dự họp ĐHCĐ thường niên năm 2008 là phải sở hữu ít nhất 35.000 cổ phần.

Trường hợp có điều kiện dự họp cao nhất theo ghi nhận của ĐTCK đến thời điểm này là CTCP Đầu tư PV-Inconess. Trong giấy mời họp ĐHCĐ thường niên năm 2009, PV-Inconess ghi rõ: "Cổ đông phải sở hữu từ 100.000 cổ phần trở lên (tương đương 1 tỷ đồng mệnh giá) mới được tham dự. Các cổ đông sở hữu dưới 100.000 cổ phần phải làm giấy ủy quyền cho cổ đông khác để có đủ sở hữu từ 100.000 cổ phần trở lên tham dự". Có lẽ, đây là công ty của các "đại gia", bởi với vốn điều lệ tại thời điểm gửi giấy mời là gần 303 tỷ đồng, với 6 cổ đông pháp nhân sáng lập thì việc quy định như trên xem ra trong số 317 cổ đông cá nhân (nguồn: website Công ty ngày 21/8/2008) có rất ít cổ đông có thể hy vọng được thực hiện quyền cơ bản là dự ĐHCĐ.

Điều lệ trái luật

Với trường hợp của Minh Hải Jostoco, chính cổ đông là những người bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi điều lệ Công ty. Bằng việc thông qua nội dung này trong cuộc họp ngày 14/5, một số cổ đông nhỏ hoặc "tự nguyện" từ chối một phần quyền cổ đông của mình hoặc "bị" từ chối. Trên thực tế, với quy định về tỷ lệ biểu quyết như hiện nay, nhiều DN tuy có số lượng lớn cổ đông nhỏ, nhưng khi bỏ phiếu quyết các vấn đề thì chỉ cần nhóm cổ đông lớn là đã đủ để quyết định được thông qua. Không hiểu, với việc thông qua nghị quyết nêu trên, Minh Hải Jostoco có được HOSE phê duyệt hồ sơ niêm yết chính thức?

Với trường hợp của Licogi 18, quy định cổ đông phải sở hữu từ 15.000 cổ phần trở lên mới được dự họp ĐHCĐ đã được đại hội thông qua chỉ 10 ngày trước ngày chào sàn (23/4/2008). Trong hơn một năm qua, điều khoản hạn chế này vẫn không được sửa đổi, nên trong phiên họp ĐHCĐ ngày 27/3/2009, nhiều cổ đông nhỏ đã không được tham dự ĐHCĐ. Thực tế này diễn ra công khai trong khi những chế tài từ nhà quản lý với DN đến nay vẫn không thấy có.

Theo một thống kê của 2 nhà nghiên cứu Rodney K.Rogers và Julia Grant (nghiên cứu trên 1.000 DN có doanh thu lớn nhất nước Mỹ giai đoạn 1993 - 1994) thì chỉ có khoảng 38% thông tin mà chuyên gia sử dụng trong phân tích được lấy từ thư của chủ tịch HĐQT và các báo cáo tài chính, trong khi 31% thông tin được lấy từ "Thảo luận và phân tích của HĐQT" (MD&A). Tại Việt Nam, khi các cổ đông nhỏ bị hạn chế quyền tiếp nhận, trao đổi và chất vấn với ban lãnh đạo tại ĐHCĐ thì làm sao có thể đảm bảo tính công bằng, minh bạch của DN? Biết rằng, DN để ngỏ trường hợp các cổ đông nhỏ ngồi lại với nhau để cử đại diện tham gia ĐHCĐ, nhưng liệu các cổ đông, nhất là cổ đông của công ty đã niêm yết có thể dễ dàng tìm đến nhau để gộp phiếu?

Dù DN đã hoặc chưa niêm yết thì việc hạn chế quyền lợi của cổ đông như vậy là không hợp lý, vi phạm Luật Doanh nghiệp về quyền của cổ đông. Với một công ty đại chúng, minh bạch thông tin không chỉ để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời đối với cổ đông hiện hữu, mà còn phải hữu ích với cả cổ đông tiềm năng. Vì vậy, việc đặt tiêu chuẩn cổ đông tham gia ĐHCĐ như trên là thực trạng nên sớm được khắc phục. Thị trường đang cần tiếng nói từ phía cơ quan quản lý để chỉ số xếp hạng mức độ bảo vệ cổ đông nhỏ của Việt Nam sẽ được cải thiện so với mức 176/181 nước như đánh giá vào năm 2008 của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2009.

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Làn sóng chuyển nhượng CP: CTCK kỳ vọng “thay máu” (26/05/2009)

>   DIC Corp: Chốt danh sách cổ đông phát hành thêm cổ phiếu (26/05/2009)

>   DIC Corp: Chia cổ tức đợt III năm 2008 bằng cổ phiếu (26/05/2009)

>   Ngân hàng CP sẽ buộc phải có thành viên HĐQT độc lập (26/05/2009)

>   KCN “thân thiện” của Shinec: Mua hài hòa, bán thân thiện! (26/05/2009)

>   Tập đoàn Bảo Việt: Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu (25/05/2009)

>   CTCP Hùng Vương: ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (25/05/2009)

>   Quan tâm điều gì ở đại hội cổ đông? (25/05/2009)

>   Tổng giám đốc OCI bị bắt (25/05/2009)

>   Thử gỡ rối cho Vietcombank (25/05/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật