KCN “thân thiện” của Shinec: Mua hài hòa, bán thân thiện!
Dự án xây dựng một khu công nghiệp mới được công bố của Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Shinec không chỉ chưa từng có tiền lệ mà còn động chạm vào vấn đề tưởng như không thể hóa giải – lấy đất nông nghiệp phát triển công nghiệp. Tổng Giám đốc Phạm Hồng Điệp nói gì về dự án đang nhiều tranh luận này?
- Ông nghĩ gì khi có quan chức nhận xét, dự án KCN “thân thiện” của Shinec là một vấn đề “vượt ra ngoài khuôn khổ tư duy, định hướng xây dựng KCN hiện tại” - có nghĩa là chưa có thực tiễn cụ thể tại Việt Nam?
Nếu đã từng sang Singapore, anh sẽ thấy các KCN ở đó rất sạch. Hiểu theo nghĩa là không khí trong lành, tỷ lệ cho cây xanh lớn, các tiêu chuẩn phát thải đều được quản lý tốt và hiệu quả. Vì sao? Tôi cho rằng không hẳn vì Singapore chủ yếu thu hút dự án sử dụng công nghệ sạch, và vì quốc gia này giám sát tốt việc quản lý môi trường. Hai nguyên nhân đó đúng, nhưng chưa đủ. Theo quan điểm của tôi, nếu không có cơ chế phù hợp, thì hiệu quả quản lý môi trường KCN của Singapore không thể tốt được. Cơ chế quản lý phù hợp là cơ chế tạo được sự cân bằng về nghĩa vụ, quyền lợi, lợi ích giữa các đối tượng mà nó điều chỉnh, để hướng tới mục tiêu phát triển của nhà hoạch định, quản lý.
Tìm hiểu cơ chế quản lý KCN tại Singapore, tôi nhận thấy có sự gắn kết về quyền lợi kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội và nghĩa vụ giữa nhà khai thác cơ sở hạ tầng và cư dân khu vực đặt KCN. Sự gắn kết này là lý do quan trọng nhất để đảm bảo môi trường hoạt động - bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường sinh hoạt cộng đồng - luôn bình ổn, đảm bảo. Và đó là điều tôi học tập để phát triển mô hình KCN của Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Shinec. Hiện nay, một số hạng mục cụ thể đã được triển khai có hiệu quả, chứ không phải chỉ là ý tưởng lý thuyết nữa (cười).
- Đó là việc hình thành các doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm... như trong đề án mà Shinec đã nói ?
Điều đó cũng vẫn chưa đủ. Quan điểm của tôi là phải xã hội hóa triệt để những vấn đề về hoạt động của KCN có liên quan tới khu vực phụ cận. KCN phải được định hướng để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nơi xây dựng nó. Và để làm được điều ấy, yêu cầu đảm bảo môi trường phải được đặt ra trước tiên, trở thành điều kiện, thành nền móng để xây dựng những hạng mục tiếp theo. Vì thế, chủ đầu tư KCN là chúng tôi không tự tay xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm môi trường trong KCN. Mà chúng tôi xây dựng quan hệ đối tác, kinh doanh ngang hàng với những doanh nghiệp chuyên trách đảm bảo công tác này trong KCN của mình. Có nghĩa là chúng tôi ràng buộc, giám sát nhau bằng những hợp đồng kinh doanh với điều khoản cụ thể, chứ không chỉ bằng cam kết khó thực hiện. Đó là cơ sở, là điều kiện để chúng tôi đảm bảo công tác bảo vệ môi trường tại KCN luôn tốt, đạt và vượt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường ISO 14.001.
Đương nhiên, nếu phương án kinh tế chúng tôi đưa ra có lợi thì sẽ có người đầu tư thực hiện thôi. Cụ thể thì hiện tại KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) chúng tôi đã thành lập công ty chuyên lo xử lý nước thải, thu dọn công nghiệp... Các nhà máy xử lý nước thải, rác công nghiệp cũng đang được triển khai xây dựng. Nhưng đó chỉ là một phần của công tác xã hội hóa. Hiện chúng tôi đang duy trì một nhóm cử nhân xã hội học chuyên nghiên cứu về truyền thống, tập tục, thói quen sinh hoạt của cư dân địa phương. Kết quả nghiên cứu này là tiền đề để hình thành những doanh nghiệp có sự tham gia của người dân địa phương, hoạt động phụ thuộc vào vùng ảnh hưởng của mô hình KCN là trung tâm.
Phải chăng ông định “biến” nông dân thành... cổ đông công ty cổ phần? Nghe khó tin quá!
(Cười) Tôi lấy ví dụ thế này để anh tự đánh giá. Toàn bộ chiều dài ranh giới và đường trục chính trong KCN Nam Cầu Kiền là 24 km. Tại những tuyến này, chúng tôi dành 40m chiều rộng để xây dựng vành đai cây xanh. Như vậy, tổng diện tích của vành đai này là 9,6 ha đất và sẽ là nơi hoạt động của một doanh nghiệp có sự tham gia góp vốn, làm việc trực tiếp của những cư dân bản địa. Doanh nghiệp này ký hợp đồng với chủ đầu tư KCN để được hỗ trợ kỹ thuật, được sử dụng diện tích trên để đầu tư trồng và thu lợi từ các loại cây ngắn ngày, dài ngày. Với các loại cây ngắn ngày (trồng xen với cây dài ngày, giá trị kinh tế cao) thời gian quay vòng vốn của họ sẽ từ 3 - 6 tháng, tức là sẽ đảm bảo thu nhập hàng tháng thấp nhất cũng phải ổn định cho người trồng. Với các loại cây dài ngày thì một vòng vốn cũng chỉ từ 5 - 7 năm sẽ đảm bảo tích lũy cho họ. Điều này tôi đã dựng thành bài toán thu nhập cụ thể, chi tiết và thể hiện trong đề án với mục tiêu là đảm bảo mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng/hộ nông dân tham gia. Hiện đã xây dựng phương án kinh doanh. Ngược lại công ty chúng tôi ràng buộc doanh nghiệp này bằng quy hoạch, định hướng hạ tầng và điều tiết ngay trong hợp đồng hợp tác cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho KCN. Cần nói rõ là không chỉ vành đai, mà có thể cả khu vực quanh KCN sẽ được biến thành khu cung cấp thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của không chỉ KCN, mà của nhiều nơi khác.
- Vậy thì nông dân lấy đâu ra vốn để góp vào doanh nghiệp này?
Có rất nhiều nguồn. Chưa bàn tới nguồn từ chính tiền đền bù thu hồi đất, thì nông dân có thể vay từ chính doanh nghiệp nơi họ góp vốn hoặc từ chủ đầu tư KCN. Dĩ nhiên đã vay thì phải có điều kiện ràng buộc cụ thể. Nhưng theo tôi nguồn tiền hiệu quả nhất là vay ngân hàng, hoặc vay tín chấp từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Lượng vay thực ra không lớn, chỉ 10 - 20 triệu đồng/hộ và việc góp vốn cũng chủ yếu để ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm của bà con mà thôi.
- Ông vừa nói tới một vấn đề mới! Dường như hiện nay chưa có cơ chế cho vay phát triển nông nghiệp nhưng sử dụng hạ tầng của... KCN. Như vậy thì phải chăng chủ đầu tư KCN chỉ còn mỗi “cửa” tự bỏ vốn cho bà con vay và không biết thế nào nếu có rủi ro?
Trong đề án tôi đã xây dựng mô hình tương tác giữa KCN và khu vực dân cư xung quanh. Trong đó chất lượng đảm bảo môi trường của KCN đóng vai trò then chốt nhưng vẫn cần có hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước. Hỗ trợ cụ thể là nới lỏng về điều kiện cho bà con vay vốn. Nếu so sánh thì cho vay phát triển nông nghiệp nhưng sử dụng hạ tầng của KCN còn an toàn gấp nhiều lần so với phương thức truyền thống. Vì bà con được chúng tôi hỗ trợ phương án kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng đã có: phục vụ nhu cầu KCN. Nhìn từ góc độ quản lý thì càng nên có cơ chế khuyến khích này. Vì khi huy động được nhiều nguồn lực xã hội để cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động của KCN, thì nguồn vốn xây dựng sẽ được chủ đầu tư sử dụng tập trung, hiệu quả hơn để xây dựng chính KCN ấy. Thay vì dàn trải, mỗi nơi một ít và cuối cùng chẳng có hạng mục nào hiệu quả đúng như nó phải đạt tới. Nếu có lợi như thế, lẽ nào không điều chỉnh cơ chế để khuyến khích phát triển mô hình hợp tác thân thiện kiểu này ?
Cái khó khi áp dụng ý tưởng KCN sạch, hay rộng hơn là KCN sinh thái tại Việt Nam hiện nay là thiếu một chiến lược, định hướng cụ thể với mô hình này. Và từ đó thiếu luôn hệ thống cơ sở pháp lý có nội dung khuyến khích sự ra đời và vận hành của mô hình KCN kiểu ấy. Các chế tài, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang ngày càng nhiều, nhưng thực tế lại vận dụng khá biệt lập và thiếu tính thống nhất, hiệu quả trong phối hợp với các hệ thống pháp lý định hướng hoạt động của doanh nghiệp khác. Tôi nghĩ đó là điểm hạn chế của pháp luật về môi trường của Việt Nam trong tương quan với các hệ thống pháp luật khác.
- Ngoài việc cung cấp lao động trực tiếp và gián tiếp qua hoạt động nông nghiệp cung cấp thực phẩm, người dân khu vực xung quanh còn có cơ hội gì với mô hình KCN, như ông nói là thân thiện ấy?
Còn rất nhiều, chúng tôi tính toán và đã xây dựng các phương án hình thành các chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên… ngay trong KCN và do người dân địa phương khai thác, thụ hưởng kết quả nhưng với sự quản lý, định hướng của chúng tôi. Nếu đưa người nông dân trong khu vực tham gia nhiều hơn vào hoạt động của KCN, thì sẽ xóa được trạng thái tồn tại biệt lập về không gian, về tổ chức xã hội, phong tục của KCN với môi trường xã hội xung quanh. Nếu như không nói là tạo khả năng tương tác, hòa nhập yên ổn về đời sống, sinh hoạt và xã hội giữa người nông dân và công nhân trong, ngoài KCN. Tôi cho rằng đây cũng là cách giảm bớt được khó khăn của Nhà nước trong giải quyết nhiều vấn đề về chế độ, chính sách, thu nhập… liên quan tới người nông dân bị thu hồi đất phát triển KCN.
- Tôi thì thấy rằng dự án KCN thân thiện không chỉ là ý định về sự thay đổi cách thức xây dựng, vận hành mô hình KCN. Mà có thể, để hiện thực hóa thành công ý định này, sẽ cần có sự đảo lộn trong cách hiểu xưa nay về vị trí, vai trò của mô hình KCN với xã hội hiện tại ? Tôi nghĩ điều đó dường như rất khó thành !
Nếu cần đảo lộn để đạt được hiệu quả cao hơn thì cũng nên làm. Một số ý tưởng này hiện đã áp dụng thực tế tại KCN Nam Cầu Kiền và chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ ngay những người dân địa phương. Và mặt khác, thực tế một số cách làm này đã giảm bớt được áp lực về vốn đầu tư đối với chúng tôi. Đồng thời lại gia tăng khả năng thực hiện các cam kết về môi trường, lao động… Điều chúng tôi mong muốn là tìm được cách hiệu quả nhất để tăng đóng góp thực tế của KCN với đời sống xã hội, ít ra là tại khu vực xung quanh KCN ấy. Tức là, theo ý tôi, KCN sẽ thực sự trở thành hạt nhân, và là trung tâm kéo sự phát triển của khu vực nơi nó tồn tại.
- Với một dự án còn khiến người ta ngỡ ngàng nếu không muốn nói là hồ nghi, việc triển khai hẳn là không theo cách thông thường?
Khối người không tin tôi, nhưng cũng không ít người thấy… thích. Chẳng hạn như đã có đối tác ký hợp đồng và triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải, vận hành mô hình thu dọn rác công nghiệp tại dự án KCN Nam Cầu Kiền ngay từ khi chúng tôi mới triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Ý tưởng về sự ra đời mô hình doanh nghiệp nông nghiệp cung cấp thực phẩm cho KCN đã thành hiện thực với việc thành lập Công ty cổ phần sinh thái 4S. Chúng tôi đã mua hàng vạn cây xanh để công ty này trồng quanh vành đai và các đường nội bộ trong KCN. Việc xây dựng phương án kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp này cũng đã hoàn tất với sự tham gia của rất nhiều bà con nông dân bị mất đất cho KCN. Những công việc thu thập, phân loại, đánh giá các tập tục, truyền thống văn hóa, lễ hội… tại huyện Thủy Nguyên và 4 xã nơi dự án KCN của chúng tôi lấy đất đang được một nhóm nhân viên xã hội học của công ty chúng tôi tiến hành.
Tôi nghĩ nếu dự án của mình không có “hy vọng” thực tế hóa, chắc gì đã nhận được sự quan tâm chứ chưa nói tới ủng hộ từ cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân như thế? Và nếu đã nhận được từng ấy sự quan tâm, thì tôi cũng dám đi buôn cái sự hài hòa, bán sự thân thiện lắm chứ (cười).
Cái khó để triển khai KCN sinh thái chính là thiếu chiến lược, định hướng cụ thể với mô hình này
- Trân trọng cảm ơn ông !
Quốc Dũng
Diễn đàn Doanh nghiệp
|