Chủ Nhật, 12/04/2009 11:09

Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước:

Sẽ kiểm soát chặt giao dịch nội gián

Vóc nhỏ nhắn thư sinh, ánh mắt luôn nhìn thẳng, ông dễ tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện. Khó tin, đây là con người hay khiến giới đầu tư chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết e ngại - Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Hoàng Đức Long.

Xử phạt, phải có tâm

Cái se lạnh còn sót lại cuối đông. Câu chuyện với ông diễn ra trong căn phòng nhỏ khiêm tốn nằm trên tầng 3 tòa nhà Ủy ban (vốn rất chật hẹp bởi hàng xấp hồ sơ được chất cao từ đất đến trên lưng cửa sổ nay đã quang đi rất nhiều nhờ vừa được dọn)…

Ông có nhớ đã ký bao nhiêu quyết định xử phạt không, có trường hợp nào khiến ông do dự không ?

Tháng 1/2007, Luật Chứng khoán có hiệu lực thì chỉ ba tháng sau đó chúng tôi có Nghị định 36 về xử phạt vi phạm chứng khoán. Nếu thống kê, tôi nghĩ cũng kha khá đấy. Năm 2007 là gần 100 quyết định; năm 2008 là 136 quyết định; còn trong quý I/2009 khoảng vài chục cái.

Chuyện do dự có nhưng là để cân nhắc mức xử phạt thôi. Chẳng hạn, năm 2007 nở rộ nhiều Cty phát hành ra đại chúng mà không xin phép. Về nguyên tắc, chúng tôi phải xử phạt, nhưng tôi biết có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Do thời gian quá gấp, hồ sơ xin phép gửi Ủy ban bị dồn cứng, lại muốn tận dụng cơ hội huy động vốn để không lỡ kế hoạch mở rộng sản xuất nên doanh nghiệp chấp nhận làm sai. Thế nên, có trường hợp chúng tôi chỉ phạt ở mức nhẹ nhất.

Như vậy thanh tra phải soi từ nhiều góc độ chứ không chỉ căn cứ vào nguyên tắc?

Đúng thế. Xử phạt nhiều không có nghĩa là tốt. Bên cạnh nguyên tắc, xử phạt phải có cái tâm! Trong bối cảnh thị trường đi xuống lúc này, theo tôi, việc nâng mức xử phạt là cần thiết nhưng nâng đến bao nhiêu thì phải xem xét kỹ. 500 triệu đồng/lần phạt là khoản tiền lớn, áp dụng vào hoàn cảnh lúc này, có nên không?

Ở vị trí như ông, có chuyện tổ chức hay cá nhân mắc lỗi đến xin xỏ để không bị phạt hay gợi ý đưa quà?

Thực ra cũng có chuyện xin, đại loại người thì muốn hạ mức phạt, người thì năn nỉ mình làm ngơ. Để tránh những chuyện đấy, tôi không tiếp họ một mình trong phòng làm việc.

Đi ăn cơm, nhận quà cũng khéo chối. Dịp áp Tết vừa rồi, anh em đi thanh tra một cá nhân giao dịch trên 17 tài khoản. Tôi biết, người ta cũng có suy nghĩ có khi mấy ông này đi để kiếm tiền ăn Tết. Thế là phải đến trực tiếp động viên anh em và bảo, kệ họ, mình cứ làm, đúng thì thôi.

Sẽ có tội danh về chứng khoán

Góp công xây dựng hai chương về thanh tra  và xử lý vi phạm trong Luật Chứng khoán, cùng nhiều nghị định, thông tư, ở thị trường chứng khoán còn non trẻ như Việt Nam, ông có thấy việc luận tội là khó?

Trước khi xây dựng luật, chúng tôi tham khảo  thị trường ở nhiều nước, nhất là có sự tư vấn giúp đỡ của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ. Nhưng, ở các nước, bản thân họ cũng giấu nhiều quy trình phát hiện (nhiều cái buộc phải bí mật), do đó chúng tôi phải tự mày mò, tìm kiếm.

Để phát hiện một giao dịch nội gián, chúng tôi phải qua bốn bước (với sở giao dịch chứng khoán, Cty chứng khoán, tổ chức niêm yết, cuối cùng mới đến đối chất với nhà đầu tư).

Cái khó là phải dựng toàn bộ hiện trường như ngày giờ khớp lệnh, tạo ra bao nhiêu chênh lệch, dữ liệu nhập lệnh có đúng quy định không, đấu tranh với nhân viên Cty chứng khoán. Nói chung, để bắt được lỗi vi phạm của nhà đầu tư hay tổ chức không hề đơn giản.

Hai năm qua, ông có nhớ phát hiện và xử lý bao nhiêu trường hợp giao dịch nội gián?

Khoảng 5 - 6 trường hợp gì đó. Điển hình nhất là hai nhà đầu tư Thành và Minh là hai anh em ruột có tài khoản ở Cty Chứng khoán SSI và Cty Chứng khoán Thăng Long liên tục mua - bán chứng chỉ của VF1 (Cty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam).

Những ngày đó, có ngày họ mua tới 90 phần trăm lượng cổ phiếu giao dịch trên sàn. Chúng tôi giám sát, nhận thấy VF1 không công bố bất cứ thông tin nào cả, vậy mà giá  xuống rất nhanh. Phát hiện đó đã cứu Cty Chứng khoán Bảo Việt (đơn vị bảo lãnh phát hành VF1) khỏi khoản thua lỗ  lớn.

Hay như trường hợp ông Trương Đình Khởi - nhà đầu tư tại ACBS - cũng vậy. Ông này thao túng cổ phiếu Sacombank trong một thời gian dài với khối lượng tiền khá lớn (phải có sự tiếp tay).

Khi kiểm tra, thay cho ông Khởi, toàn bộ lệnh có chữ ký của nhân viên Cty chứng khoán. Dò hết bốn bước, chúng tôi triệu tập ông Khởi đến. Ông ấy nhận rồi lập tức phủ nhận. Chúng tôi phải triệu tập ông ấy ra ngoài Hà Nội và đưa ra chứng cứ thuyết phục. Lúc đó, ông ấy không thể chối được nữa và xin rút đơn ngay.

Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài nghĩ gì về tính minh bạch của TTCK Việt Nam?

Từ hai trường hợp trên, họ đánh giá rất cao công tác thanh tra của Ủy ban Chứng khoán. Vừa rồi, tôi có xử phạt một Cty xuất nhập khẩu do các cá nhân có liên quan đến một thành viên HĐQT biết trước thông tin đã mua cổ phiếu trên thị trường để trục lợi. Ở các nước khác, với hành vi giao dịch như vậy, ngoài phạt tiền, người vi phạm bị phạt tù.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói đã đến lúc chúng ta phải quan tâm bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Có ở trong chăn, mới hiểu đúng là nhiều khi nhà đầu tư nhỏ tội nghiệp lắm: báo cáo tài chính thì không biết đọc (trong khi báo cáo kiểm toán của nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có thể để mức lãi - lỗ theo ý mình), rồi thông tin nội bộ có thể bị rò rỉ chỉ có lợi cho doanh nghiệp, người nhà…

Tôi không có bất cứ cổ phiếu nào

Ông có sở hữu cổ phiếu hay không thưa ông?

À, có lần tôi đi giảng bài, nhà đầu tư gặp tôi bảo: Ông thế nào chẳng mua chứng khoán. Tôi trả lời đúng là tôi có thể mua nhưng như thế sẽ không tránh khỏi việc bị lợi dụng. Tôi không có bất cứ cổ phiếu nào.

Có trường hợp mời tôi mua cổ phiếu ưu đãi nhưng tôi không mua... Không phải tôi không biết đó là tiền là bạc, có nơi bởi họ quý mình thực lòng chứ không phải chỉ toàn lợi dụng. Nhưng cứ nghĩ, nếu tôi mà mua, sau này có chuyện gì bên họ, tôi sẽ ăn nói xử lý thế nào.

Đó có thể cũng là cái thiệt thòi cho tôi. Nhưng biết đâu đấy, khi chuyển sang lĩnh vực khác ít liên quan chứng khoán, có thể tôi sẽ tham gia vào thị trường. Chứ cứ như bây giờ toàn mang tiếng: “Mua thì không, cho không lấy, khó khăn lạnh lùng...”.

Thế còn vợ con, bạn bè, người thân, chẳng lẽ lại không từng bị nhờ vả? Hay một sức ép nào khác.

Năm ngoái năm kia khi thị trường phát triển tôi cũng bị phiền. Chuyện bạn bè, nhờ cậy khi nghe tin vợ có ông chồng làm vụ trưởng bên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chắc chắn là có.

Có lần vợ tôi trách: “Ông ngồi ở ghế thanh tra mà vợ con chẳng được nhờ gì”. Nói thế chứ sau này bà ấy và các con cũng hiểu. Mà thực ra bà ấy cũng quá bận (phó giám đốc chi nhánh cấp một của ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn - PV).

Còn sức ép khác là điều không thể tránh. Thế nên nhiều khi tôi vẫn bị mang tiếng là kẻ cứng nhắc. Đôi lúc còn lẩn thẩn: “Đúng là biết lắm, khổ nhiều”. Nhưng tôi vẫn nghĩ, cái gì đúng và tốt cho thị trường thì làm.

Để trọn vẹn mọi bề, ông nhờ vào điều gì: những nguyên tắc tự đặt ra, một hình mẫu nào đó?

Bình thường, lúc rảnh rỗi tôi hay xem chương trình thế giới động vật trên  ti vi. Đôi lúc tự hỏi: “Con vật sống với nhau bầy đàn tính tập thể cao như vậy, con người thì sao?”. Trong cuộc sống, tôi vẫn quan niệm: “Mình có tâm, mọi việc sẽ đến với mình đầy đủ”. Không phải nhiều tiền hay chức to đã là hạnh phúc”.

Sau một thời gian dài làm thanh tra ngân hàng nhà nước, thư ký Thống đốc (thời ông Lữ Huy Châu) năm 1997, ông về công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Gần 30 năm công tác trong lĩnh vực thanh tra trong đó có hơn 12 năm trên cương vị Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán, hai năm trở lại đây, kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, các tổ chức niêm yết, nhà đầu tư quen với việc nhìn tên ông Hoàng Đức Long mỗi khi trang web của Ủy ban công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính một cá nhân hay tổ chức nào đó. Với nhiều đóng góp cho hoạt động ngành, ông từng nhận nhiều danh hiệu trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Có lần, một tổ chức sẽ bị xử phạt gọi cho tôi: “Ông cứ xử phạt nhưng chỉ ghi mức phạt bằng một nửa quy định thôi. Chúng tôi sẵn sàng nộp đủ và phần nửa còn lại để dành cho ông”. Tôi bảo: “Anh mà làm vậy, tôi báo cáo lên trên ngay đấy, và anh lại phạm tội đưa hối lộ…”. Thực ra, trước khi sang Ủy ban Chứng khoán tôi làm thanh tra Ngân hàng Nhà nước nên thấy những gợi ý, cám dỗ đó không có gì mới.

Khánh Huyền

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   HAX: Quý 1/2009 đạt 31% kế hoạch lợi nhuận cả năm (11/04/2009)

>   STC: Đa dạng hoạt động với mô hình công ty mẹ - công ty con (11/04/2009)

>   OPC: Cổ đông chất vấn việc xử lý nước thải nhà máy dược (11/04/2009)

>   TDH: Cổ đông hoan hỉ với kết quả kinh doanh 2008 (11/04/2009)

>   SFN: ĐHĐCĐ  thông qua kế hoạch chuyển niêm yết ra Hà Nội (11/04/2009)

>   PVE: ĐHCĐ thông qua kế hoạch tăng lợi nhuận 36% trong 2009 (11/04/2009)

>   GMC: Lợi nhuận đạt 8,5 tỷ đồng trong quý 1/2009 (11/04/2009)

>   Vốn khả dụng của CTCK: Thay đổi cách tính hay… làm ngơ? (11/04/2009)

>   Công ty chứng khoán và những cái chết lâm sàng (10/04/2009)

>   PVI: Nghị quyết ĐHĐCĐ lấy ý kiến bằng văn bản (11/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật