Cổ phiếu phân hóa
TTCK VN từ đầu năm đến nay đã thiết lập nhiều kỷ lục khác nhau và có những diễn biến khó đoán. Theo các nhà phân tích, yếu tố chủ yếu tác động đến chỉ số VN-Index là diễn biến của nền kinh tế và tâm lý của nhà đầu tư. Khi hàng loạt DN chính thức công bố báo cáo tài chính quý 1/2009 thì trên sàn, cổ phiếu cũng bắt đầu có sự phân hóa tùy "sức khỏe” hoạt động kinh doanh của các Cty niêm yết.
Khép lại 20 phiên giao dịch của tháng 4, VN-Index đã có mức tăng 40,96 điểm trong khi HaSTC cũng có thêm 14,17 điểm. Hơn 80% cổ phiếu tăng giá trong tháng 4 và dòng tiền vẫn kiên trì bám trụ thị trường.
Thận trọng
Các nhà phân tích vẫn cho rằng, thị trường hiện đang ở vào thời điểm nhạy cảm. Tình hình thế giới có nhiều biến động mạnh như tình hình dịch cúm lợn, thông tin xấu từ kinh tế Mỹ nên những nhà đầu tư (NĐT) thận trọng chỉ mới giải ngân khoảng vài chục phần trăm tiền trong tài khoản còn lại để chờ.
Bức tranh toàn cảnh hiện tại của nền kinh tế VN đã có những chuyển biến tích cực, cho thấy nền kinh tế vĩ mô sẽ có kết quả tương đối lạc quan trong năm nay. Các chỉ số vĩ mô về sản xuất công nghiệp, những ước tính sơ bộ về xuất nhập khẩu và chỉ số tiêu dùng CPI vừa được công bố đều khẳng định nền kinh tế năm nay đang dần hạ cánh an toàn. Bù lãi suất đã có tác động tích cực. Những thông số đầu tiên cho thấy xuất khẩu tháng 4 giảm 12.5% so với tháng 3 và giảm 8.6% so với cùng kỳ năm trước xuống 4.65 tỷ USD. Con số này đánh dấu một sự đảo chiều hoàn toàn sau 2 tháng có tốc độ tăng trưởng dương theo tháng.
Xét từ yếu tố kinh tế vĩ mô, tin tức cho thấy thời kỳ suy thoái của kinh tế Mỹ đã có sự chuyển biến, các ngân hàng nước này dần hồi phục và bắt đầu có lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm thời gian và dữ liệu để nhận định "sức khoẻ " của các nền kinh tế.
Mặc dù các chuyên gia có những quan điểm khác nhau về thứ tự ảnh hưởng của các nhân tố khách quan tới VN-Index, nhưng tất cả đều thống nhất rằng yếu tố tâm lý đang chi phối mạnh nhất đến tình hình giao dịch của thị trường, dù NĐT hiện đã có nhiều kinh nghiệm, biết kết hợp các phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để đầu tư... “Khi nào thị trường vẫn còn bị tác động bởi yếu tố bên ngoài thì phân tích kỹ thuật khó có thể phát huy thật tốt hiệu quả của nó” – một NĐT cho biết.
Tiền vào chứng khoán sẽ tăng
Khi thị trường tăng một thời gian, tâm lý hưng phấn và tự tin chiếm ngự hầu hết các NĐT đồng thời, thị trường lôi cuốn nhiều làn sóng NĐT mới. Trên thực tế, một số Cty chứng khoán cũng còn đang giữ khối lượng tiền mặt hoặc trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Số tiền này đang tìm cơ hội giải ngân vào cổ phiếu do giá cổ phiếu đang ở mức thấp. Tùy diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới mà dòng tiền này sẽ tìm cơ hội giải ngân vào những cổ phiếu tốt. Còn trên tài khoản giao dịch chứng khoán của các tổ chức và cá nhân, khoản tiền thu về sau đợt bán chốt lãi trong đợt TTCK nổi sóng vừa qua hầu hết vẫn trụ lại trên thị trường.
Trong gần một tháng trở lại đây, khối NĐT nước ngoài có xu hướng quay lại mua ròng trái phiếu với quy mô lớn trên TTCK VN. Dù còn bán ròng cổ phiếu nhưng quy mô bán đã giảm và NĐT ngoại đẩy mạnh mua những cổ phiếu có tiềm năng kinh doanh trong dài hạn. Dù động thái mua vào còn thận trọng nhưng đây chính là những dấu hiệu quan trọng cho thấy khối ngoại bắt đầu quay lại thị trường. Đây chính là nhân tố kéo VN - Index đi lên trong thời gian tới và dòng tiền vào chứng khoán sẽ tăng lại.
Chọn hàng nào ?
Một số tổ chức đầu tư trong nước đang nắm giữ một lượng tiền mặt lớn và đang có kế hoạch chuyển dần lượng tiền mặt trái phiếu sang cổ phiếu. Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Cty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, SSI hiện còn khoảng 700 tỷ đồng tiền mặt chưa kể trái phiếu và cổ phiếu các loại. Trong danh mục đầu tư của SSI, gồm cổ phiếu của các Cty đầu ngành như có tính thanh khoản cao như VSH, TBC, HAG. Ông Hưng cũng cho biết: SSI sẽ ưu tiên quản lý rủi ro và tận dụng cơ hội đầu tư vì "theo tôi, thị trường ở giai đoạn sáng thì chưa sáng, nhưng tối hơn nữa thì khó".
Quỹ đầu tư Prudential còn khoảng 350 tỷ đồng tiền mặt và trái phiếu sẽ tìm địa điểm để giải ngân ít nhất 30% trong năm nay hoặc có thể giải ngân nhiều hơn, tới 70% giá trị tài sản ròng của Quỹ.
Tuy nhiên bên cạnh tín hiệu khởi sắc trong vấn đề đầu tư dài hạn của các NĐT nước ngoài, NĐT cá nhân nên quan tâm đến xu hướng hiện thực hóa lợi nhuận trong ngắn hạn của các NĐT nay, một chuyên gia chứng khoán nhận xét. Ông này nhận định, trong thời gian gần đây, một số cổ phiếu như SSI, TDH, HPG, DPM được NĐT nước ngoài mua nhiều nhất nhưng cũng được họ đặt bán nhiều nhất. Nguyên nhân là những NĐT mua những cổ phiếu nay ở giá thấp và hiện thực hóa lợi nhuận, trong khi số khác lại mua vào để đón đầu một chu kỳ phục hồi mới ở phía trước. Việc thực hóa lợi nhuận, bán cổ phiếu không phải là rút vốn khỏi thị trường mà là quay vòng vốn nhanh bằng việc mua lại chính cổ phiếu đã bán ở mức giá thấp hơn hay các cổ phiếu khác, chuyên gia nay nhận xét.
Tới đây, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2009 sẽ làm phân hóa mạnh giá các cổ phiếu. Xét toàn cục, nếu VN-Index giảm thì ở những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt giá sẽ vững và tăng mạnh khi thị trường vào xu hướng tăng. Theo đó, nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan tương đối vững giá. Ngược lại, nhóm có kết quả kinh doanh không tốt rất dễ quay đầu giảm mạnh. NĐT trong nước cần có sự nhìn nhận khá chính xác đối với kết quả kinh doanh của các DN để đưa ra quyết định đầu tư cụ thể.
Trong những phiên giao dịch vừa qua, có thể nhận thấy rõ, nhiều cổ phiếu bluechips có sức đề kháng khá tốt trước tình hình kinh tế khó khăn. Chẳng hạn như cổ phiếu PVD của TCty cổ phần khoan và dịch vụ dầu khí; PPC của Nhiệt điện Phả lại khi thông báo lợi nhuận của quý 1/2009 đạt được gần chỉ tiêu cả năm. Các cổ phiếu blue-chips đã tăng khá mạnh trong thời gian qua khi thị trường “nóng” trở lại. Ngay cả trong những phiên thị trường mất điểm, các cổ phiếu này vẫn "trụ" khá tốt nhờ kết quả kinh doanh khả quan của quý 1.
Theo một chuyên gia tài chính chứng khoán, đây là thời điểm thích hợp cho việc lập danh mục đầu tư. Cty cổ phần chứng khoán Đại Việt cũng nhận định, thị trường sẽ phân hóa, giằng co mạnh sau khi các DN công bố báo cáo quý 1/2009. Việc công bố báo cáo tài chính quý 1 năm nay đã vào giai đoạn cuối, các cổ phiếu cũng đã có sự phân hóa rõ rệt và chứng khoán đang răng cưa trở lại trong sự chọn lọc của các NĐT.
Việc thực hóa lợi nhuận, bán cổ phiếu không phải là rút vốn khỏi thị trường mà là quay vòng vốn nhanh bằng việc mua lại chính cổ phiếu đã bán ở mức giá thấp hơn hay các cổ phiếu khác.
Nguyễn Phương
Diễn đàn Doanh nghiệp
|