Phạt tiền 2 thành viên ttvnol.com.vn xúc phạm CTCK VNDirect
Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội vừa phạt tiền 2 người vì xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín ty chứng khoán VNDirect trên diễn đàn chứng khoán ttvnol.com.vn và sanotc.com.
Nhiều người thường cho rằng chỉ với một cái nick vô danh trên các diễn đàn là họ có thể “nói gì tùy thích”. Nhưng thực tế, tất cả đều phải chịu trách nhiệm với hành động của mình trên mạng.
Các mạng xã hội phát triển, cơ hội để mọi người được trao đổi thông tin cũng dễ dàng hơn. Thông tin mà các trang diễn đàn mang lại không chỉ bó hẹp trong phạm vi những người tham gia mà còn có tác động như một kênh thông tin truyền thông. Vì vậy, cũng có không ít người cho rằng, chỉ với một cái nick gần như vô danh trên một diễn đàn, họ có thể nói gì tùy thích, dù là vô hại hay có hại, vô tình hay cố ý, bởi chẳng ai biết mình là ai.
Gần đây nhất, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội vừa xử phạt 2 đối tượng mỗi người 15 triệu đồng với lý do: có hành vi cung cấp thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của Công ty chứng khoán VNDirect. Thông tin gây bất lợi cho công ty này được 2 đối tượng đưa tại diễn đàn thị trường chứng khoán của mạng Trái tim Việt Nam Online (ttvnol.com.vn) và diễn đàn của sàn chứng khoán OTC (sanotc.com) được xác định là hoàn toàn sai sự thật.
Theo lời khai thì họ chỉ “nghe nói” và đưa lên các mạng trên với ý định “cảnh báo cho các khách hàng của VNDirect, không có ý bôi xấu thương hiệu”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, thực chất 2 đối tượng hoàn toàn không “vô tư” theo như lời khai trong việc đưa thông tin lên mạng bởi một trong 2 người là nhân viên của một công ty chứng khoán khác. Họ đã cố ý bôi xấu người khác. Mặc dù vậy, ông Minh cũng nhấn mạnh, cho dù một hành vi là vô tình hay cố ý nhưng chỉ cần khi có khiếu nại của tổ chức bị hại và cơ quan có thẩm quyền xác định những thông tin đó là sai sự thật thì đương nhiên hành vi đó đã là trái pháp luật.
Khi được hỏi, làm thế nào để xác định được danh tính của một cá nhân khi tham gia trên diễn đàn chỉ với một cái nick và những thông tin đăng ký khó có thể kiểm chứng được là đúng hay không, ông Minh cho biết, hiện nay, các thông tin đưa trên mạng đều có lưu lại, để phục vụ cho công tác quản lý.
Cũng tương tự như việc sử dụng thuê bao điện thoại trả trước, nếu như trước đây nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ suất trong quản lý của các nhà mạng, không nắm được ai là người sử dụng sim điện thoại đó, để thực hiện những hành vi xấu như: trộm cắp cước viễn thông, nhắn tin quấy rối… thì đến nay thì việc quản lý điện thoại di động trả trước đã tốt hơn rất nhiều.
Vì vậy, khi đã bị xác định là đưa tin sai sự thật, việc xem xét tới tình tiết “cố tình” hay “vô tình”, có thái độ hợp tác hay ngoan cố trước cơ quan quản lý nhà nước… chỉ là căn cứ phụ để cân nhắc đến việc giảm nhẹ hoặc tăng nặng chứ không có tác dụng xóa bỏ hình phạt xử lý.
Thế nhưng điều này không phải ai cũng hiểu. Khi tham gia các diễn đàn, mọi người thường nói vô tư bởi cho rằng “không ai biết mình” và thường sử dụng các câu “tôi nghe nói…” hoặc “hình như…” để thể hiện sự khách quan của mình. Trên thực tế, Nhà nước đã có nhiều văn bản để quản lý các hoạt động trên mạng Internet như Luật CNTT năm 2006, Nghị định 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam và hàng chục thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện nghị định 97, Nghị định 63/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT... Đó là những văn bản thể hiện vai trò quản lý của nhà nước trong lĩnh vực CNTT, đòi hỏi các cá nhân, tổ chức nào tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đều phải nắm được và tuân thủ.
Theo ông Minh, mọi công dân đều có quyền tham gia, trao đổi trên các diễn đàn, blog, mạng xã hội… “Không ai có thể cấm họ nói và chúng tôi cũng không bao giờ cấm”, ông Minh nói, “tuy nhiên, Luật Công nghệ thông tin cũng có quy định cụ thể về nội dung thông tin được đăng tải, đưa lên khi trao đổi, đưa thông tin trên mạng Internet. Cụ thể là Luật quy định cấm đưa thông tin sai sự thật, nói xấu, xúc phạm người khác trên diễn đàn”.
Chị Phương Mai (Hà Nội) cho biết, chị có tham gia trên diễn đàn webtretho, một diễn đàn khá “nổi” có lượng người truy cập tương đối lớn và cũng nhờ đó giải quyết được một số công việc riêng tư một cách suôn sẻ, thuận tiện. Tuy nhiên, chị phàn nàn: “Gần đây, liên tục có người gọi đến số điện thoại của mình hỏi mua máy hút sữa trong khi cách đây đã vài tháng mình có đăng thông tin cần mua chứ không phải bán và có để lại số điện thoại cá nhân”. Vì sự “phiền hà” không nhiều nên chị Mai không quan tâm tới việc truy tìm nguồn thông tin sai đó, tuy nhiên chị cũng phân vân không biết liệu số điện thoại cá nhân chị đã đưa lên diễn đàn có bị sử dụng vào những việc khác mà chị không biết.
Ông Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, mọi người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ xã hội đều có nghĩa vụ nghiên cứu, tìm hiểu các quy định về lĩnh vực cụ thể mà mình tham gia. Ông ví von: “Một cá nhân tham gia giao thông không thể viện lý do “tôi chưa biết quy định có đèn đỏ phải dừng” để được quyền vượt đèn đỏ. Tương tự như vậy, khi một người tham gia vào các hoạt động trên mạng Internet, cụ thể như việc tham gia cung cấp, đưa thông tin, trao đổi, bày tỏ quan điểm, ý kiến trên diễn đàn, mạng xã hội… bắt buộc phải đọc, tìm hiểu văn bản quy định của Nhà nước về các hoạt động trên mạng Internet, phải nắm được điều gì được phép cũng như những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm”.
Song Minh
ICTNEWS
|