Vốn khả dụng của CTCK: Thay đổi cách tính hay… làm ngơ?
“Nếu cứ quy định cách tính vốn khả dụng (VKD) như hiện nay, chắc chắn không ít CTCK phải đối diện với nguy cơ bị rút giấy phép”, lãnh đạo một CTCK lớn cho biết. Nhưng, phó giám đốc một CTCK khác lại nói: “Trong tháng, CTCK có thể không đảm bảo yêu cầu tỷ lệ VKD/tổng nợ điều chỉnh, nhưng có vô số cách để biến chỉ tiêu này “đẹp” vào cuối tháng!”… Đây là điều đã và đang tồn tại, mà nguyên nhân xuất phát từ thực trạng thua lỗ của CTCK và cả từ quy định của cơ quan quản lý.
Thực trạng bất hợp lý
Chưa đủ thời gian để người viết tìm hiểu đầy đủ kỹ năng CTCK “hô biến” tỷ lệ VKD/tổng nợ điều chỉnh về mức không thấp hơn 6%, nhưng theo lời của vị phó giám đốc CTCK trên, tình trạng này không thiếu! Với cách tính hiện nay, CTCK có khoản tự doanh lớn mà việc thua lỗ làm giảm giá trị vốn chủ sở hữu thì tỷ lệ VKD/tổng nợ điều chỉnh thấp là khó tránh khỏi. Theo tính toán, hiện có một CTCK có tỷ lệ trên về mức hơn 2%, một con số quá thấp, nhất là khi đi kèm với tỷ lệ thua lỗ từ 50% vốn điều lệ, thì rất có thể sẽ bị đình chỉ hoạt động theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17, Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK, ban hành kèm theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC. Cũng theo Điều 26 của Quy chế, CTCK có tỷ lệ trên dưới 5% sẽ không được triển khai nghiệp vụ mới, lập chi nhánh, mở văn phòng đại diện... Duy trì tình trạng này từ 6 tháng trở lên sẽ bị UBCK áp dụng đình chỉ một phần hoặc toàn bộ nghiệp vụ. Như vậy, rõ ràng quy định về tỷ lệ VKD/tổng nợ điều chỉnh ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của CTCK, nhưng cách tính VKD như hiện nay liệu có hợp lý?
Theo Quy chế, VKD (E) được tính bằng E = A - B + C - D với A là tổng tài sản, B là tổng nợ, C là các khoản cộng thêm (bao gồm khoản nợ có thể chuyển thành vốn cổ phần và trái phiếu chuyển đổi), D là các khoản giảm trừ (tài sản của CTCK không thuộc sở hữu của chủ DN, tài sản cố định, góp vốn liên doanh, xây dựng dở dang và các khoản đầu tư dài hạn). Sẽ không có gì đáng để bàn nếu như quy định về cách tính A như hiện nay dường như chưa hợp lý.
Theo đó, tổng tài sản của CTCK phần tính cho các chứng khoán nắm giữ như sau: 95% của giá thị trường đối với các loại trái phiếu chính phủ (TPCP), trái phiếu công trình (TPCT) được Bộ Tài chính bảo lãnh được niêm yết; 90% của giá thị trường đối với các loại TPCP, TPCT được Bộ Tài chính bảo lãnh không niêm yết; 85% của giá thị trường đối với các loại trái phiếu niêm yết khác; 80% của giá thị trường đối với các loại cổ phiếu niêm yết; 60% của mệnh giá đối với các loại trái phiếu không niêm yết khác; 100% của mệnh giá đối với các loại cổ phiếu chưa niêm yết; 0% đối với các loại chứng khoán khác (tài sản cầm cố, ký cược, ký quỹ ngắn hạn; chứng khoán cầm cố; chứng khoán bị đình chỉ giao dịch...).
Đối với các loại trái phiếu niêm yết, không phải CTCK nào cũng phân bổ tài sản để đầu tư nên trên bình diện chung, quy định chiết khấu thanh khoản như trên là chấp nhận được. Nhưng, với quy định về 60% mệnh giá trái phiếu không niêm yết trong tính VKD liệu có hợp lý? Bởi vì, nếu quy định như trên, rất có thể trái phiếu DN không niêm yết sẽ không được CTCK hoan nghênh do lo ngại ảnh hưởng đến quy định an toàn trên. Điều này, rất có thể sẽ vô tình làm hạn chế sự phát triển của thị trường trái phiếu DN.
Đặc biệt, quy định về mức 100% mệnh giá với cổ phiếu chưa niêm yết cũng chưa hợp lý. Đa phần CTCK bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2006, giai đoạn giá cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết đều ở mức giá cao. Do đó, khả năng để CTCK mua cổ phiếu chưa niêm yết ở mức giá dao động trong khoảng từ 2 đến 4 lần mệnh giá là khá phổ biến. Nếu CTCK dành khoảng 30% tổng vốn đầu tư của họ vào danh mục cổ phiếu chưa niêm yết thì rõ ràng, VKD của họ theo cách tính hiện nay sẽ bị giảm đi đáng kể. Trong khi đó, không phải cổ phiếu chưa niêm yết nào cũng có tính thanh khoản thấp, mà trong đó đáng kể nhất là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), với tính thanh khoản thậm chí còn cao hơn so với rất nhiều cổ phiếu niêm yết. Đối với một số CTCK lớn, nhất là CTCK có bảo lãnh phát hành thì danh mục cổ phiếu chưa niêm yết có thể lên tới 40% tổng danh mục, thậm chí là 60%. Với quy định như hiện nay, khả năng “vượt đèn đỏ” của họ là khó tránh khỏi, nhất là khi DN sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh TTCK đi xuống...
Với quy định về 80% thị giá cổ phiếu niêm yết như hiện nay có vẻ còn mang tính “cào bằng”. Ở đây, xin lấy ví dụ về cổ phiếu STB và HSC. Với cổ phiếu STB, thanh khoản mỗi phiên lên tới cả triệu cổ phiếu thì việc chiết khấu thanh khoản tới 20% có vẻ là quá cao, nhưng ngược lại, với cổ phiếu HSC, việc chiết khấu thanh khoản chỉ 20% dường như lại quá nhẹ tay.
Lách luật và yêu cầu thay đổi
Hiện tượng “làm đẹp” báo cáo tháng là ví dụ đầu tiên về cách lách luật mà ĐTCK đã ghi nhận. Và qua tham khảo một số CTCK, họ đều cho rằng, nếu tiếp tục duy trì quy định như vậy thì CTCK sẽ nghĩ ra nhiều “chiêu” nữa để “qua mặt” cơ quan quản lý, mà đơn giản nhất là thành lập pháp nhân con để đẩy toàn bộ mảng tự doanh sang!
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý kinh doanh, UBCK cho rằng: “Quy định về VKD như hiện nay của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến và kinh nghiệm từ TTCK thế giới. Thời gian qua, UBCK cũng nhận được một số phản hồi về những bất cập trong quy định. Một số ý kiến cho rằng, quy định như hiện nay là quá chặt, làm khó CTCK, nhưng một số khác lại cho rằng, cần quy định chặt hơn nữa! Thời gian tới, UBCK sẽ có nghiên cứu để có thể sửa đổi vào năm 2010”.
Qua phản hồi của các CTCK về cách tính VKD, tựu trung xoay quanh tỷ lệ chiết khấu thanh khoản giá chứng khoán. Theo đó, UBCK nên đưa ra tỷ lệ chiết khấu thanh khoản với các mã chứng khoán niêm yết linh hoạt theo tính thanh khoản, giảm tỷ lệ chiết khấu thanh khoản với trái phiếu, nhất là trái phiếu DN.
đầu tư chứng khoán
|